Đau đầu với chứng nhận tiêm chủng giả

VHO- Trong nỗ lực hồi sinh nền kinh tế, song hành cùng chiến dịch tiêm vắcxin ngừa Covid-19, nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách ưu tiên cho những người có chứng nhận đã tiêm đủ vắcxin.

Đau đầu với chứng nhận tiêm chủng giả - Anh 1

 Tiêm vắcxin là chìa khóa then chốt để đẩy lùi Covid-19 Ảnh: AP

Điều này khiến nhu cầu có được chứng nhận tiêm chủng tăng cao và kèm theo đó là vấn nạn làm giả các loại giấy tờ trên cũng thêm nhức nhối, với nhiều tác động tiêu cực đến sự an toàn của cộng đồng.

Mặt hàng “sốt dẻo”

Khi một số quốc gia lựa chọn phương thức mở cửa biên giới với điều kiện đi kèm cho người nhập cảnh là phải có chứng nhận đã tiêm đủ 2 liều vắcxin ngừa Covid-19 và nhiều điểm đến nghỉ dưỡng, giải trí cũng áp dụng điều kiện này, thì các loại giấy tờ chứng nhận tiêm chủng cũng trở thành nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh số lượng vắcxin còn khiêm tốn, cùng tâm lý e ngại tiêm chủng, đã khiến hàng nghìn người sẵn sàng trả tiền cho những chứng nhận tiêm phòng giả mạo. Giới chuyên gia an ninh mạng đã từng cảnh báo, các loại chứng nhận này có thể bị làm giả một cách dễ dàng và được rao bán với giá rẻ trên các trang “web đen”, nằm ngoài phạm vi tiếp cận của các công cụtìm kiếm, nơi người dùng Internet chủyếu ẩn danh vàthanh toán bằng tiền điện tử.

Theo điều tra của cảnh sát Mỹ cho thấy, trên trang bán lẻ eBay, khách hàng có thể tìm thấy giấy chứng nhận tiêm chủng với giá chỉ 9-11 USD. Chẳng hạn, tài khoản eBay Asianjackson đã đăng ba “mặt hàng” gắn mác giấy chứng nhận tiêm vắcxin ngừa Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ với các mức giá 8,99 USD, 9,49 USD và 10,99 USD. Tính đến giữa tháng 4 vừa qua, Asianjackson đã bán được khoảng 110 giấy chứng nhận giả này. Trong khi đó, cảnh sát Italia vừa phá vỡ một số đường dây buôn bán trực tuyến chứng nhận kỹ thuật số của EU về Covid-19 giả mạo. Những đối tượng này đã yêu cầu thanh toán bằng tiền điện tử, với giá trọn gói gồm chứng chỉ giả và một lọ vắcxin dao động từ 110-130 euro (130-155 USD).

Tại Nga, thị trường “chợ đen” giấy chứng nhận tiêm chủng giả cũng phát triển mạnh, nhất là sau khi chính quyền thành phố Moskva quy định chủ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công phải đảm bảo 60% nhân viên tiêm chủng trong vòng một tháng, nếu không sẽ phải đối mặt với án phạt hành chính, đồng thời các quán bar và nhà hàng chỉ phục vụ người đã tiêm vắcxin. Chuyên gia phân tích dữ liệu Internet Boris Ovchinnikov cho biết, lượt tìm kiếm từ khóa “mua giấy chứng nhận tiêm chủng” trên Google ở khu vực Moskva tăng gấp 10 lần. Các chứng nhận tiêm chủng giả tại đây được rao bán với giá dao động từ 5.000 - 15.000 rúp (69-207 USD).

Vấn nạn cần xóa sổ

Theo người đứng đầu cơ quan tư pháp bang North Carolina (Mỹ) Josh Stein, vấn nạn làm giả giấy chứng nhận tiêm chủng ngày càng tăng có nguy cơ đe dọa an toàn của cộng đồng, cũng như nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng của các quốc gia. Các chuyên gia cảnh báo, người mua “hộ chiếu vắcxin” giả có thể trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Thậm chí, việc mua bán các chứng nhận tiêm chủng giả sẽ tạo cơ hội cho tin tặc đánh cắp thông tin và danh tính cá nhân để khai thác, thực hiện các hoạt động phạm pháp.

Trước vấn nạn này, giới chức nhiều nước đã tăng cường các hoạt động truy quét các đường dây buôn bán giấy chứng nhận tiêm chủng giả và xử lý nghiêm hành vi sử dụng chứng nhận giả. Tại Mỹ, việc sản xuất chứng nhận tiêm vắcxin giả bị quy vào tội làm giả con dấu của chính phủ và người phạm tội này có thể bị phạt tới 5 năm tù. Còn tại Đức, những người giả mạo hoặc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng/xét nghiệm giả sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù một năm và người cung cấp thông tin dịch tễ sai lệch cũng bị phạt tiền hoặc phạt tù tới 2 năm. Trong khi đó, Bỉ cũng vừa đưa ra quy định người nào cố tình sử dụng chứng chỉ tiêm chủng giả sẽ bị xử phạt 750 euro (895 USD).

Ngoài ra, nhiều quan chức tư pháp tại Mỹđãkêu gọi những người đứng đầu các trang thương mại và mạng xã hội như Twitter, eBay, Shopify... hành động để các nền tảng này không bịlợi dụng thành nơi rao bán các chứng nhận tiêm chủng giả. Nhiều quốc gia cũng kêu gọi hình thành quy định yêu cầu các nhà mạng có công cụ phát hiện và gỡ bỏ lập tức những nội dung quảng cáo bán các giấy tờ chứng nhận tiêm vắcxin giả. Sau đó, Twitter tuyên bố, không cho phép bán mặt hàng giả mạo này trên nền tảng của hãng vàđãcóbiện pháp xửlýkhi phát hiện các trường hợp sai phạm.

Thực tế, theo quy luật thị trường thì có “cầu” ắt có “cung”. Và để xóa bỏ vấn nạn làm giả chứng nhận tiêm chủng, thì việc người dân nâng cao nhận thức, không sử dụng các giấy tờ giả mạo là vô cùng quan trọng. 

 HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc