Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Người làm văn hóa cũng phải coi nhân tố chính trị, kinh tế là sự gắn bó sống còn

Thứ Sáu 02/07/2021 | 10:42 GMT+7

VHO- Không chỉ được biết đến là nhà thơ với nhiều tác phẩm để đời, trong đó có trường ca Mặt đường khát vọng nổi tiếng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) Nguyễn Khoa Điềm còn được biết đến là một trong những người có những đóng góp không nhỏ trên mặt trận văn hoá tư tưởng, nhất là góp phần quan trọng cho sự ra đời và thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII), một nghị quyết lịch sử về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Mở đầu Diễn đàn góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam đến năm 2030, Văn Hoá trân trọng giới thiệu những ý kiến đóng góp của nhà thơ NGUYỄN KHOA ĐIỀM.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

 Đã đến lúc cần phải trở về với “chính mình”…

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và ban hành nhiều Nghị quyết về văn hóa kịp thời; trong đó phải kể đến là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết này đã góp phần to lớn, tạo chuyển biến quan trọng trong đời sống văn hóa; nổi bật là quá trình xã hội hóa văn hóa diễn ra sâu rộng, động viên toàn dân, mọi lứa tuổi tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Nhờ đó những chuyển biến tích cực về văn minh tinh thần đã góp phần thúc đẩy văn minh vật chất, làm cho con người năng động trong làm ăn, trong nếp sống, tạo đà cho sự đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước. Qua hơn 20 năm, đất nước ta đã thực sự thay đổi.

Tuy nhiên phải khách quan thừa nhận những khó khăn trong công tác văn hóa ngày càng tăng lên, nhịp độ phát triển văn hóa chậm dần, nhiều tiêu cực về đạo đức lối sống phát sinh, văn hóa phẩm độc hại, thông tin tiêu cực, mê tín dị đoan ngày càng lan tràn… đã trở thành mối lo của toàn xã hội. Điều này đã cản trở sự phát triển lành mạnh của toàn xã hội. Chúng ta đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn; xây dựng, phát triển văn hóa hiện nay không chỉ là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước, của toàn xã hội, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình.

Đã đến lúc, chúng ta cần phải trở về với “chính mình”, với con người Việt Nam để xem xét, điều chỉnh cốt cách văn hóa tinh thần mỗi con người, mỗi cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Cần thấy rằng xu hướng vọng ngoại còn rất nặng trong tâm thức xây dựng văn hóa lối sống kể cả sinh hoạt văn học nghệ thuật ở nhiều người. Đến khi người nước ngoài cũng thích ăn bánh mì kiểu Việt Nam, mặc áo dài kiểu Việt Nam, hát bài hát của nhạc sĩ Việt Nam, mua tranh của họa sĩ Việt với giá cao… thì chúng ta bỗng giật mình vì sự chậm hiểu chính mình. Có lẽ chính nhờ mở rộng giao lưu và học hỏi mà người Việt đã dần hiểu rõ các giá trị vốn có và đang nẩy sinh của chúng ta một cách sâu sắc hơn và thiết thực hơn. Thời gian tới, chúng ta cần tiếp thu các giá trị văn hóa thời đại một cách sâu sắc, có chọn lọc trên cơ sở nhận thức đầy đủ về yêu cầu phát triển và bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là sự chuẩn bị khôn ngoan để tạo ra sự tiếp biến văn hóa liền mạch giữa dân tộc, quốc tế và thời đại. Tiếp biến văn hóa lành mạnh sẽ mở đường cho con người Việt Nam đi nhanh ra thế giới.

  Xây dựng, phát triển văn hóa hiện nay không chỉ là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước, của toàn xã hội, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, của mỗi gia đình.

Phải đặt văn hóa trong tổng thể chính trị kinh tế xã hội, không thể tách rời

 Đến khi người nước ngoài mê văn hoá Việt thì chúng ta bỗng giật mình vì sự chậm hiểu chính mình

Rút kinh nghiệm của hơn 20 năm qua, từ Nghị quyết Trung ương 5, Khóa VIII, các nghị quyết cũng như chiến lược phát triển văn hóa sau này, theo tôi cần phải tập trung vào các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, khi đề cập đến văn hóa phải có quan niệm gắn bó chặt chẽ giữa chính trị, kinh tế và văn hóa. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định vấn đề này khá rõ, nói phát triển đất nước phải luôn gắn chính trị - kinh tế - văn hóa. Ngày nay ba nhân tố này đã gắn với nhau rất chặt, tạo thành một tổng thể không thể tách rời. Không chỉ người làm chính trị kinh tế coi văn hóa là việc thiết cốt của mình, mà người làm văn hóa cũng phải coi nhân tố chính trị, kinh tế là sự gắn bó sống còn. Ở đâu có sự tách rời ở đó xuất hiện sự suy yếu, lệch hướng. Nhận thức của mỗi người phải coi ba thành tố chính trị - kinh tế - văn hóa là một, chứ không thể tách rời. Một nghệ sĩ không thể là nghệ sĩ thực thụ, nếu không hiểu rõ yêu cầu chính trị, kinh tế để có những phương thức hoạt động có ý nghĩa phù hợp với công chúng và thời đại. Sức mạnh mềm và sức mạnh cứng phải đi đôi với nhau. Chúng ta phải chuẩn bị cho xã hội tư duy “một trong tất cả, tất cả trong một” làm cơ sở cho quá trình phát triển văn hóa . Nếu tách ra thì dù văn hóa hay lĩnh vực nào cũng sẽ gặp khó khăn.

 Thứ hai, đừng tách rời văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và văn hóa tâm linh. Văn hóa phải gắn 3 hình thức tồn tại nói trên và đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa phải có sự quản lý phù hợp, khéo léo để định hướng phát huy tốt. Chúng ta không phải quản theo kiểu “cắt” ra từng loại hình nói trên, mà quản lý cũng phải gắn 3 loại hình văn hóa này lại để phát huy giá trị của nó và nhằm ngăn chặn mặt trái trong các loại hình văn hóa này.

Thứ ba, yếu tố cốt lõi của văn hóa là tính sáng tạo. Dù xem chính trị- kinh tế- văn hóa là một thể thống nhất, nhưng phải có sự phân công cụ thể và tôn trọng tính độc lập, năng động, sáng tạo của văn hóa. Hoạt động văn hóa phải tôn trọng yêu cầu phát triển chung nhưng phải thực sự năng động, giàu tính sáng tạo mới tạo được sự phồn vinh văn hóa. Tôn trọng tự do sáng tạo đi đôi yêu cầu trách nhiệm cao của nghệ sĩ là một nguyên tắc lớn của văn hóa. Những năm gần đây, sự phát triển về công nghiệp văn hóa là rất cần thiết, phù hợp với thời đại nhưng phải hiểu rằng đó chỉ là phương tiện, mục tiêu cuối cùng vẫn là đạt tới tiến bộ tinh thần.

Nói sáng tạo văn hóa không có nghĩa là xem nhẹ quản lý văn hóa ; quản lý là phương thức cần thiết để tạo điều kiện cho các mặt tích cực phát triển, kìm chế các mặt tiêu cực.

Thừa Thiên Huế có mặt trong đời sống chính trị- kinh tế- văn hóa của đất nước, với vai trò quan trọng từ rất sớm, là nhân tố đứng chân tạo điều kiện cho đất nước phát triển về hướng Nam. Hiện nay, Thừa Thiên Huế cũng tiếp tục giữ vị trí địa chiến lược, địa văn hóa, với những di sản văn hóa –lịch sử cực kỳ quí giá ; mở ra cho hôm nay và mai sau tiến trình văn hóa đa dạng, phong phú của đất nước. Do đó, theo tôi, cần đặt sự phát triển văn hóa Huế trong tổng thể văn hóa quốc gia. Bộ VHTTDL cần đặt yếu tố phát triển các giá trị của di sản văn hóa Huế trong chiến lược phát triển văn hóa quốc gia…

 Tôn trọng tự do sáng tạo đi đôi với yêu cầu trách nhiệm cao của nghệ sĩ là một nguyên tắc lớn của văn hóa. Trong ảnh: Các liền anh, liền chị thể hiện những làn điệu dân ca Quan họ Ảnh: TRẦN HUẤN

Bộ VHTTDL cần phát huy vai trò của các chuyên gia văn hóa

Văn hóa là cốt cách, bộ mặt của dân tộc. Vừa qua, đội tuyển bóng đá Việt Nam tham dự vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á tại UAE đã cống hiến cho công chúng Việt Nam những khoảnh khắc đáng quý. Từ lối chơi bóng đến thành quả của các trận đấu mà bạn bè thế giới hiểu và đánh giá cao con người Việt Nam về ý chí, tinh thần, lối sống…, đó là những phẩm chất văn hóa của người Việt. Rõ ràng văn hóa là thước đo nhạy bén năng lực, trình độ, tính cách của con người Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

Những năm gần đây, cùng với xu hướng tiếp cận văn hóa ngoại lai không chọn lọc, tốc độ phát triển khá cao của nền tảng số và sự xuống cấp đạo đức, lối sống xoay xở kiếm tiền bất chấp đạo lý của một số bộ phận xã hội… đã khiến cho xã hội ngày càng lo ngại. Hệ thống mạng xã hội có quá nhiều thông tin rởm, nhiều ngôn luận tùy tiện, người xem- nghe không biết đâu mà lần. Những thông tin lệch chuẩn này lại được chuyển tải rất nhanh đến cộng đồng, rất nguy hại với giới trẻ là tương lai của đất nước.

Cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ các sinh hoạt văn hóa phù hợp với điều kiện mới. Theo tôi, trong chiến lược phát triển văn hóa, Bộ VHTTDL nên quan tâm phát huy hơn nữa vai trò các chuyên gia văn hóa, các lực lượng chuyên nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, báo chí. Bởi chính họ sẽ giúp xã hội nhận rõ sự thật và đề xuất những định hướng đúng đắn, góp phần cải thiện và phát triển văn hóa trong tình hình hiện nay.

  Không chỉ người làm chính trị kinh tế coi văn hóa là việc thiết cốt của mình, mà người làm văn hóa cũng coi nhân tố chính trị kinh tế là sự gắn bó sống còn. Ở đâu có sự tách rời ở đó xuất hiện sự suy yếu, lệch hướng. Nhận thức của mỗi người phải coi ba thành tố chính trị -kinh tế-văn hóa là một, chứ không thể tách rời. Một nghệ sĩ không thể là nghệ sĩ thực thụ, nếu không hiểu rõ yêu cầu chính trị, kinh tế để có những phương thức hoạt động có ý nghĩa phù hợp với công chúng và thời đại. Sức mạnh mềm và sức mạnh cứng phải đi đôi với nhau. Chúng ta phải chuẩn bị cho xã hội tư duy “một trong tất cả, tất cả trong một” làm cơ sở cho quá trình phát triển văn hóa. Nếu tách ra thì dù văn hóa hay lĩnh vực nào cũng sẽ gặp khó khăn.

 

 Đã đến lúc, chúng ta cần phải trở về với “chính mình”, với con người Việt Nam để xem xét, điều chỉnh cốt cách văn hóa tinh thần mỗi con người, mỗi cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Cần thấy rằng xu hướng vọng ngoại còn rất nặng trong tâm thức xây dựng văn hóa lối sống kể cả sinh hoạt văn học nghệ thuật ở nhiều người. Đến khi người nước ngoài cũng thích ăn bánh mì kiểu Việt Nam, mặc áo dài kiểu Việt Nam, hát bài hát của nhạc sĩ Việt Nam, mua tranh của họa sĩ Việt với giá cao… thì chúng ta bỗng giật mình vì sự chậm hiểu chính mình.

SƠN THÙY (ghi)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top