Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Nỗi lo mùa lũ

Thứ Tư 11/08/2021 | 10:13 GMT+7

VHO- Hằng năm do ảnh hưởng nghiêm trọng của mưa lũ cùng với nạn khai thác cát trái phép trên sông đã khiến tình trạng sạt lở đất diễn ra ở nhiều địa phương dọc bờ sông, bờ biển tại tỉnh Quảng Bình.

Đất nông nghiệp ở thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh bị sạt lở

 Nỗi lo sạt lở đất trước mùa mưa lũ không chỉ uy hiếp đến tính mạng người dân mà còn cuốn đi nhiều tài sản…

Sống bất an

Là địa phương ở giữa vùng cồn bãi sông Gianh, thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn có 117 hộ dân, trong đó gần 50 hộ dân đang phải sống trong cảnh bất an, lo lắng vì tình trạng sạt lở đất. Ông Nguyễn Văn Toàn, trưởng thôn Cồn Nâm cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở bờ sông ở thôn diễn ra nghiêm trọng. Có đoạn nước sông đã “nuốt” sâu vào bờ hơn 15m làm diện tích đất sản xuất của bà con bị giảm đáng kể, đe dọa đến nhà cửa, vườn tược và các công trình của người dân”. Theo ông Toàn, không có mùa mưa lũ năm nào mà đất đai của dân trong thôn không bị sông “nuốt”. Mỗi năm diện tích đất nông nghiệp dọc bờ sông cứ bị lấn dần, chỗ nhiều thì 2-3m, chỗ ít nhất cũng 1-2m. Nhiều nhà dân ở sát mép sông, cứ mỗi lần mưa lũ về, phần đất trước cổng nhà lại bị sạt lở. Người dân lại phải mua xi măng, cát, sạn về đắp vá lại nếu không nhà cửa sẽ bị cuốn trôi.

Ông Hoàng Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho biết, tình trạng sạt lởbờ sông trên địa bàn xã đã xảy ra từ lâu, nhưng vài năm trở lại đây ngày càng nghiêm trọng. Toàn xã có 6 thôn thường xuyên bị sạt lở, trong đó có 4 thôn nằm trong diện “báo động” là Cồn Nâm, Tân Định, Minh Hà và Đông Thành. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có hơn 660 hộ dân chịu ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở bờ sông, trong đó có hơn 300 hộ cần di dời đến nơi ở mới để bảo đảm an toàn. Để giải quyết đất ở cho các hộ dân bị sạt lở dọc bờ sông Gianh, theo Chủ tịch UBND xã Quảng Minh là rất khó, bởi xã không có quỹ đất. Mặt khác, người dân đã sống ở đây hàng chục năm nên không muốn chuyển đến nơi ở mới, đời sống của nhiều hộ dân cũng rất khó khăn, việc xây dựng lại nhà cửa cũng không hề dễ dàng. Việc cần thiết nhất lúc này là xây kè chắn chống sạt lở ven sông để bảo vệ đất đai, ổn định cuộc sống cho người dân.

Nâng cao nhận thức người dân

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, tình hình xói lở xảy ra ở hầu hết hệ thống các sông trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu tập trung trên 2 hệ thống sông chính là sông Nhật Lệ và sông Gianh. Tốc độ xói lở trung bình từ 1-3m/năm, đặc biệt có nơi từ 5-10m/năm ở các xã Quảng Hải, Quảng Minh (thị xã Ba Đồn); các xã Tiến Hóa, Đồng Hóa, Lê Hóa, Cảnh Hóa (huyện Tuyên Hóa) thuộc lưu vực sông Gianh; các xã Phúc Trạch, Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) thuộc lưu vực nhánh sông Son, sông Gianh.

Bên cạnh sạt lở bờ sông thì tình trạng sạt lở bờ biển cũng diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều kè biển bị sạt lở đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và tác động nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Tại bờ biển xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng do triều cường, sóng lớn của đợt lũ lịch sử tháng 10.2010 đã khiến cho hàng trăm hộ dân ở đây thấp thỏm, lo âu.

Theo ông Đinh Khánh Hậu, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, để giảm thiểu sạt lở bờ sông, bờ biển cần có một số giải pháp chính như: Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, người dân về phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và tổ chức quan trắc, giám sát, nghiên cứu, cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn. Đặc biệt, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép, nhất là tại khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở; quản lý chặt vùng đất ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở.

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Quảng Bình có 27 vị trí sạt lở cần đầu tư từ nay đến năm 2025, có tổng chiều dài 55,72km với kinh phí đề xuất đầu tư xây dựng ước tính hơn 785 tỷ đồng. Với nguồn lực của tỉnh thì rất khó để có thể khắc phục được số lượng kè sông, kè biển lớn như thế này. Để bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân, tỉnh Quảng Bình rất mong sự quan tâm của các ban, ngành cấp trên. 

 PHẠM PHÚ - TÂN BÌNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top