Di dời Miếu Hải ven đầm Nại (TP Quy Nhơn): Cần sự đồng thuận của cộng đồng

VHO- Sau khi Văn Hóa đăng bài Cần lắng nghe tâm nguyện của dân (số 3582, ra ngày 21.6.2021) về việc di dời Miếu Hải ven đầm Nại (TP Quy Nhơn - Bình Định), Sở Xây dựng Bình Định đã có văn bản gửi UBND TP Quy Nhơn, đề nghị việc di dời công trình Miếu thờ tại đoạn kè công trình nhà ở xã hội, Khu C Khu đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh phải tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư.

Di dời Miếu Hải ven đầm Nại (TP Quy Nhơn): Cần sự đồng thuận của cộng đồng - Anh 1

 Doanh nghiệp thi công đã đóng trụ cốt thép để rào chặn lối đi vào khu vực Miếu Hải

 Tuy nhiên, trong khi chờ lấy ý kiến nhân dân cũng như sự chỉ đạo của các cấp chính quyền thì doanh nghiệp vẫn cứ vô tư thi công hàng rào, bít lối đi vào Miếu Hải!

Sở Xây dựng chưa có thông tin để báo cáo UBND tỉnh

Miếu Thờ (tên thường gọi là Miếu Hải) là công trình tín ngưỡng nằm ngoài quy hoạch dự án Khu C thuộc Khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh, chỉ bị ảnh hưởng 10,3m2, phần diện tích còn lại 223,4m2 thuộc hành lang thoát lũ (thửa đất có diện tích đo đạc thực tế năm 2012 là 233,7m2). Do đó, khi thực hiện quy hoạch chưa bố trí đất để xây dựng lại Miếu Hải. Sở Xây dựng đã liên hệ với ông Võ Văn Lộc (người đại diện quản lý Miếu Hải, khu vực 4, phường Nhơn Bình) và được ông cho biết, vị trí xây dựng lại Miếu Hải cần phải có ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư nơi đây.

Qua trao đổi, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét nội dung kiến nghị về đề xuất bố trí xây dựng lại Miếu Hải ở địa điểm phù hợp. Sở Xây dựng đã có văn bản số 1627/SXD-QHKT đề nghị UBND TP Quy Nhơn phối hợp với UBND phường Nhơn Bình tổ chức rà soát đề xuất một số vị trí xây dựng di dời Miếu Hải và đồng thời lấy ý kiến của cộng đồng dân cư để làm cơ sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. “Văn bản tổng hợp ý kiến, báo cáo đề xuất gửi về Sở Xây dựng trước ngày 14.7, để Sở có cơ sở báo cáo UBND tỉnh. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thấy UBND TP Quy Nhơn gửi nội dung văn bản cho Sở Xây dựng”, ông Bảo cho hay.

Về câu hỏi: Trong khi Sở Xây dựng đang đề nghị UBND TP Quy Nhơn và UBND phường Nhơn Bình tổ chức rà soát đề xuất một số vị trí xây dựng Miếu Hải; đồng thời, lấy ý kiến cộng đồng dân cư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, nhưng tại sao có thông tin “chỉ định” đề xuất sẽ xây dựng Miếu Hải nằm ngay khu tái định cư mới cạnh đường Điện Biên Phủ nối dài ra quốc lộ 19? Ông Bảo khẳng định: “TP Quy Nhơn chưa có ý kiến nên bên Sở Xây dựng chưa có thông tin để báo cáo UBND tỉnh”.

Chưa đạt được đồng thuận chung

Mặc dù UBND tỉnh Bình Định chưa có văn bản chỉ đạo, thống nhất sẽ di dời, song trở lại Miếu Hải, chúng tôi ghi nhận doanh nghiệp đang thi công các trụ cốt thép để rào, chặn lối đi đến khu vực gần miếu. Ông N, một người dân sống trong khu vực chia sẻ: Theo sơ đồ địa chính đã được đăng ký thống kê năm 1998, Miếu Hải thuộc thửa đất 9, tờ bản đồ 33, diện tích 197,2 m2, loại đất xây dựng (công trình tín ngưỡng). Đồng thời, qua rà soát quỹ đất tại khu vực 4, phường Nhơn Bình, hiện nay chưa có quy hoạch đất tín ngưỡng. Vì thế, UBND phường cần tiến hành lấy ý kiến của cộng đồng dân cư để làm cơ sở tổng hợp, báo cáo cấp trên theo quy định. “Dời và xây dựng mới Miếu Hải sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tín ngưỡng của cư dân. Ngoài ra, sẽ tốn rất nhiều công sức cũng như thời gian và kinh phí để xây dựng. Một số dự án khi triển khai trên địa bàn thành phố, khi gặp miếu, đình họ thường để lại, không có chuyện dời đi. Trong phiếu lấy ý kiến, chúng tôi cũng không đồng ý di dời, Nhà nước cần phải cân nhắc, xem xét giữ nguyên vị trí Miếu Hải và người dân nơi đây sẽ cùng quyên góp kinh phí để tu bổ, nâng cấp nền Miếu”, ông N bày tỏ.

Như đã phản ánh trước đó, Miếu Hải ở ven đầm Nại được cư dân tại khu vực 4, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn xây dựng và gìn giữ từ bao đời nay. Để triển khai công trình Nhà ở xã hội của dự án Khu đô thị - Thương mại Bắc sông Hà Thanh (Khu đô thị Đại Phú Gia), doanh nghiệp đề nghị di dời Miếu Hải đến một vị trí mới để nhường lại đất cho dự án. Trong khi đó, người dân cho rằng, chính quyền cần lắng nghe ý kiến, tạo sự đồng thuận chung trong việc có nên di dời Miếu Hải hay không bởi xưa nay Miếu Hải là không gian kết nối tình nghĩa làng xóm của bao thế hệ người dân nơi đây. Họ xem Miếu Hải là công trình tín ngưỡng quan trọng bởi mỗi khi tổ chức lễ hội, không chỉ rất đông người dân tại khu phố 4 cùng tham gia góp tiền, công sức, mà những người dân địa phương và dâu, rể, con cháu ở xa cũng về chung vui. Người dân tin rằng, Miếu Hải là chỗ dựa tinh thần vững chắc để bà con yên ổn làm ăn, phù hộ sức khỏe cho mọi người... Chưa kể, nhiều thế hệ của cư dân đã sinh sống, gắn bó, sinh hoạt văn hóa cùng với miếu. Việc dời Miếu Hải sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tâm linh, kéo theo đó là phong tục thờ thần Nam Hải, lễ hội Cầu ngư, hát Bội… sẽ mất dần mất đi, trong khi đây là nét văn hóa quan trọng đối với cư dân vùng biển. 

 PHAN HIẾU

 

Ý kiến bạn đọc