Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Tác động của phim truyện đến đời sống: Cảnh báo và “làm sạch” xã hội

Thứ Sáu 17/09/2021 | 10:06 GMT+7

VHO- Có lẽ từ hàng trăm năm nay, đối với nhân loại nói chung, việc xem phim truyện đã là một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống tinh thần. Người xem phim vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là đối tượng được điều chỉnh hành vi xã hội một cách tế nhị thông qua các hình tượng nhân vật, các tình huống kịch. Quan trọng hơn, qua những thông điệp mà nó chuyển tải, truyện phim thường có tác dụng định hướng xã hội mạnh mẽ, đồng thời cũng là phương tiện quảng bá văn hoá, truyền thống dân tộc, lịch sử đất nước ra thế giới…

 “Người phán xử” lấy bối cảnh chính là ông trùm xã hội đen và các mối quan hệ xoay quanh nhân vật này, được xem là phim truyền hình Việt thành công khi tạo ra nhiều hiệu ứng chưa từng có trên màn ảnh nhỏ, trên mạng xã hội lẫn ngoài đời sống thực

 Như vậy, chức năng và nhiệm vụ của phim truyện (điện ảnh và truyền hình) đã quá rõ. Tuy nhiên, có một nguyên tắc nghiệp vụ mang tính chân lý toàn cầu, đó là từ thượng cổ, trong các câu chuyện loài người kể cho nhau nghe từ đời này sang đời khác bên đống lửa, hay trong các vở kịch cổ đại đến các bộ phim truyện đương đại, bao giờ mối mâu thuẫn chính được khai thác cũng là những đối chọi giữa cái Thiện và cái Ác. Đây là cặp phạm trù triết học kinh điển mà bất cứ ai có trình độ văn hoá tối thiểu cũng phải nhận biết. Và theo khát vọng nhân loại, cái Thiện bao giờ cũng thắng, dù nhân vật đại diện cho cái Thiện có thể chết hoặc tổn hại đau đớn.

Nói như vậy để thấy, không thể có mâu thuẫn kịch nếu vắng bóng cái Ác. Hay nói một cách hài hước hơn, là không có Ác Quỷ thì Thiên Thần “thất nghiệp” và ngược lại. Có điều theo thời gian, sự phát triển của xã hội loài người ngày càng trở nên phức tạp hơn, thì chân dung cái Ác cần chế ngự cũng đa dạng, phức tạp hơn rất nhiều. Trong hàng ngàn những bộ phim truyền hình chống tội phạm ma tuý của thế giới như Bố già (Mỹ), Bạch tuộc (Ý)… hay phim điện ảnh chống tham nhũng như Lưới trời (Việt Nam)… bao giờ khán giả cũng được thấy thế lực của cái Ác dù ghê gớm, mạnh mẽ đến đâu thì sực mạnh của cái Thiện (bao gồm cả tinh thần nhân văn và công chính pháp luật) cũng chế ngự được nó dù phải hy sinh hay tổn thất không nhỏ, và vì thế, nhân loại vẫn tồn tại và phát triển với tinh thần hướng thiện là chủ đạo. Cũng như vậy, những bộ phim về gia đình với những mâu thuẫn thế hệ hay sự xô lệch của chuẩn mực đạo đức… không bao giờ là sự cổ suý cho quá trình tan nát của gia đình - những tế bào xã hội vốn luôn cần được bảo vệ tuyệt đối.

Có vẻ như những điều vừa được nhắc đến là hiển nhiên và quá cũ. Nhưng khi câu hỏi được đặt ra (từ một vài nhà quản lý xã hội) rằng có cần những bộ phim nói về cái xấu nói chung và thế giới tội phạm nói riêng không, rồi đo đếm tác động của nó đến xã hội Việt Nam đương đại, thì những vấn đề muôn thuở của nghệ thuật xây dựng tính kịch cho mỗi tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình… cũng cần được nhắc lại. Đã có người nói rằng, một bộ phim về đề tài chống ma tuý khiến bọn tội phạm học được mánh làm ăn và “nghề” buôn ma tuý trở nên phát triển. Cũng như vậy với các tình tiết tội phạm trong những bộ phim đề cập đến xã hội đen, dường như đang “dẫn lối đưa đường” cho tội phạm trở nên mạnh mẽ và khôn ranh hơn. Có thể nói đây là một góc nhìn khá hạn hẹp và rất chủ quan. Với các nhà làm phim và với khán giả thông thường, sức hấp dẫn của một bộ phim không phải ở chỗ “ta thắng địch thua” đơn thuần bằng cách hô khẩu hiệu.

Để một xã hội phát triển lành mạnh, ta không thể úp mặt vào tường để mặc nhiên coi như không có các hành vi tội phạm cùng hệ thống tổ chức của chúng. Ngược lại, ngoài những chế tài của hệ thống luật pháp, thì việc phân tích, bóc tách các nguyên nhân và hành động phạm pháp bằng nghệ thuật phim truyện là một cách để cảnh báo và làm sạch xã hội một cách sâu sắc hơn bất cứ hành động pháp chế nào. Đây chính là nơi mà các chân dung anh hùng chính đạo được toả sáng. Những chân dung anh hùng chống tham nhũng, những hiệp sĩ đường phố, những cảnh sát hình sự hy sinh thân mình vì một xã hội bình yên… sẽ được thể hiện thế nào nếu không cho thấy họ phải đối mặt với những thế lực đôi khi mạnh hơn họ cả trăm lần? Không thể nói về một chiến công mà lờ đi cái môi trường buộc một con người bình thường phải dấn thân để trở thành anh hùng bất đắc dĩ. Cũng như vậy, ngược về quá khứ chiến tranh, làm sao có thể nói về sự hy sinh quên mình của hàng triệu liệt sĩ nếu không nói về sự tàn độc của kẻ thù?

Nếu phải nói về một khiếm khuyết nào đó của các phim Việt Nam làm về đề tài này thì sẽ là: Bởi những yêu cầu “tế nhị” từ hệ thống kiểm duyệt cũng như từ chính sự “tự kiểm duyệt” của những người làm phim, các hành vi tội phạm chưa bao giờ được mô tả đúng như sự khốc liệt vốn có của nó. Đó là lý do khiến các phim chống tội phạm của ta không đạt tới tầm cấp như Bố già của Mỹ hay Bạch tuộc của Ý… Có một thời gian khá dài, cái tinh thần “ta thắng địch thua” đầy chủ quan khiến các phim Việt Nam mất đi lượng khán giả đáng kể. Không phải vì khán giả thích “học điều gì” từ thế giới tội phạm, mà khán giả cần thấy các chân dung anh hùng bảo vệ xã hội của họ được tôn vinh xứng đáng thông qua số phận nhân vật và tình huống kịch. Rất may là khoảng hơn chục năm trở lại đây, cái “phương án” ca ngợi đơn thuần đã không còn ám thị trong các bộ phim của đề tài này.

Làm sạch xã hội bằng cách chỉ đích danh nguyên nhân và cách vận hành của hệ thống tội phạm là cách duy nhất đúng để khán giả thấy kinh sợ, ghê tởm nó và nhận ra chân dung các anh hùng, các thần tượng của mình để noi theo. Và đây cũng chính là nhiệm vụ tối thượng của nghệ thuật phim truyện. 

 Những chân dung anh hùng chống tham nhũng, những hiệp sĩ đường phố, những cảnh sát hình sự hy sinh thân mình vì một xã hội bình yên… sẽ được thể hiện thế nào nếu không cho thấy họ phải đối mặt với những thế lực đôi khi mạnh hơn họ cả trăm lần? Không thể nói về một chiến công mà lại lờ đi cái môi trường buộc một con người bình thường phải dấn thân để trở thành anh hùng bất đắc dĩ. Cũng như vậy, ngược về quá khứ chiến tranh, làm sao có thể nói về sự hy sinh quên mình của hàng triệu liệt sĩ nếu không nói về sự tàn độc của kẻ thù?

 

 TRỊNH THANH NHÃ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top