Để thể thao Việt Nam có bước chuyển mình thành công

VHO-Tối 8.8, Olympic Tokyo sẽ chính thức khép lại. Dù chưa giành huy chương tại kỳ Olympic này nhưng Thể thao Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học quí báu để có thể thành công hơn ở các kỳ Thế vận hội sau.

Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, thể thao Việt Nam đã có những thành công nhất định tại một số kỳ tham dự Olympic bằng chính sách “đãi cát tìm vàng”. Tức là trong hàng ngàn VĐV tìm ra một số VĐV có thành tích cao, có tố chất phát triển đề tập trung đầu tư trọng điểm.

Để thể thao Việt Nam có bước chuyển mình thành công - Anh 1

Ánh Viên là VĐV xuất sắc của SEA Games 30

Đơn cử như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng được đầu tư theo chính sách nói trên. Ánh Viên đã được tập luyện chuyên biệt nhiều năm tại Mỹ để có thể trở thành kình ngư số 1 của Đông Nam Á, 1 trong 2 VĐV nữ xuất sắc nhất của SEA Games 30. Tại Olympic Rio 2016, Viên cũng đứng thứ 9 nội dung 400m hỗn hợp.

Tuy nhiên vì có những khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên quá trình tập huấn trong 2 năm qua của Ánh Viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Viên chỉ tập huấn trong nước nên không còn giữ được phong độ như trước. Và những VĐV khác của Đoàn Thể thao Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như Ánh Viên.

Thể thao Việt Nam cũng luôn trong trạng thái thiếu trước, hụt sau về kinh phí đầu tư cho các tài năng trọng điểm nên câu hỏi được đặt ra sau Olympic Tokyo 2020 này là phải chăng đã đến lúc chúng ta cần được đầu tư hơn nữa và cần huy động được sự ủng hộ từ các nhà tài trợ để cùng hướng đến mục tiêu chung là một nền thể thao vững mạnh. Để làm được điều đó chúng ta phải chấp nhận nhiều năm không có huy chương, để đầu tư, xây dựng các lớp, tuyến trẻ từ trung ương đến địa phương, từ đó phát hiện ra nhiều nhân tài bổ sung cho các đội tuyển.

Trung Quốc - một quốc gia hùng mạnh về bóng bàn nói riêng và thể thao nói chung cũng phải đầu tư một cách bài bản, khoa học. Để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020, đội tuyển bóng bàn Trung Quốc đã gọi tới trên 20 quân xanh là những VĐV đỉnh cao thuộc Top 10 thế giới để tập luyện cùng các VĐV. Kết quả là chung kết nội dung đơn nữ, đơn nam là cuộc đấu nội bộ của người Trung Quốc. Một điều nữa chúng ta cũng cần học tập họ là các VĐV đỉnh cao được chăm sóc, đãi ngộ thỏa đáng, họ chỉ việc chăm lo tập luyện, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Còn lại nhà cửa, xe cộ, công việc của vợ, học hành của con cái… đã có Chính phủ và các công ty thể thao lo.

Để thể thao Việt Nam có bước chuyển mình thành công - Anh 2

Thể thao Việt Nam cần được đầu tư hơn nữa cho đấu trường Olympic. Ảnh: Reuters

Và hơn hết, để có thể thành công ở sân chơi thế giới và Olympic, bất kỳ một quốc gia nào cũng cần một quá trình đầu tư có hệ thống, áp dụng nhiều thành tựu khoa học, công tác huấn luyện và tập luyện bài bản, gian khó, từ 5 -10 năm mới hi vọng trình làng cho sân chơi những VĐV xuất sắc nhất có thể dành huy chương. Nếu không làm được những điều đó, thật khó để thể thao Việt Nam có những bước chuyển mình thành công.

 

Bùi Trung Dũng (Giảng viên khoa Quản Trị Dịch Vụ & Lữ Hành-Trường CĐ Kinh Tế Công Nghiệp Hà Nội)

Ý kiến bạn đọc