Động lực phát triển du lịch nông thôn (Bài 4): Có chính sách tổng thế

VHO- Thực tế cho thấy, việc huy động nguồn lực cho du lịch nông thôn còn hạn chế, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, người dân chưa hiệu quả, chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ mô hình liên kết phát triển du lịch- nông nghiệp.

Động lực phát triển du lịch nông thôn (Bài 4): Có chính sách tổng thế - Anh 1

 Khách du lịch tham gia tour du lịch mùa lúa chín Hoàng Su Phì, Hà Giang Ảnh: QUẢNG HÀ

Vì thế, cần thiết phải huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ hạ tầng du lịch, khôi phục văn hóa từ nguồn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ. Các chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng phải gắn với Chương trình nông thôn mới như hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, cấp thoát nước sinh hoạt và nước thải, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn và trưng bày cung cấp thông tin du lịch, điểm dừng chân. 
Thiếu chính sách, thiếu sự liên kết 
 
Qua việc thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch giai đoạn 2016- 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2016- 2020 cho thấy, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tập trung chủ yếu cho các địa phương thuộc địa bàn trọng điểm về du lịch, các địa phương có khu, điểm du lịch quốc gia chứ không dành cho các điểm du lịch nông thôn. 
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Để phát triển du lịch nông thôn tương xứng với tiềm năng, góp phần đạt được mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có định hướng, quy hoạch và có cơ chế chính sách phù hợp, trong đó các địa phương phải sử dụng lồng ghép các nguồn lực, khai thác chuỗi giá trị của khu vực nông thôn, thu hút đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch có tính đặc trưng khác biệt, hấp dẫn du khách, hình thành các cơ sở kinh tế du lịch có sự tham gia của cộng đồng địa phương”. 
Ở các địa phương, chính sách phát triển du lịch nông thôn chủ yếu tập trung hỗ trợ các bộ phận nông dân làm du lịch cộng đồng, nhưng các mức hỗ trợ khác nhau, phạm vi hỗ trợ còn dàn trải, manh mún, thiếu tập trung đồng bộ. Bên cạnh đó, chưa có tiêu chí, định mức hỗ trợ đủ, phù hợp để tạo ra các liên kết phát triển du lịch và nông nghiệp… dẫn tới chưa có sản phẩm đồng bộ, tương xứng và có khả năng cạnh tranh cao. 
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương (Bộ NN&PTNT) cho rằng, công tác quy hoạch, phát triển khu, điểm du lịch còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, tự phát, quy mô nhỏ chưa gắn kết giữa ngành Du lịch, ngành Nông nghiệp và các ngành khác. Phát triển du lịch nông thôn chưa mang tính tổng thể, toàn diện, chưa có cơ chế, chính sách đặc thù cho du lịch nông thôn (đặc biệt ở cấp trung ương), cũng chưa gắn với nông thôn mới nên chưa phát huy được nguồn vốn lồng ghép từ các ngành khác để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. 
Cần huy động nguồn lực 
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biết: “Mặc dù là tỉnh phát triển mạnh du lịch nông thôn, cộng đồng - nông nghiệp nhưng thực chất du lịch nông thôn trong tỉnh vẫn đang hoạt động manh nha và còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đặc biệt việc liên kết phát triển giữa các địa phương trong tỉnh còn hạn chế chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của địa phương”. 
Hiện nay, sản phẩm du lịch nông thôn, nông nghiệp, làng nghề chủ yếu khai thác dưới dạng mô hình du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch muốn tìm hiểu tham quan, khám phá, trải nghiệm. Điển hình như tour tham quan mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; ngắm mùa hoa tam giác mạch, hoa đào, mận, lê và tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán, nét sinh hoạt của các gia đình người dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pà Thẻn...; tham gia trải nghiệm canh tác cùng bà con làm nông, trồng rau, quay mật ong bạc hà, chế biến chè Shan Tuyết cổ thụ; tìm hiểu việc canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang... 
Để khắc phục những yếu kém trong phát triển du lịch nông thôn, Hà Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp, cộng đồng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương trên địa bàn nhằm giảm thiểu tính thời vụ, tránh trùng lắp, phát huy tối đa công suất cơ sở vật chất, giảm tải cho tài nguyên và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời có sự gắn kết với du lịch nông thôn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp làm du lịch và cộng đồng dân cư tham gia vào chuỗi giá trị của chương trình. Thu hút mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn từ các doanh nghiệp, người dân để phát triển du lịch nông thôn. 
Đặt mục tiêu đến hết năm 2025 hoàn thành việc xây dựng 2 mô hình điểm du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông và thôn Chúa Lải, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết: “Trên cơ sởkết quả đạt được sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng các mô hình tại các địa phương khác có tiềm năng”. Mô hình này khuyến khích đa dạng hóa nguồn vốn bằng việc lồng ghép, thu hút đầu tư, xã hội hóa từ vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Nhà nước hỗ trợ thực hiện các dự án cơ sởhạ tầng, vật chất (xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, nhà sinh hoạt cộng đồng, khôi phục các làng nghề, chỉnh trang, tôn tạo nhà cửa, đường sá, bãi đỗ xe…) điều chỉnh quy hoạch, định hướng sản xuất nông nghiệp, tham quan, đào tạo, tập huấn, xúc tiến du lịch, tạo cảnh quan môi trường. 
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, ngoài việc sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành một số chính sách thu hút các tổ chức kinh tế, hộ gia đình đầu tư phát triển du lịch nông thôn như hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tiếp cận vốn vay ưu đãi, xúc tiến quảng bá, phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Trong giai đoạn tới, cần tranh thủ các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn, đặc biệt từ Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 trong đó tập trung vào đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy hoạch cảnh quan; phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm; xúc tiến quảng bá điểm đến nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn… 

Bài cuối: Làm gì để nông dân hào hứng làm du lịch? 

 THÚY HÀ 

Ý kiến bạn đọc