Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp trong hành trình tìm đường cứu nước

Thứ Ba 08/06/2021 | 13:03 GMT+7

VHO- Hơn 60 năm cuộc đời cách mạng của mình, Lãnh tụ  Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến nước Pháp với nhiều tên gọi và vị thế khác nhau. Việc tiếp xúc với các nguồn tài liệu tại các trung tâm lưu trữ quốc gia của Pháp ở Paris, Aix-enProvence, , Marseille… cho thấy: Trong 30 năm bôn ba tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc (1911-1941), Nguyễn Ái Quốc đã ít nhất có 3 lần đến sống và hoạt động ở nước Pháp vào các năm 1911, 1917 và 1927.

Đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Pháp từ năm 1911 đến 1923 được công bố, song còn lần thứ ba, năm 1927, trên cương vị là cán bộ của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã từ Nga đến Béclin (Đức) và bí mật vượt biên giới Pháp vào Paris làm việc với Đảng Cộng sản Pháp cuối năm 1927 trong thời gian một tháng rưỡi thì ít người nhắc tới. Cùng với chuyến đi đặc biệt đó còn có những câu hỏi liên quan đến những năm tháng Nguyễn Ái Quốc ở Pháp như: Làm cách nào để Nguyễn Ái Quốc có thể vượt qua mọi sự theo dõi, cấm đoán của chính quyền sở tại để sống và hoạt động công khai ở Paris?  Phải chăng hành trình đến nước Pháp cũng chính là hành trình tìm  đường cứu nước giải phóng dân tộc của Người? Nội dung bài viết này mong muốn góp phần cung cấp thông tin lịch sử về những câu hỏi trên.

Công văn mật số 8969 ngày 12/12/1927 của Bộ Nội vụ gửi Bộ Thuộc địa Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc hiện đang ở Paris. Trung tâm lưu trữ Quốc gia Pháp tại Aix en Provence Ký hiệu: C.A.O.M/ SPCE 364 trang 630  ( nếu sử dụng chỉ lấy trang văn bản) .

1. Về chuyến công tác của Nguyễn Ái Quốc đến Pháp cuối năm 1927:

Thông tin, báo cáo theo dõi Nguyễn Ái Quốc trong chuyến công tác ở Paris cuối năm 1927, hiện tại theo khảo sát bước đầu khoảng 20 trang trong khối hồ sơ lưu trữ của chính quyền tại Lưu trữ quốc gia Pháp, chúng ta có thể thấy người Pháp đã có thông tin về những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, hoạt động của Người sau sự biến tháng 4/1927: Tưởng Giới Thạch phản biến, phá hoại hợp tác Quốc Cộng….Tại Công văn mật số 6989 của cơ quan cảnh sát thuộc Bộ Nội vụ gửi Bộ Thuộc địa Pháp ngày 12/12/1927 cho biết: Nguyễn Ái Quốc đại diện  Quốc tế Cộng sản đang có mặt tại Paris… Tiếp đó, công văn  số 9361 ngày 24/12/1927 ghi rõ: Nguyễn Ái Quốc đã rời Paris 5 ngày trước để trở về Mátxcơva theo đường Béclin, …Những thông tin gần như chính xác này cho thấy  chính quyền Pháp luôn theo sát từng bước đi, việc làm của Nguyễn Ái Quốc song với bản lĩnh và kinh nghiệm của một nhà cách mạng chuyên nghiệp, Người đã an toàn trở lại Đức chuẩn bị về Matsxcơva – Tổ quốc cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới khi đó.     

Giữa tháng 4/1928, ở Béc lin, Nguyễn Ái Quốc nhận được quyết định của Quốc tế Cộng sản cử Người trở lại phương Đông hoạt động. Sau hơn một tháng, dồn tâm sức cho chuyến trở lại châu Á lần thứ hai, ngày 21/05/1928, trước khi rời Đức, trong báo cáo gửi Ban Phương Đông về chuyến công tác tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong một tháng rưỡi tôi đã ở Paris…Tôi không có dịp nào nói chuyện nghiêm túc với các đồng chí khác. Nhiều lần tôi xin những địa chỉ chắc chắn để có thể liên lạc với họ khi tôi sẽ ở phương Đông thì đồng chí có trách nhiệm đã từ chối không đưa cho tôi”.

 Việc xác minh, thẩm định những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc với Đảng Cộng sản Pháp trong phong trào cách mạng thuộc địa nhất là ở địa bàn các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Dương mối quan tâm hàng đầu của Nguyễn Ái Quốc cho đến nay vẫn còn đó những câu hỏi cần được tìm kiếm, xác minh, bổ sung thông tin… nhằm làm rõ thêm những  nội dung lịch sử.

Công văn mật số 9361, ngày 24/12/1927 của Bộ Nội vụ gửi Bộ Thuộc đại Pháp cho biết Nguễn Ái Quốc đã rời nước Pháp từ 5 ngày trước đó để về Mátxcơva qua đường Béc lin. Trung tâm lưu trữ Quốc gia Pháp tại Aix en Provence Ký hiệu: C.A.O.M/ SPCE 364  trang 658 

 2. Nguyễn Ái Quốc đã làm gì để  sống và hoạt động cách mạng công khai ở Paris?

Đây là một câu hỏi dù chiếm một vị trí đặc biệt khi nghiên cứu về Nguyễn Ái Quốc ở Pháp song chưa mấy khi được xem xét. Thực tế, Pháp vốn là quốc gia có hệ thống luật được xây dựng và thực thi rất chặt chẽ dựa trên những nguyên tắc cơ bản về quyền tự do bình đẳng, về nguyên tắc chủ quyền quốc gia, quyền nói, viết và công bố tự do nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu lạm dụng; Tự do trao đổi suy nghĩ là một trong những quyền quý giá nhất của con người….Nhờ nắm chắc những điều luật cơ bản đó, từ tháng 6/1919, trong hoạt động chính trị đầu tiên của mình, Nguyễn Ái Quốc đã công khai minh bạch khi đưa các yêu cầu đòi một số quyền về chính trị - xã hội nêu trong bản “ Yêu sách của nhân dân An Nam”, cùng đó Người công khai luôn họ tên của mình gắn với tổ chức mà mình đại diện để gửi tới Hội nghị quốc tế hòa bình ở Versaille. Điều này cho thấy, Người đã chủ động, trực diện “tự” đưa mình vào “tầm ngắm” của chính quyền cai trị ở Pháp trong bối cảnh phong trào người Việt Nam ở Pháp đang khó khăn, phần bởi chính sách quản lý của chính quyền với dân nhập cư từ các thuộc địa, phần là sự đối phó với phong trào của những người Việt Nam ở Pháp những năm 1914-1915. Đây là thời kỳ chính quyền Pháp ở Paris bước vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, họ tăng cường theo dõi các hoạt động bị coi là ảnh hưởng đến nước Pháp. Thực tế với phong trào người Việt ở Pháp, chính quyền đã bắt giam, đưa ra tòa kết tội và xử án 10 tháng tù đối với Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh. Đáng chú ý, Phan Văn Trường có quốc tịch Pháp, là Tiến sỹ Luật và là luật sư người gốc Việt đầu tiên tại tòa phúc thẩm Paris. Phan Văn Trường cũng là Chủ tịch Hội đồng bào thân ái vừa mới  ra mắt và hoạt động ngày 12/1/1912. Không đủ chứng cứ để quy vào tội làm phản, chính quyền Pháp vô cớ quy hai Cụ Phan vào tội: Đã kích động sinh viên và đồng bào họ  thù ghét chính phủ Pháp và đưa họ vào tổ chức có mầm mống phản loạn. Thực tế họ đây là hành động “ đánh rắn dập đầu” nhằm vào cộng đồng người Việt Nam tại Pháp vì họ biết hai Cụ Phan đều là là những người yêu nước tiêu biểu, có chủ kiến, từng trải và công khai hoạt động của mình. Hai Cụ rất có uy tín và nổi tiếng trong người Việt Nam tại Pháp. Việc bắt giam, xử tù hai Cụ cho thấy, sự đối xử của chính quyền Pháp với người dân của các thuộc địa tại Pháp không hẳn như lời họ đã nói và hơn thế chính quyền Pháp thể hiện sự thẳng tay không có ngoại lệ đối với bất cứ người Đông Dương nào trên đất Pháp. Dù họ là ai, dù không đủ chứng cứ nhưng họ vẫn có thể bị ép vào một “ tội” nào đó để rồi bị tống giam và xử tù theo luật định của nhà nước Pháp.   

Năm 1919, trong nhóm những người sáng lập Hội người Việt Nam tại Pháp,  Nguyễn Ái Quốc còn trẻ, ngôn ngữ và kinh nghiệm hoạt động ở Pháp chưa nhiều, các mối quan hệ với các bạn Pháp có cảm tình với thuộc địa còn chưa nhiều. Bù lại,  Nguyễn Ái Quốc có phong cách và tư chất của một  thủ lĩnh, từng trải qua nhiều quốc gia, chế độ xã hội khác nhau và nhất là sự kiên định, dũng cảm, dám đấu tranh và đối thoại  với chính quyền sở tại dựa vào những điều luật cho phép.

Giữa năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp, nhờ vậy Người nhanh chóng kết thân và học hỏi nhiều điều bổ ích từ giới tinh hoa Pháp, trong đó có J. Longues, M. Moutet, H. Barbusse,… Họ đều là nghị sỹ, nhà báo, luật sư có  hiểu biết về xã hội và luật pháp. Họ dành cho Nguyễn Ái Quốc sự đồng cảm, giúp đỡ chân thành. Nhờ vậy, Người có cơ hội tìm hiểu và sử dụng nhuần nhuyễn những điều được phép và tránh xa những điều không được phép theo quy định của luật pháp nước Pháp. Người đã tự mình đưa bản yêu sách đến từng địa chỉ, trao tận tay đại diện các phái đoàn tham gia Hội nghị Versaille, và sau đó đến từng ga tàu điện ngầm, chỗ hội họp đông người để trao tận tay bản yêu sách cho những người dân cùng hoàn cảnh hoặc cùng có chung sự quan tâm… tất cả hành động đó thuộc về những gì pháp luật không cấm. Nhờ vậy, hơn 6.000 bản in “Yêu sách của nhân dân An Nam” đã được chuyển đến những nơi mà nó cần đến ở Pháp, ở Đông Dương trong đó có Hà Nội, Huế, Sài Gòn…Những yêu cầu, kiến nghị nhằm mục tiêu làm thay đổi chính sách cai trị thực dân của Pháp ở Đông Dương với cách làm của Nguyễn Ái Quốc thực sự  được đưa ra ánh sáng ban ngày giữa trời Tây, làm nức lòng đồng bào đất Việt. Ở giữa thủ đô Paris khi đó, thấy dáng hình người thanh niên mảnh khảnh mà đầy sức sống Nguyễn Ái Quốc, Paul Arnoux, Giám đốc cơ quan đặc trách theo dõi cộng đồng người hải ngoại ở Pháp đã dự báo: Có thể đây là người đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương.

 Bản yêu sách vừa xuất hiện, ngay lập tức chính quyền Pháp huy động bộ máy, ra lệnh các cơ quan trách nhiệm phải tìm và tập hợp nhanh tin tức liên quan đến Nguyễn Ái Quốc. Trong điều kiện thông tin cách đây hơn một thế kỷ mà chỉ một tuần sau đó, những báo cáo nhanh từ nhiều nơi đã gửi đến Bộ Thuộc địa về Nguyễn Ái Quốc. Mở đầu là bản báo cáo viết tay của cơ quan quản lý người lao động thuộc địa ở Marseille ngày 23/6/1919, đã phiên âm và giải thích chi tiết nghĩa Hán - Việt của tên gọi Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Yêu Tổ quốc. Còn chính quyền Pháp trong các tài liệu chính thức, tên gọi Nguyễn Ái Quốc gắn với những cách gọi như: Tên phiến loại, kẻ ngông cuồng, người phá rối …Gần 7 năm ở Pháp, dù trong tay có hàng ngàn trang hồ sơ với sự huy động lực lượng không dưới 8 bộ ,ngành trong nước Pháp và quốc tế song dường như nhưng chính quyền không thể vin vào cớ “phạm luật” của nước Pháp để có thể bắt giam, xét xử Nguyễn Ái Quốc.  

Nguyễn Ái Quốc, Paris tháng 9/1919. Lưu trữ cảnh sát Paris. KH 250.028  

3. Hành trình đến Pháp phải chăng cũng chính là hành trình tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh?

Năm 1917, sau chặng đường gần 10 năm qua 4 châu lục, tiếp xúc với nhiều nền văn minh và nhiều tầng lớp người trong các thể chế xã hội khác nhau, cùng với những quan sát và hiểu biết tích lũy được, trở về Pháp hòa mình trong cuộc đấu tranh chống đế quốc thực dân xâm lược Pháp, từ thân phận người  dân không có tự do, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy điểm“yếu” của chính quyền thực dân Pháp ở thuộc địa: Ở Pháp, người ta thường xuyên nói về quyền và pháp luật, nhưng việc áp dụng quyền và pháp luật lại không được thực thi ở thuộc địa. Những người bản địa Đông Dương chỉ được thấy và được biết quyền bạo lực của kẻ mạnh.

Hàng ngàn trang hồ sơ theo dõi hàng ngày của mật thám Pháp đối với Nguyễn Ái Quốc” còn giữ lại được đã ghi đủ mọi chuyện lớn nhỏ. Từ việc Văn phòng Tổng thống Pháp đòi xác minh nhân thân của Nguyễn Ái Quốc ngày 23/6/1919 chỉ vài ngày sau  sự kiện đưa Yêu sách; tầng tầng lớp lớp các báo cáo hàng ngày của 6,7 mật vụ luân phiên nhau theo dõi ghi chép về Nguyễn Ái Quốc. Ít lâu sau, nhiều tài liệu về những hoạt động của Người chuyển sang trạng thái Mật – Confidentiel trong đó có chi tiết việc Bộ trưởng Thuộc địa vốn là Toàn quyền cũ ở Đông Dương cùng chánh văn phòng của Bộ đã ba lần “ mời” Nguyễn Ái Quốc đến gặp, dùng mọi lời để đe dọa bắt bớ - không được, làm nhiều động tác đe dọa nhằm bẻ gãy ý chí - không xong, dùng lời hứa hẹn về vật chất để  giúp đỡ - không tin,… rồi cuối cùng họ phải dùng đến thủ đoạn yêu cầu “ kiểm tra” giấy tờ trước khi vào phòng “ quan thượng thư” rồi giữ luôn không chịu trả lại tấm căn cước vốn là vật bất ly thân của bất kỳ ai ở tuổi trưởng thành muốn sống hợp pháp ở nước Pháp. Căn cước là loại giấy tờ quan trọng nhất khi cần giải quyết mọi vấn đề từ tìm kiếm việc làm, đi lại tự do, làm thẻ đọc sách, làm giấy khám bệnh…Giữ được thẻ căn cước, chính quyền lại cho người nhắn với chủ xưởng nơi  Nguyễn Ái Quốc làm thuê việc anh không có giấy tờ hợp pháp. Để yên ổn làm ăn, người chủ buộc phải chấm dứt hợp đồng làm việc, đẩy Nguyễn Ái Quốc vào tình trạng thất nghiệp. Họ làm vậy như để buộc “ Nguyễn Yêu Nước” phải nhụt chí. Nguyễn Ái Quốc chấp nhận dấn thân:“ Người ta có thể làm gì được tôi, bỏ tù tôi, trục xuất tôi, cắt đầu tôi cũng thế thôi”.Người luôn có nguyên tắc và niềm tin riêng đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do mình đang theo đuổi: Tôi có cần một nhóm hội nào đâu. Tôi có nguyên tắc của mình là “chỉ dựa vào bản thân mình”. Một nhóm hội, nghe thì đẹp, mỗi người đưa ra một ý kiến, người nào cũng có lời hứa, và cuối cùng đều bỏ cuộc. Không, tôi chỉ tin tưởng vào bản thân mình. Bằng sự tận tâm kiên định của mình, Nguyễn Ái Quốc đã dần tìm được con đường, phương thức và lực lượng  nhằm đạt được mục tiêu cách mạng đã đề ra. Tháng 6/1923, theo đề nghị của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Pháp đã cử Nguyễn Ái Quốc đến Nga hoạt đông. Trong lá thư gửi các bạn Pháp trước lúc bí mật rời nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết: Nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc đã xảy ra trong các thuộc địa….Bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được... Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp tự do, bình đẳng và bác ái.    

Tháng 11/1924, với tư cách là Uỷ viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc đến công tác tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Nguyễn Ái Quốc làm việc trong đoàn cố vấn Bôrôđin của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên trong khuôn khổ của chương trình hợp tác Quốc - Cộng. Giữa năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ phát triển phong trào cách mạng trong nước tiến tới  chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp huấn luyện được tập hợp in thành sách “Đường Kách mệnh” cuốn cẩm nang quý, định hướng cho mọi hoạt động, đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Trong nội dung cuốn sách khi bàn về  những bài học từ cuộc cách mạng ở Pháp năm 1789, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ : Dân chúng công nông là gốc cách mệnh. Cách mệnh thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công. Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại. Cách mệnh Pháp hy sinh rất nhiều người mà không sợ; ta muốn làm cách mệnh thì cũng không nên sợ phải hy sinh.

Nhớ về hành trình 30 năm tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, ghi nhận những cống hiến của cách mạng Pháp  đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động viết: Tôi học được một ít kinh nghiệm xây dựng Đảng, khi ở Liên Xô; kinh nghiệm đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, khi ở nước Pháp; kinh nghiệm chống thực dân và phong kiến khi ở Trung Quốc. Riêng về cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp mà tôi đã nhìn thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lê Nin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sỹ xã hội chủ nghĩa.  Thế là 11 thập kỷ đã trôi qua, hôm nay nhìn lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chúng ta hiểu thêm sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, hiểu thêm những bài học sâu sắc mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Một trong những bài học cần được nhấn mạnh đó là việc xác định đúng mục tiêu, chọn hướng đi phù hợp và luôn kiên trì khảo sát đến tận cùng sự vận động của thời đại cùng với cách tư duy độc lập, tự chủ, nêu cao trách nhiệm cá nhân trước vận mệnh dân tộc, sự quyết tâm dấn thân để từ đó tìm ra con đường đi đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu cứu nước, giải phóng dân tộc mà nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh từ 110 năm đã lựa chọn để cùng dân tộc đi đến thắng lợi.

NGUYỄN KHÁNH ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top