Thể thao Việt Nam với đấu trường Olympic (Bài 2): Còn thiếu gì để sở hữu huy chương Olympic?

VHO- Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh khiến cả thế giới bất ngờ khi giành HCV, thiết lập kỷ lục Olympic ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Phát súng xuất thần của xạ thủ tài ba này đã làm rung lên bao cảm xúc tuyệt vời.

Thể thao Việt Nam với đấu trường Olympic (Bài 2): Còn thiếu gì để sở hữu huy chương Olympic? - Anh 1

 Thiếu đội ngũ chăm sóc y tế chuyên nghiệp nên đô cử Thạch Kim Tuấn luôn phải đối diện với chấn thương

Hoàng Xuân Vinh chính thức viết lên câu chuyện cổ tích “con nhà nghèo” học giỏi ở đấu trường danh giá nhất thế giới này.

Đấu với đối thủ được trang bị "tận răng”

Tại Olympic 2016, hầu hết xạ thủ ở các nước phát triển có khả năng giành huy chương đều được trang bị đến “tận răng”. Chẳng hạn như xạ thủ Jin Jong Oh (Hàn Quốc), 3 HCV Olympic trong 2 kỳ 2008 và 2012, đi cùng anh đến Brazil là một đội ngũ chuyên nghiệp gồm bác sĩ tâm lý, bác sĩ dinh dưỡng, HLV thể lực, HLV kỹ thuật, đội ngũ chăm sóc y tế trong khi đi cùng Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường là 1 HLV, 1 chuyên gia và 1 bác sĩ, 1 kỹ thuật viên chung của cả đoàn. Từ khẩu súng đến viên đạn Jin Jong Oh dùng đều là của các hãng chuyên dùng cho thi đấu quốc tế. Trong khi đó, nếu tập luyện ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Hoàng Xuân Vinh phải tập luyện tại một trường bắn còn thiếu thốn, lạc hậu, mới chỉ có vài bia điện tử, còn đại đa số các VĐV vẫn tập bằng bia giấy. Khi sang Hàn Quốc tập huấn, Hoàng Xuân Vinh cũng ước ao có được khẩu súng của hãng Morini như Jin Jong Oh. Rất may trước thềm Olympic, hãng Morini đã tài trợ cho Hoàng Xuân Vinh khẩu súng giống của nhà vô địch Olympic Jin Jong Oh và Xuân Vinh giành HCV Olympic chính bằng khẩu súng đó.

“Do trang thiết bị tập luyện quá cũ kỹ nên đội tuyển bắn súng được lãnh đạo ngành tạo điều kiện cho đi tập huấn tại Hàn Quốc và tham gia nhiều giải đấu trên thế giới. Đặc biệt trước khi dự Olympic, Hoàng Xuân Vinh và các đồng đội đã được tập luyện tại Trung tâm huấn luyện dành cho đội tuyển bắn súng quốc gia Hàn Quốc. Vì thế Hoàng Xuân Vinh và các vận động viên mới dần khắc phục được nhược điểm tự ti và quen dần với các trường bắn hiện đại để không bỡ ngỡ khi thi đấu”, HLV Nguyễn Thị Nhung nhớ lại. Dù được trang bị tối tân và có ê kíp phục vụ chuyên nghiệp từ lúc tập luyện cho đến khi thi đấu, nhưng cuối cùng Jin Jong Oh cũng chỉ giành 1 HCV trong khi Hoàng Xuân Vinh cũng giành 1 HCV, thiết lập kỷ lục và giành thêm 1 HCB tại kỳ Olympic lịch sử của thể thao Việt Nam.

HLV Nguyễn Thị Nhung cũng cho biết, để chuẩn bị cho các kỳ Olympic mà gần nhất là Olympic Tokyo, ngay tại trường bắn nơi các vận động viên Hàn Quốc rèn luyện hằng ngày, từ màu sơn cho đến chiếc bàn hay ghế ngồi đều sơn màu giống trường bắn sẽ thi đấu tại Olympic Tokyo để vận động viên có thể quen với trạng thái thi đấu. Đặc biệt các loại súng, đạn để vận động viên sử dụng cũng là súng, đạn dùng để thi đấu tại Olympic. “Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi so bì mà để thấy rằng, việc chuẩn bị cho đấu trường lớn nhất thế giới không hề đơn giản. Nhưng ở điều kiện của mình thì các HLV, VĐV sẽ phải nỗ lực hết sức để khắc phục. Cái chúng ta thiếu là trang thiết bị hiện đại nhưng cái chúng ta có là ý chí, tinh thần vượt khó của các vận động viên. Chúng tôi luôn trong trạng thái vượt khó để có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”, HLV Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.

Cái gì chúng ta cũng thiếu

Trong những ngày Hà Nội nắng nóng hầm hập lên tới hơn 40 độ, thì các vận động viên đội tuyển Cử tạ quốc gia vẫn phải tập luyện trong phòng tập nóng như rang do hệ thống điều hoà đã cũ, không đáp ứng được yêu cầu. Với hàng mớ thiết bị như các loại tạ, dụng cụ tập luyện, phòng xây đã cũ nên cái nóng như được nhân đôi. Khổ mãi thành quen, ngày nào các VĐV cũng phải nỗ lực tập hết khối lượng. Nhiều vận động viên cho biết, trời nắng nóng, tập xong đến bữa ăn, nhìn cơm còn không muốn nuốt.

Cả cuộc đời gắn bó với Cử tạ, ông Đỗ Đình Kháng, Phó Chủ tịch kiêm TTK Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cho biết, cái thiếu nữa của Cử tạ Việt Nam là một đội ngũ chăm sóc y tế chuyên nghiệp, với các trang thiết bị hiện đại. Dù các bác sĩ ở các Trung tâm huấn luyện rất nhiệt tình nhưng chúng ta thiếu quá nhiều trang thiết bị chăm sóc về y tế cho các VĐV đỉnh cao của môn Cử tạ nên các chấn thương của đô cử Việt Nam không giải quyết dứt điểm được. Đơn cử như đô cử số 1 Việt Nam hiện nay là Thạch Kim Tuấn quanh năm, suốt tháng loay hoay với chấn thương đầu gối nên khó có thể có được phong độ cao nhất là khi thi đấu ở Olympic.

Còn theo nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, bên cạnh sự thiếu thốn về trang thiết bị tập luyện hiện đại, cái chúng ta thiếu nữa chính là việc ứng dụng khoa học công nghệ vào tập luyện và các máy móc, phương tiện áp dụng công nghệ cho huấn luyện. Năm 2016, Văn Hoá từng tác nghiệp tại Trung tâm đào tạo VĐV của Hungary. Tại đây, mỗi khi các VĐV đội tuyển bơi Hungary bơi xong, họ đều được kiểm tra phân tích máu để biết được lượng vận động như thế đã phù hợp chưa. Sau đó các HLV sẽ điều chỉnh lượng vận động phù hợp riêng với từng vận động viên. Ở Việt Nam kinh phí cho việc này chưa có, chúng ta chưa tận dụng được khoa học công nghệ trong công tác huấn luyện nên chưa phát huy được hiệu quả cao nhất.

Phó Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cũng phân tích, để đến được với những chiếc huy chương của đấu trường Olympic thì cái gì chúng ta cũng thiếu. Ông Giang nêu ví dụ: “Ở Nhật Bản có một Viện nghiên cứu về khoa học huấn luyện và hầu hết các HCV Olympic của Nhật Bản đều từ Viện này mà ra. Tại Olympic Athens năm 2004, Nhật Bản giành tới 16 HCV, đứng thứ 5 chung cuộc. Trong 16 HCV này thì Viện nghiên cứu kể trên đóng góp tới 14. Đáng chú ý số HCV của Nhật Bản tại kỳ Olympic này bằng tổng số HCV mà thể thao các nước trong khu vực Đông Nam Á giành được, kể từ khi tham dự Olympic cho đến thời điểm năm 2004. Sở dĩ Nhật Bản làm được như vậy vì họ đã có đội ngũ nghiên cứu rất sâu về công nghệ huấn luyện bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Còn chúng ta thì thiếu tất cả cho nên những thành tích đạt được chưa thể được duy trì một cách bền vững qua các kỳ Thế vận hội”.

Bài 3: Phải đầu tư toàn diện và chuyên biệt

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc