Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Sẽ tăng mức phạt với hành vi chì chiết trong gia đình

Thứ Sáu 04/06/2021 | 09:41 GMT+7

VHO- Bộ Công an đề xuất phạt 5-10 triệu đồng với người lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình, trong khi mức hiện hành cao nhất là 1 triệu đồng.

 Triển khai hoạt động hưởng ứng xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại TP.HCM

Đây là nội dung dành được nhiều sự quan tâm trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang được Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp. Khi có hiệu lực, sẽ thay thế Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Mức phạt cao để tạo sức răn đe

Dự thảo Nghị định gồm có 4 chương 82 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong phạm vi gia đình, mức phạt tối đa được đề xuất tăng hơn rất nhiều. Cụ thể với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình, dự thảo đưa ra mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình, dự thảo Nghị định đưa ra mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi như: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Mức tiền phạt tối thiểu cũng tăng thành 5-10 triệu đồng (hiện hành 100.000-300.000 đồng) với người cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gặp gỡ người thân, bạn bè, không cho thành viên thực hiện quyền làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp.

Phải công khai xin lỗi nạn nhân

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho rằng, việc tăng mức phạt là phù hợp vì Nghị định cũ ra đời đã gần 10 năm. Hơn nữa, mức phạt cao cũng tạo sức nặng răn đe để nhiều người “thấy đó mà sợ, không dám vi phạm”. Theo luật sư, đời tư cá nhân ngày càng được tôn trọng và pháp luật bảo vệ nên dự thảo nghị định đã tăng mức phạt lên rất cao. Chẳng hạn, bố mẹ tự ý đăng ảnh con cái lên mạng xã hội để khi con không đồng ý, đó cũng là vi phạm. Người vợ nếu mắng chồng bằng những động từ mạnh, ngôn từ thậm tệ hoặc liên tục chỉ trích ngày này qua ngày khác cũng bị coi là có hành vi chì chiết thành viên trong gia đình. Bên cạnh việc phạt tiền thì việc dự thảo Nghị định đưa ra biện pháp khắc phục buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi vi phạm trong quy định là điều hợp lý.

Tuy nhiên, ở góc độ xã hội học, PGS, TS Trịnh Hoà Bình cho rằng những hành vi này rất khó để bị xử phạt bởi hiếm gia đình nào tự đi tố cáo nhau. Bộ Công an cần quy định cụ thể hơn nữa về các hành vi, hoàn cảnh, trường hợp và cách phổ biến để người dân được tiếp cận nhiều và hiểu hơn.

Dự thảo Nghị định cũng cần đưa ra những quy định chặt chẽ hơn như nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định theo hướng tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi bạo lực gây ra đối với nạn nhân để có tác dụng giáo dục, răn đe hiệu quả hơn. Mặt khác, Dự thảo quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm cơ quan tổ chức trong phòng chống bạo lực gia đình, để tránh khi vụ việc bạo lực xảy ra nhưng lại không được quan tâm và xử lý thích đáng. 

 THUÝ HIỀN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top