Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Người “kể chuyện” trên mặt số đồng hồ

Thứ Sáu 06/08/2021 | 08:33 GMT+7

VHO- Bằng cách thể hiện độc đáo của riêng mình, Vũ Thùy Dương đã khiến giới mộ điệu thêm một lần được thoả mãn đam mê qua những chiếc đồng hồ vẽ tay tinh tế.

Vũ Thùy Dương người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có thể đưa yếu tố mỹ thuật vào trong những chiếc đồng hồ cao cấp.

Ở nhiều nước trên thế giới nghề trang trí đồng hồ không còn xa lạ, nhưng tại Việt Nam đây vẫn được xem là bộ môn nghệ thuật chứa đựng những điều mới mẻ. Số lượng người đủ đam mê để theo đuổi nghề này không nhiều và chắc rằng Vũ Thùy Dương là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có thể đưa yếu tố mỹ thuật vào trong những chiếc đồng hồ cao cấp.

Jessica Yang thương hiệu đồng hồ mới mẻ nhưng để lại nhiều ấn tượng.

Một buổi chiều trên con phố Nguyễn Ngọc Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội), khi lắng nghe câu chuyện của Dương kể về hành trình đem đến một cái nhìn mới, đầy cảm xúc cho những chiếc đồng hồ, chúng tôi dần hiểu ra tại sao người ta lại dành tình cảm cho thương hiệu đồng hồ Jessica Yang của Dương nhiều đến thế: “Hơn một năm bén duyên với nghề, người thầy đầu tiên của Dương chính là ông xã Vũ Ngọc Ánh”. Với tín đồ thích sưu tầm “sứ giả thời gian” cái tên Vũ Ngọc Ánh chắc hẳn không còn xa lạ. Anh là người đàn ông tiên phong làm nghề chạm khắc mặt đồng hồ tại Hà Nội. Thế nhưng, không theo con đường chạm khắc mặt đồng hồ như ông xã, Dương chọn cho mình một lối riêng, đó là sáng tạo những bức tiểu họa trên mặt số đồng hồ.

Thỏa đam mê với chi tiết “siêu nhỏ”.

Đối với nghệ thuật chế tác đồng hồ, tiểu hoạ là một trong những bảo chứng cho sự hoàn thiện về kỹ thuật, cũng như mỹ thuật ở các sản phẩm cao cấp. Nghệ thuật tranh tiểu họa đòi hỏi sự tinh thông về những kỹ thuật cầu kỳ, tỉ mẩn và vô cùng tinh tế. Để có thể thực hiện được những bức tranh nhỏ, siêu chi tiết trên mặt đồng hồ có đường kính trên dưới 3cm, người họa sĩ cần phải làm việc dưới kính hiển vi để có được sự tập trung cao độ mới không bỏ qua từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Khác với hội họa thông thường, yếu tố quyết định sự ấn tượng của tranh tiểu họa sẽ căn cứ ở hình khối, hình dạng, màu sắc, kích thước của vật liệu thể hiện, để mường tượng ra thứ mình cần họa trên đó sao cho phù hợp, tương xứng nhau.

Đôi khi người thợ phải tự chế ra đồ nghề của riêng mình để tiết kiệm chi phí.

Điểm đặc biệt của nghệ thuật tiểu họa nói chung và nghề vẽ trên mặt đồng hồ nói riêng đó là người họa sĩ đôi khi dùng những dụng cụ vẽ rất nhỏ. Phần lớn những hoạ cụ sẵn có rất khó đáp ứng được yêu cầu vẽ chi tiết. Khi ấy người thợ phải đem chế lại. Mỗi chiếc bút lông được tỉa chỉ còn 2-3 sợi siêu mảnh để đầu bút đi được những nét tinh tế. Ngoài ra có những chi tiết phải vẽ bằng đầu bút kim loại đường kính chỉ 0,08mm.

Không phải người họa sĩ nào cũng có thể “kể chuyện” trên mặt số đồng hồ.

Cách đây hơn 100 năm khi viết cuốn hồi ký Xứ Đông Dương, Viên Toàn quyền người Pháp Paul Doumer từng ca ngợi: “Các thợ thủ công Bắc Kỳ làm việc chăm chỉ và thuần thục. Họ thành công một cách đáng ngưỡng mộ trong các công việc đòi hỏi tỉ mỉ và tinh xảo. Họ có khiếu thẩm mỹ và một số người trong bọn họ là những nghệ nhân thực sự. Họ không phải là những người thợ bắt chước một nền nghệ thuật ngoại quốc. Dẫu vẻ bề ngoài của những sản vật lộ rõ mối quan hệ với những đồ vật Nhật Bản và Trung Hoa, thì chúng vẫn không phải được lấy cảm hứng từ đó; những người thợ đã tạo ra một nghệ thuật An Nam, với các hình mẫu và cách trang trí của chính họ”. Dường như chân lý ấy vẫn còn đúng đắn và xác thực cho tới tận ngày hôm nay, khi nhìn ngắm cách mà Dương tạo ra những bức vẽ trên mặt đồng hồ đầy lung linh, huyền ảo. Mỗi một lượt màu, mỗi một chi tiết xếp đặt thành từng lớp, như những lát cắt của quá khứ, hiện tại và tương lai chồng lấn lên nhau.

 Những người tìm đến với Jessica Yang đều rất  "sành" về chơi đồng hồ và có nhu cầu cá nhân hóa cao.

Mặc dù Vũ Thùy Dương có đưa vào tranh nhiều hòa sắc và tạo hình theo tinh thần của hội họa phương Tây, nhưng rõ ràng có sự thừa kế từ tranh sơn dầu và khắc gỗ truyền thống Á Đông. Điều cô họa sĩ trẻ hướng đến là những câu chuyện đằng sau những bức hoạ ấy, qua lăng kính của riêng mình để mang đến cảm giác thật quen thuộc nhưng cũng đầy lạ lẫm, và chạm đến cảm xúc của con người...

Để vẽ mặt đồng hồ qua kính hiển vi cần một tinh thần làm việc nghiêm túc, một tâm hồn giàu mỹ cảm hội họa.

Và nếu không có một tinh thần làm việc nghiêm túc, một tâm hồn giàu mỹ cảm hội họa thì rất khó để có thể làm nên những tác phẩm điêu khắc mặt đồng hồ sống động lạ lùng. Như lời của Dương bộc bạch: “Muốn người khác mê đắm tác phẩm của mình là một hành trình nhọc nhằn và nhiều gian. Ở đó không chỉ có tình yêu mà còn cần tới sự sáng tạo, sự tích lũy văn hóa đọc, văn hóa sống... Và nữa, người nghệ sỹ phải hóa hiện được tâm hồn, phông văn hóa, cảm thức riêng biệt của mình lên từng tác phẩm. Hay nói như danh họa Nguyễn Sáng, nếu nghệ sỹ không moi ký ức gan ruột của mình ra để làm nghệ thuật, để sáng tác thì chỉ tạo ra những thứ vô giá trị mà thôi”.

SSau rất nhiều những nỗ lực, để tạo tác ra những sản phẩm ưng ý nhất, thì tình yêu với nghề cũng ngày một nhiều hơn, bền chặt hơn.

Anh Vũ Ngọc Ánh tâm sự: “Nhiều đêm đã khuya vẫn thấy bà xã cặm cụi ngồi vẽ mặt đồng hồ, khi ấy mình hiểu rằng bà xã đang có một ý tưởng mới nào đó! Và thay vì khuyên bà xã nghỉ ngơi mình thường lựa chọn phương án cùng thức, cùng làm với vợ. Bởi lẽ, muốn đem nhiều hơn sự cá tính vào trong mỗi tác phẩm thì rất cần tới những giây phút mà người thợ làm nghề phải thật sự say mê mải miết, quên cả thời gian như thế. Và rồi sau rất nhiều những nỗ lực, để tạo tác ra những sản phẩm ưng ý nhất, thì tình yêu với nghề cũng ngày một nhiều hơn, bền chặt hơn. Đôi khi cảm giác rằng sự cuốn hút ấy từa tựa như sự quyến rũ của cây dương cầm với những người mê nhạc không lời”.

Mỹ thuật dân gian là một trong những giá trị thẩm mỹ quan trọng của Việt Nam và cũng tạo hứng thú cho Dương rất nhiều.

Không phải màu sắc nào cũng rực rỡ và ưa nhìn, những gam màu trầm ấm vẫn mang nét đẹp của riêng mình và vẫn tạo nên dấu ấn riêng không lẫn lộn. Từ triết lý ấy, thời gian gần đây, Vũ Thùy Dương đang tìm về nhiều hơn với mỹ thuật dân gian truyền thống. Dương chia sẻ: “ Mỹ thuật dân gian là một trong những giá trị thẩm mỹ quan trọng của Việt Nam và cũng tạo hứng thú cho Dương rất nhiều. Kho tàng tranh dân gian Việt Nam có rất nhiều tranh đẹp, mang ý nghĩa hay.

Bộ sưu tập 5 chiếc đồng hồ "Ngũ Hổ Thần Tướng" dang được hoàn thiện để chào đón Tết Nhâm Dần.

Lấy cảm hứng từ tranh Ngũ hổ, Dương vẽ bộ sưu tập 5 chiếc đồng hồ "Ngũ Hổ Thần Tướng" chào đón Tết Nhâm Dần, với mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hoá dân gian cũng như khoác lên mình tranh dân gian một diện mạo mới. Năm Ông Hổ trên mặt đồng hồ với chất liệu sơn ta, sơn dầu và vàng lá tạo hiệu ứng màu sắc ấn tượng nhưng không làm mất đi dáng vẻ truyền thống. Hi vọng khi ra mắt, Ngũ Hổ Thần Tướng sẽ được đón nhận”.

VŨ MỪNG

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top