Tuyên bố Rome nêu bật vai trò động lực tăng trưởng của văn hóa

VHO- Tuyên bố Rome gồm nhiều nội dung như hỗ trợ cho nhân viên ngành văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa chống lại thiên tai và vấn nạn buôn lậu, đề cao tầm quan trọng của văn hóa đối với nguồn vốn con người...

Tuyen bo Rome neu bat vai tro dong luc tang truong cua van hoa hinh anh 1

Quang cảnh một phiên họp. (Nguồn: wantedinrome.com)

Hội nghị bộ trưởng văn hóa đầu tiên của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố nhấn mạnh rằng văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng chống đỡ và tái tạo của các nền kinh tế và xã hội đang chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, đồng thời là cơ sở cho việc tái hành động sau đại địch.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị ngày 30.7, Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini cho biết các nước G20 đã nhất trí thông qua Tuyên bố Rome, với các nội dung như hỗ trợ cho nhân viên ngành văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa chống lại thiên tai và vấn nạn buôn lậu, đề cao tầm quan trọng của văn hóa đối với nguồn vốn con người và văn hóa là động lực của tăng trưởng.

Khi lưu ý đến thực tế rằng các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo là một nguồn quan trọng để tạo ra việc làm và thu nhập, Tuyên bố Rome đã nêu bật nhu cầu giải phóng sức mạnh biến đổi của văn hóa để hỗ trợ và phục hồi các ngành này trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Đề cập đến các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các Bộ trưởng Văn hóa G20 cho rằng việc hủy hoại và buôn bán trái phép các tài sản di sản văn hóa là một tội ác nghiêm trọng, là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Về vấn đề này, các nước G20 cam kết tăng cường các hành động chung, phối hợp hướng tới việc bảo vệ di sản văn hóa, khuyến khích việc áp dụng các biện pháp an ninh để tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số lành mạnh nhằm bảo vệ người dùng trước những rủi ro do thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch và vi phạm bản quyền gây ra.

Tuyên bố Rome nêu rõ sự cần thiết phải tăng cường sự gắn kết giữa văn hóa và giáo dục cũng như tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực thông qua giáo dục và đào tạo.

Các Bộ trưởng Văn hóa G20 cũng kêu gọi các chính phủ tích hợp văn hóa và kinh tế sáng tạo vào các quá trình phát triển và công nhận văn hóa là một phần không thể thiếu của các chính sách lớn hơn như gắn kết xã hội, việc làm, đổi mới, môi trường, nhân quyền.

Ngoài ra, Tuyên bố Rome còn hoan nghênh việc tạo ra Điều khoản tham chiếu của Nhóm Công tác văn hóa G20 nhằm nâng cao đóng góp của văn hóa trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa G20, được tổ chức tại tại đấu trường Colosseum (Rome) trong các ngày 29-30.7, với sự tham dự của các bộ trưởng văn hóa của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới cùng 40 phái đoàn văn hóa cấp cao, trong đó có đại diện các tổ chức quốc tế.

TTXVN

Ý kiến bạn đọc