Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Trung thu này, em ước có mẹ...”

Thứ Hai 20/09/2021 | 09:45 GMT+7

VHO-  Nhìn các cháu cẩn thận xếp đặt từng chiếc đèn ông sao, nâng niu từng suất quà mà nhà hảo tâm gửi tặng, chúng tôi bâng khuâng nghĩ tới ánh mắt của những em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội VI (Hà Nội). Có lẽ giờ này, những đứa trẻ ấy cũng đang háo hức chờ đợi giây phút được rước đèn, phá cỗ đêm hội trăng rằm…

  Lù Thanh Lâm (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn sẽ tham gia tổ chức Tết Trung thu cho các em nhỏ tại trung tâm 

Cuối tuần qua chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội VI thuộc Thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì từ khi mặt trời còn chưa ló rạng. Nhiều năm nay Trung tâm là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng hàng chục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Những đứa trẻ gần như không biết về quê quán, cội nguồn. Với các em Trung tâm là nhà, cán bộ là cha mẹ. 
Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Thời điểm hiện tại, đơn vị đang nuôi dưỡng và chăm sóc 51 em nhỏ. Nhiều em trong số này không nhớ gì ngoài cái tên của mình, do đó không có khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Các em sẽ được nuôi dưỡng lâu dài tại trung tâm. Những em không đủ điều kiện đến trường, Trung tâm đã mở lớp xóa mù chữ nhằm giúp các em biết đọc, biết viết, biết làm toán tới chương trình lớp 5, sau đó có thể tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp. Còn với những trẻ trong độ tuổi đi học và có khả năng tái hòa nhập cộng đồng, Trung tâm phối hợp với địa phương làm giấy khai sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tới trường”. 
Hơn mười năm gắn bó với “ngôi nhà chung”, trở thành mẹ của hàng trăm em nhỏ, chị Vũ Thị Mai Hoa, Phó Phòng Giáo dục chăm sóc trẻ em của Trung tâm Bảo trợ xã hội VI trải lòng: “Thương con ruột của mình như thế nào thì mọi người đều thương các bé như thế, thậm chí thương hơn. Ở đây 51 con chỉ có 9 mẹ chăm sóc nên tình cảm cần san sẻ. Vì thế nhiều con ích kỉ một cách rất đáng yêu, có khi lao vào nhau vì tranh giành mẹ”. Thay vì rụt rè như những bạn nhỏ khác, cô bé Nguyễn Hải Anh lúc nào cũng ríu rít như con chim nhỏ trong lòng mẹ Hoa. Đúng tròn 2 tháng nữa, bạn nhỏ có ánh mắt đen láy, sáng long lanh ấy sẽ đón sinh nhật bốn tuổi. Vắng sự chăm sóc của mẹ ruột từ ngày lọt lòng, lớn lên bởi những yêu thương được góp nhặt lại từ cuộc đời này và hồn nhiên như cỏ cây hoa lá, gặp ai Hải Anh cũng gọi là “Mẹ”! Nhìn cô bé cầm chiếc đèn ông sao to gần bằng người, líu lo hát rồi nhảy chân sáo, chạy theo các anh chị mà thương lạ lùng... Chị Hoa thủ thỉ: “Mong rằng lớn lên con sẽ thành tài, giỏi giang và can đảm, như ý nghĩa của cái tên trong bức thư duy nhất mà mẹ ruột con đã để lại”. 

 Tròn 2 tháng nữa cô bé Nguyễn Hải Anh sẽ đón sinh nhật 4 tuổi 

Những năm trước đây khi Tết Trung thu đã cận kề, các em nhỏ của Trung tâm lại tíu tít tập kịch, tập múa chờ đợi đêm diễn văn nghệ có chú Cuội, chị Hằng. Năm nay do dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp nên niềm vui ấy đành phải gác lại... Để đảm bảo an toàn, cán bộ nhân viên của Trung tâm sẽ tổ chức rước đèn, phá cỗ cho các em tại Hội trường lớn. Đêm hôm đó, 51 em nhỏ sẽ được giao lưu trực tuyến cùng với các anh chị của CLB sinh viên Trường Đại học Y dược Hà Nội. Trong cuộc gặp gỡ với cán bộ, nhân viên và các em nhỏ của Trung tâm, chúng tôi tình cờ gặp Lù Thanh Lâm cậu bé có gương mặt rất sáng nhưng ánh mắt lúc nào cũng đượm buồn. Năm nay Lâm 17 tuổi, được Trung tâm đón về nuôi dưỡng từ 6 năm trước. 
Ngồi cạnh tôi, Lâm chậm rãi kể về tuổi thơ còn chập chờn trong ký ức: “Em chỉ biết nhà mình ở Hà Giang, hình như quanh nhà có nhiều núi lắm! Ở đó em còn có mẹ và bà ngoại. Xa nhà lâu ngày gương mặt của bà, của mẹ thế nào em cũng không nhớ rõ nữa. Lâu lắm bà ngoại và mẹ mới liên lạc cho em qua điện thoại một lần. Có những hôm mọi người đã đi ngủ hết, em cứ nằm nhớ lại những ngày xưa ấy. Không biết mẹ em có nhớ em không anh nhỉ? Tết Trung thu năm nào em cũng sẽ ghi ra giấy những điều mà mình mơ ước”. Chúng tôi nhìn Lâm rồi hỏi năm nay em sẽ ước gì, Lâm cười buồn: “Trung thu này em ước có mẹ đến thăm! Hết chương trình học phổ thông em sẽ đi học nghề. Khi kiếm được tiền rồi em sẽ nuôi các em cùng các mẹ và tìm về với mẹ ruột, với bà ngoại của em anh ạ”. 

Khẩn trương rà soát, kịp thời hỗ trợ người dân khó khăn 

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6611/ VPCP-KGVX gửi UBND TP.HCM truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc người dân phản ánh không được cứu trợ. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo kiểm tra, kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định; khẩn trương rà soát, không để sót, lọt đối tượng, không để người dân “thiếu ăn”, không để bất bình đẳng trong việc nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng kích động người dân gây mất an ninh trật tự và an toàn phòng, chống dịch Covid-19. P.V

 

VŨ MỪNG 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top