Vlog ẩm thực “lên ngôi” giữa mùa dịch

VHO- Trong những ngày giãn cách xã hội, nấu ăn gần như đã trở thành thú vui của mọi nhà. Các video, kênh YouTube về ẩm thực nhanh chóng được nhiều người tìm đến để vừa thư giãn, vừa học cách chế biến những món ăn mới hay đôi khi chỉ để thỏa nỗi nhớ đau đáu của những người con “tha hương”.

Vlog ẩm thực “lên ngôi” giữa mùa dịch - Anh 1

 “Ẩm thực mẹ làm” đã chạm đến trái tim của nhiều người, khiến ai xem cũng muốn quay về với mâm cơm quây quần trong vòng tay cha mẹ

 Theo dữ liệu từ Google, hai trong số những nội dung có lượt tìm kiếm nhiều nhất trên mạng là Chỉ thị 16 và các chủ đề liên quan đến nấu nướng. Điều này đã phần nào phản ánh nhu cầu tìm hiểu về ẩm thực đang gia tăng tại Việt Nam, đồng thời cho thấy sự “lên ngôi” của các kênh YouTube về ẩm thực trong mùa dịch này.

Không mới nhưng lạ

Có thể thấy đề tài ẩm thực không quá mới mẻ, nhưng rất phong phú, rộng lớn và có sức hấp dẫn lâu dài. Chỉ cần vài cú “click” tìm kiếm là hàng trăm video từ ẩm thực đồng quê, dân dã; mukbang - ghi hình ăn uống; đánh giá địa điểm ăn uống, món ngon; video ngắn hướng dẫn nấu ăn cho đến nghệ sĩ vào bếp sẽ xuất hiện. Trong đó, những kênh như Ẩm thực mẹ làm, Khoai lang thang, Cô Ba Bình Dương… được cư dân mạng săn đón nhiều nhất trên YouTube; hay Phượng Vỹ, Ông anh thích nấu ăn, Muốn ăn ngon… trên TikTok. Loạt video được đăng tải hướng dẫn chế biến các món ăn đa dạng, từ mức độ cơ bản đến nâng cao, từ ẩm thực truyền thống cho đến các món Tây, món Tàu hiện đại đã giúp chuỗi ngày giãn cách của nhiều người trở nên đỡ nhàm chán, đồng thời, tạo cơ hội để các “đầu bếp tại gia” nâng cao tay nghề, làm ra những món ăn ngon miệng, đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình mình.

Nếu như trước kia phải ngồi hàng giờ để chờ xem hướng dẫn chi tiết, thì giờ đây người mê nấu nướng có thể xem hàng chục video dạy nấu ăn trong cùng một khoảng thời gian. Chính vì lẽ đó, cộng đồng mạng đã tìm đến những người có sức sáng tạo với đồ ăn để học hỏi, như hot TikToker Phượng Vỹ với 1,8 triệu follower và 33,5 triệu lượt like là một ví dụ. Phượng Vỹ thu hút người xem trước tiên bởi chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm dù đơn giản là chỉ đang chia sẻ các công thức nấu nướng. Với những đoạn video thời lượng từ 1 đến 3 phút, việc nấu nướng đã trở nên đơn giản và nhanh gọn hơn rất nhiều.

Hướng dẫn nấu ăn bằng thơ, tại sao không? “Soda dưa hấu, uống vào hết lo âu, thực hiện không lâu, nhưng đủ sắc màu, cách làm đơn giản, không khó gì đâu, tưởng uống lâu lâu, một hơi đã cạn…” - là những câu thơ được lồng cùng đoạn video dài 18 giây hướng dẫn làm soda dưa hấu mà Nguyễn Mỹ Phụng đăng trên kênh cá nhân. Cô gái quê Bến Tre mất hơn một giờ sáng tác bài thơ này do phải sửa đi sửa lại nhiều lần để làm sao lời thơ phải “ăn nhập” với món ăn. Đổi lại, với cách làm sáng tạo này, những video dạy nấu ăn bằng thơ được Phụng luôn thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi, thậm chí có những video đạt hơn 3 triệu lượt xem. Ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP.HCM, cô nàng hy vọng video của mình sẽ đem đến năng lượng tích cực cho mọi người, giúp chị em phụ nữ có thêm động lực để vào bếp.

Cơ hội quảng bá ẩm thực Việt

Hình ảnh người mẹ tần tảo, tự tay nấu cho con những món ăn giản dị tại vùng quê nghèo của huyện Phú Bình (Thái Nguyên) là bối cảnh chính của kênh YouTube Ẩm thực mẹ làm do anh Đồng Văn Hùng cùng mẹ thực hiện. Nội dung chính của kênh xoay quanh hình ảnh người phụ nữ nông thôn bình dị với các hoạt động hằng ngày tại vùng quê Việt Nam, cùng hương vị quen thuộc của thịt kho, cơm lam chấm muối, măng luộc chấm tương… Nguyên liệu chính có sẵn trong vườn, ngoài ruộng, nhờ đó, Ẩm thực mẹ làm đã chạm đến trái tim của nhiều người, khiến ai xem cũng muốn quay về quây quần trong vòng tay cha mẹ, nhất là những người sống xa quê hay yêu thích ẩm thực truyền thống.

Kết hợp giữa du lịch và ẩm thực vùng miền, kênh YouTube Khoai lang thang chính là sự lựa chọn của nhiều khán giả “mê xê dịch”. Đến nay, kênh đã thực hiện hơn 150 video với nội dung rất đa dạng về du lịch, văn hóa và ẩm thực của tất cả các vùng miền như Tây Nam Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc… và cả ở quốc tế. Ở đâu, Hoài Phương (chủ kênh) cũng chọn cách dành cả ngày để sinh hoạt như một thành viên trong các gia đình bản xứ, qua đó mang đến cho người xem những thước phim chân thực nhất về các đặc trưng văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân, về ẩm thực và danh lam thắng cảnh nổi bật của từng địa phương. Đó có lẽ cũng là lý do mà nhiều khán giả tìm đến kênh của anh để tận hưởng sự đa dạng văn hóa ẩm thực vùng miền.

Có thể thấy các vlog ẩm thực hiện nay không chỉ dạy nấu ăn hay đơn thuần mang tính chất giải trí, mà đó còn là cơ hội để quảng bá nền ẩm thực đa dạng, phong phú của đất nước ta. Trên thế giới, một số kênh vlog ẩm thực nổi tiếng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Ðộ… đã thành công trong việc quảng bá du lịch địa phương, khi nhanh chóng thu hút lượng lớn du khách tìm đến tận nơi để thưởng thức những món ngon họ đã xem trên mạng. Điều này cho thấy, vlog ẩm thực không hề “nổi” lên vì tính nhất thời, mà về lâu về dài, đây sẽ là một kênh truyền thông có giá trị cho việc giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam. 

 THẢO MY

Ý kiến bạn đọc