Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nhiều ý kiến đề cập đến chuyện hồi tố phim "Vị”: Không ai muốn làm khó, kìm hãm các nhà làm phim

Thứ Tư 29/09/2021 | 10:19 GMT+7

VHO- “Nhiều người hiểu rằng cơ quan quản lý điện ảnh đang gây khó cho người làm phim và thậm chí, khiến cho nền điện ảnh mất đi nhiều tác phẩm giá trị chỉ vì... kiểm duyệt”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã phản hồi ý kiến của giới làm phim tại tọa đàm trực tuyến Ai góp ý giơ tay lên! đề cập một số vấn đề tại Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

 

Ông Vi Kiến Thành khng định, Vị” không được cp phép ph biến ti Vit Nam là quyết định đúng (nh: Mt cnh trong phim Vị”)

 Bắt đầu câu chuyện từ Vị, bộ phim tiếp tục gây xôn xao khi tuyên bố từ bỏ quốc tịch Việt Nam, ông Thành chia sẻ với Văn Hóa, ông đã theo dõi cuộc tọa đàm kéo dài suốt 6 tiếng và cũng muốn “giơ tay!”…

Nếu như vậy sự việc đã bị đẩy đến bước khác

PV: Thông tin phim “Vị” từ bỏ quốc tịch Việt Nam, trở thành phim Singapore được đưa ra tại buổi tọa đàm đã khiến nhiều người sửng sốt. Là người ký quyết định cấm phổ biến đối với phim này, ông có suy nghĩ gì?

- Cục trưởng Vi Kiến Thành: Tôi đã nghe thông tin này qua buổi tọa đàm và báo chí. Chiều 27.9, Cục Điện ảnh đã họp trực tuyến với Thanh tra Bộ VHTTDL, Thanh tra Sở VHTT TP.HCM và đại diện Công ty TNHH Le Bien Pictures (Công ty Lê Biên), nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo về nội dung này. Cục Điện ảnh và Thanh tra Bộ đã đề nghị Công ty Lê Biên có báo cáo giải trình và các văn bản đã ký kết thỏa thuận, từ quá trình sản xuất phim đến việc xin rút quyền sở hữu đối với phim. Nhà sản xuất cho biết, ngày hôm nay 29.9 sẽ gửi Cục Điện ảnh toàn bộ những nội dung đó. Chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ vấn đề, bởi nếu sự việc diễn biến như vậy thì có nhiều điều tiền hậu bất nhất. Hồ sơ xin phép phổ biến ghi rõ phim Vị do Việt Nam sản xuất, nhưng theo thông tin mới thì đây lại là phim liên doanh, hợp tác; đạo diễn chấp nhận từ bỏ quyền tác giả, nhà sản xuất từ bỏ quyền sở hữu để Vị trở thành phim Singapore. Như vậy thì sự việc đã bị đẩy đến một bước khác.

Việc Vị từ bỏ quốc tịch Việt là câu chuyện chưa từng có tiền lệ ở ta. Với những người làm nghệ thuật, đó là một cú sốc. Còn góc độ pháp luật sẽ là câu chuyện khác. Vị là phim hợp tác sản xuất với nước ngoài thì nó đã vi phạm Luật Điện ảnh bởi ngay từ đầu khi không trình kịch bản để thẩm định.

Nhiều ý kiến lấy “Vị” như một “nạn nhân” điển hình của cơ chế kiểm duyệt, thậm chí còn đề cập đến việc hồi tố đối với phim?

- Khi thẩm định phim Vị, Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện chỉ có một thành viên duy nhất đề nghị xem xét phổ biến phim này ở phạm vi hẹp, phục vụ các nhà chuyên môn, còn lại đều nhất trí không phổ biến. Sau đó, Cục tổ chức chiếu phim, mời các chuyên gia tư vấn ngoài Hội đồng đến xem và cho ý kiến. 100% Hội đồng tư vấn nhất trí không phổ biến Vị ở Việt Nam. Khi đó, Cục mới ra quyết định không cho phổ biến.

Đánh giá một cách công bằng thì Vị đã có những tìm tòi, sáng tạo nhất định trong thủ pháp nghệ thuật nhằm chuyển tải nội dung, tư tưởng của phim. Nhưng với trường đoạn hơn 30 phút nude hoàn toàn, nhiều cảnh quay trực diện thì khó có thể nói đó là những sáng tạo nghệ thuật phù hợp với văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, cũng không thể cắt bỏ hay lược bớt cảnh nude bởi cắt đi thì phim chẳng còn gì. Cảnh nude quá dài không đáng nói, cái đáng nói là sự hạ thấp nhân phẩm phụ nữ Việt.

Nhiều ý kiến đề cập đến câu chuyện hồi tố cho Vị, tôi nghĩ rằng đó là quyền của đơn vị sản xuất phim, họ có thể làm đơn nếu thấy không thỏa đáng. Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan quản lý ngành điện ảnh, tôi khẳng định quyết định này hoàn toàn chính xác, không có gì băn khoăn. Chuyện phim từ bỏ quốc tịch Việt Nam như một cách tạo và đẩy cảm xúc của nhiều người, lên án Hội đồng trở thành rào cản làm thụt lùi sự phát triển của điện ảnh. Nhưng tiếc là những cảm xúc đó lại đến từ hầu hết những người chưa từng xem phim.

Một cảnh trong phim Miền ký ức (Memory land) của đạo diễn Bùi Kim Quy vừa được Cục Điện ảnh thẩm định và cấp phép để chính thức tham gia tranh giải trong hạng mục New Currents tại LHP Busan 2021

Không ai muốn làm khó các nhà làm phim

Cho rằng Hội đồng duyệt phim đang trở thành rào cản, khiến cho nhiều bộ phim như Vị phải đón nhận “bản án” một cách tức tưởi. Ông nhận định như thế nào?

- Hội đồng duyệt phim luôn làm việc và tuân thủ mọi quy định của pháp luật và mọi quyết định đưa ra đều phải dựa trên nguyên tắc đa số. Việc phát ngôn về mọi công việc của Hội đồng cũng chỉ do Chủ tịch Hội đồng thực hiện. Phải thấy rằng, nghệ thuật không phải là toán học, không rõ ràng những con số. Mỗi nghệ sĩ, chuyên gia có quan điểm, nhận thức và đánh giá khác nhau. Vì vậy, ở bất cứ quốc gia nào thì nghệ thuật cũng đều phải cần có hội đồng để dung hòa mọi sự khác nhau đó.

Hiện nay, Hội đồng duyệt phim đã thay đổi hơn trước rất nhiều, với đủ tiếng nói của các thành phần làm phim, từ nhà sản xuất, các đạo diễn, nhà làm phim độc lập… Hội đồng luôn đồng hành với các nhà sản xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh chứ không ai muốn kìm hãm, làm khó các nhà làm phim. Tôi cũng muốn nói thêm về những ý kiến cho rằng nhiều trường hợp có sự xung đột giữa quan điểm của hội đồng kiểm duyệt và giới làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim độc lập. Cục Điện ảnh rất mong muốn trong những trường hợp đó hai bên sẽ có thể trao đổi, đối thoại để tìm tiếng nói chung. Nhưng cũng phải thấy rằng, đối thoại chỉ thành công khi cả hai cùng hướng về một mục đích. Nghệ sĩ bao giờ cũng muốn sự tự do tuyệt đối trong sáng tạo. Nhà quản lý thì phải theo luật. Từ hai phía khác nhau phải cố gắng kéo lại gần nhau, chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa.

Có người nói những điều cấm trong Luật Điện ảnh là mơ hồ, khiến các nhà làm phim không biết mình sai ở đâu, đúng điểm nào. Ông suy nghĩ gì trước những kiến nghị phải rõ ràng, chi tiết hơn?

- Những điều cấm trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) mà các nhà làm phim đề cập là những quy định dựa trên Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009. Sau hơn 14 năm, trước những bất cập nảy sinh, dự thảo luật lần này chỉ đang theo hướng cụ thể hơn chứ không thêm nội dung cấm gì mới. Tôi hiểu rằng các nhà làm phim đều mong muốn có một Luật quy định chi tiết, cụ thể, đó là mong muốn phù hợp của các nghệ sĩ cũng như của ban soạn thảo. Nhưng nói thì dễ, cụ thể trong Luật lại không dễ. Quy định cụ thể này có thể giải quyết được vấn đề của một dự án phim, nhưng với phim khác lại sẽ là bất hợp lý.

Ông có ý kiến gì trước những đề xuất về sự cần thiết đơn giản hóa thủ tục thẩm định cấp phép, loại bỏ thẩm định kịch bản đối với các nhà làm phim nước ngoài muốn đến làm phim tại Việt Nam?

- Nếu nhìn ở góc độ kinh tế thì đề xuất đó rất hợp lý, nhưng ở góc độ quản lý về nội dung tư tưởng thì lại chứa đựng nguy cơ rủi ro. Trên thực tế, có những phim nước ngoài đến Việt Nam để lấy bối cảnh, xây dựng chuyện phim; nhưng sau đó nhà làm phim về nước dựng và không phát hành tại Việt Nam, tức là bộ phim đó không phải qua khâu thẩm định và kiểm duyệt tại Việt Nam. Nếu chúng ta bỏ qua khâu thẩm định kịch bản trước đó thì không thể biết nội dung phim thế nào, phản ánh sai lệch gì hay không.

Đơn cử, có dự án phim nước ngoài muốn vào quay ở Sơn Đoòng, khi thẩm định kịch bản mới biết phim nói về một gia đình sống ở đó nhưng Sơn Đoòng lại là của một nước khác chứ không phải của Việt Nam. Có phim nói đến sự kiện lịch sử nhưng hoàn toàn sai lệch...

Tất nhiên, các ý kiến đóng góp từ nhiều góc độ khác nhau sẽ được Ban soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cân nhắc, tiếp thu, trên tinh thần luật phải dung hòa trách nhiệm và quyền lợi của nhiều đối tượng, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh.

 Xin cảm ơn ông!

 

Với ý kiến đề nghị phải có “luồng xanh” cho phim tham dự các LHP quốc tế, ông thấy thế nào?

- Tôi cho rằng đó là đề xuất mà ban soạn thảo cần cân nhắc, tính toán đưa vào Luật. Trước đó cũng đã có những ý kiến cho rằng để tạo điều kiện cho phim Việt ra nước ngoài dự các LHP nhiều hơn thì nên có một cơ chế riêng như thành lập một Hội đồng chuyên biệt để thẩm định các phim tham gia LHP nước ngoài. Đương nhiên, việc cấp giấy phép cho phim đi dự LHP quốc tế khác với giấy phép thẩm định của Hội đồng duyệt phim quốc gia khi bộ phim đó quay lại và muốn phát hành trong nước. Điều khoản quy định đối với phim đi tham dự LHP nước ngoài Ban soạn thảo sẽ họp bàn và đưa vào Luật trong cuộc họp tới.

PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top