Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nghệ thuật đã thắp lên ngọn lửa bằng những que diêm bé nhỏ

Thứ Sáu 17/09/2021 | 10:06 GMT+7

VHO- “Gặt hái thành công mới chỉ là bước đầu, nhưng có chứng kiến những khó khăn của nghệ thuật thời gian qua mới hiểu đó là những nỗ lực vô cùng đáng trân trọng. Nghệ thuật đã vượt qua giới hạn khi thắp lên ngọn lửa bằng những que diêm bé nhỏ chứ không chịu ngồi yên chấp nhận và trách bóng tối”.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, động viên các nghệ sĩ trước giờ biểu diễn

 Đó là những chia sẻ chân thành, cởi mở của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khi bất ngờ tới thăm và dự buổi biểu diễn báo cáo chương trình nghệ thuật trong danh mục Nhà nước đặt hàng của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát rất xúc động khi được người đứng đầu ngành VHTTDL thấu hiểu và sẻ chia với những khó khăn, thách thức của ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung và của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nói riêng trong cơ chế thị trường và đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Thấu hiểu những nỗi niềm của người nghệ sĩ…

“Những tháng ngày qua, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền kinh tế của cả nước, đối với lĩnh vực VHTTDL và với khối nghệ thuật biểu diễn lại càng nặng nề hơn. Các nhà hát đều phải đóng cửa, nghệ sĩ không thể lên sân khấu, khán giả không có cơ hội thưởng thức những chương trình mới, chất lượng. Tất cả đều tập trung cho nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh… Gánh nặng đối với lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ngày càng lớn khi phải gồng mình lên tìm các nguồn lực để đảm bảo đời sống cho cán bộ, nghệ sĩ của mình. Lãnh đạo Bộ rất thấu hiểu với những nỗi niềm đau đáu, trăn trở và khát vọng mong chờ của văn nghệ sĩ, của nhân dân và của từng nhà hát. Chính vì vậy, tôi xin gửi lời cảm ơn tới anh chị em cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và của các nhà hát đã nỗ lực cùng với Bộ tìm đủ mọi biện pháp để vượt qua khủng hoảng hiện nay bằng những hoạt động thiết thực, có sức lan toả mạnh mẽ đối với toàn xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ mục đích của cuộc đến thăm bất ngờ này.

Điều mà Bộ trưởng ghi nhận đó là khối nghệ thuật biểu diễn đã nhanh chóng thích ứng để vừa tìm ra lối thoát cho ngành, vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị góp sức cùng Đảng, nhân dân đẩy lùi dịch bệnh. Đứng trước những khó khăn vô cùng cấp bách đối với khối nghệ thuật biểu diễn, trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã kịp thời chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và các nhà hát phải nhanh chóng thay đổi phương thức tổ chức hoạt động bằng việc tận dụng tối ưu công nghệ thông tin để chuyển tải các tác phẩm, chương trình nghệ thuật phát sóng trên truyền hình và livestream trên các nền tảng số. Cụ thể là rất nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề San sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch đã và đang được thực hiện, đã tạo nên những dấu ấn tuyệt vời trong lòng khán thính giả cũng như giới nghề; lượng tương tác ngày càng cao và đã có rất nhiều lời khen tặng dành cho các tiết mục biểu diễn, những chia sẻ, động viên đầy cảm động của khán giả khi đồng cảm với những nồng ấm từ trái tim và trách nhiệm của nghệ sĩ khi cùng cả nước chung sức, chung lòng vượt qua đại dịch.

Đúng như nhận định của Bộ trưởng, nghệ thuật đã trở thành những liều vắc xin tinh thần vô cùng ý nghĩa động viên nhân dân trong thời điểm khó khăn này. Lãnh đạo Bộ cũng hiểu, kinh phí cấp cho các nhà hát vốn đã hạn hẹp giờ lại phải đóng cửa thì mọi nguồn thu đều bằng 0. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ 4.0 đã giúp cho nghệ thuật biểu diễn mở rộng hơn đối tượng khán giả, người dân cả nước đã được biết đến những thương hiệu nghệ thuật quốc gia của các nhà hát ca múa nhạc, tuồng, chèo, cải lương, múa rối, kịch nói, xiếc, giao hưởng… “Những gặt hái thành công mới chỉ là bước đầu, nhưng có chứng kiến những khó khăn của nghệ thuật thời gian qua mới hiểu rằng đó là những nỗ lực vô cùng đáng trân trọng. Nghệ thuật đã vượt qua giới hạn khi thắp lên ngọn lửa bằng những que diêm bé nhỏ chứ không chịu ngồi yên chấp nhận và trách bóng tối”, Bộ trưởng nhận định.

 Màn hát múa “Giang sơn chí anh hùng” của tập thể nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam

Cần những tham mưu “trúng” và “đúng” để tháo gỡ bất cập

Nhìn nhận về những vấn đề vướng mắc, bất cập đối với ngành nghệ thuật biểu diễn trong nhiều năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói: “Sở dĩ phiên họp đầu tiên khi tôi được phân công vị trí Bộ trưởng tôi đã lựa chọn làm việc với 12 nhà hát thuộc Bộ VHTTDL, tham dự có các Thứ trưởng và các Cục, Vụ chức năng là vì Bộ hiểu rằng đang có rất nhiều vướng mắc cần được khai thông, tháo gỡ. Lãnh đạo Bộ đã được lắng nghe những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của lãnh đạo các nhà hát và các nghệ sĩ tên tuổi đầu ngành nghệ thuật. Ai cũng có thể thấy cách tính lương khởi điểm theo hệ trung cấp đối với diễn viên là thiệt thòi thế nào, những điểm khác biệt ngay từ quá trình đào tạo đầy khắc nghiệt đối với diễn viên ra sao, nhưng để tháo gỡ được điều này thì không thể trong ngày một, ngày hai và cũng không thể chỉ phụ thuộc vào lãnh đạo Bộ VHTTDL. Đáng mừng là Chính phủ cho phép Bộ VHTTDL nghiên cứu xây dựng Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và Nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ. Đây là bước cơ bản giúp cho ngành tiếp tục phát huy được giá trị nghệ thuật, tạo động lực sáng tạo cho những người làm công tác văn hóa văn nghệ. Lãnh đạo Bộ đã phân công Thứ trưởng Tạ Quang Đông phụ trách khối nghệ thuật biểu diễn sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn cùng nghiên cứu để có được những tham mưu trúng và đúng…”.

Tại buổi báo cáo chương trình nghệ thuật trong Danh mục Nhà nước đặt hàng của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, các nghệ sĩ đã có một buổi biểu diễn vô cùng ấn tượng. Chương trình mang tên Giai điệu Việt, bao gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật đoạt giải thưởng cao tại các Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp quốc gia và quốc tế. Giai điệu Việt là bức tranh quê hương Việt Nam với những tiết mục ca múa nhạc dân gian truyền thống là di sản Việt, di sản được UNESCO công nhận, nhiều tác phẩm được phát triển từ chất liệu dân gian, nhiều tác phẩm dân gian đương đại… đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Chương trình được các nhạc sĩ, biên đạo múa phối khí, hòa âm một cách sáng tạo, tìm tòi ngôn ngữ và hơi thở mới cho âm nhạc, ca, múa. Ngay tại buổi báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã trao quà động viên các nghệ sĩ đã nỗ lực tập luyện, sáng tạo và tạo nên một chương trình nghệ thuật xứng “đồng tiền bát gạo” mà Nhà nước đã giao phó.

Bộ trưởng cũng đã có những đánh giá rất khách quan đối với những nỗ lực của toàn thể cán bộ, nghệ sĩ của khối nghệ thuật biểu diễn nói chung, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam nói riêng. Những chia sẻ thấu đáo của vị Tư lệnh ngành VHTTDL đã cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL trong việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập đối với ngành nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định việc này cần mỗi cá nhân nghệ sĩ cho tới tập thể các đơn vị nghệ thuật phải xác định được rõ vai trò và trách nhiệm của mình, có tinh thần chủ động, nỗ lực vượt khó, toàn tâm, toàn ý hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời thực hiện nhiệm vụ phục vụ chính trị. Các nghệ sĩ, diễn viên chính là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng, nhằm góp phần hun đúc bồi dưỡng các giá trị chân - thiện - mỹ, cũng như đang thực hiện phát triển xây dựng con người Việt Nam. 

 Ai cũng có thể thấy cách tính lương khởi điểm theo hệ trung cấp đối với diễn viên là thiệt thòi thế nào, những điểm khác biệt ngay từ quá trình đào tạo đầy khắc nghiệt đối với diễn viên ra sao, nhưng để tháo gỡ được điều này thì không thể trong ngày một, ngày hai và cũng không thể chỉ phụ thuộc vào lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Đáng mừng là Chính phủ cho phép Bộ VHTTDL nghiên cứu xây dựng Nghị định Quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật và Nghị định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ. Đây là bước cơ bản giúp cho ngành tiếp tục phát huy được giá trị nghệ thuật, tạo động lực sáng tạo cho những người làm công tác văn hóa văn nghệ…

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

 

 THÚY HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top