Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thủ tướng: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư phát triển

Thứ Tư 02/06/2021 | 16:30 GMT+7

VHO- “Phải đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa -  lịch sử là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển”. Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc sáng nay 2.6 với lãnh đạo Bộ VHTTDL về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Bắc

Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Trịnh Thị Thuỷ, Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt; lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ… thuộc Bộ VHTTDL.

Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, một số lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch có những tiến bộ toàn diện, vững chắc. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được thể hiện, kết tinh, lan toả qua các hoạt động VHTTDL. Ngành du lịch có bước tiến ngoạn mục.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những băn khoăn, trăn trở của những người làm văn hoá trước các hiện tượng lệch chuẩn, biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Việc lan toả những giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc không phải là việc chỉ của ngành văn hoá mà rất cần sự chung tay, vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, toàn xã hội và từng người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thể chế quản lý chưa theo kịp và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc thực thi nhiều quy định của pháp luật liên quan đến văn hóa còn lúng túng. Việc xây dựng một số cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa còn chậm, một số chính sách đã ban hành khó áp dụng, vận dụng trong thực tiễn...

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại cuộc làm việc

Tư duy quản lý VHTTDL chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, các cơ quan quản lý vẫn còn ôm đồm, bị sa đà vào các hoạt động cụ thể, các công việc sự vụ, phong trào mà chưa thực sự phát huy được đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước để phát huy vai trò của xã hội, của cộng đồng, doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nghiệp. Sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động tác nghiệp chưa rõ.

“Chất lượng hiệu quả của hoạt động văn hóa, văn nghệ chưa cao. Dù lượng tác giả nhiều, tác phẩm được xuất bản cao hơn nhưng lại luôn thiếu những tác phẩm lớn xứng tầm, còn thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật mang cảm xúc thời đại”, Bộ trưởng phát biểu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nhìn trong ngắn hạn, các hoạt động văn hoá nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng không đóng góp trực tiếp về kinh tế nhưng lâu dài sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác như du lịch. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực văn hoá bao giờ cũng được quan tâm chỉ đạo, đầu tư tương xứng; khi xử lý những vấn đề liên quan đến văn hoá, ý kiến của các chuyên gia cũng chưa được coi trọng đúng mức.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Bộ VHTTDL phải mạnh dạn thay đổi tư duy trong quản lý mới có thể tạo đột phá, đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của nhân dân, trước hết trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, lịch sử, nhất là những di tích, di sản cấp đặc biệt, cấp quốc gia. Đồng bộ cơ chế, kinh phí đặt hàng, sáng tác, phổ biến các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật trên tất cả các lĩnh vực.

Bộ VHTTDL cũng cần khẩn trương xử lý dứt điểm một số vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm như cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam; xây dựng bộ tiêu chí quy định rõ những hành vi, thái độ ứng xử bị coi là phản cảm, phản văn hoá trong cuộc sống hằng ngày cũng như lễ hội; rà soát tính hiệu quả, thực chất hệ thống thiết chế văn hoá cả ở Trung ương và địa phương; đẩy nhanh tốc độ số hoá về du lịch, di sản văn hoá, tư liệu…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành và mối quan hệ của ngành với sức mạnh tổng thể của đất nước, của dân tộc trong quá trình phát triển. Đảng và Nhà nước đã xác định rất rõ, phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, bảo đảm an ninh quốc phòng là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững.

Thủ tướng nêu rõ, phải tự hào, nhận thức sâu sắc, phát huy tinh thần, trách nhiệm, thay đổi nhận thức, tư duy và hành động, tập trung phát triển ngành xứng tầm với vị trí, vai trò, tầm quan trọng đó. Văn hóa, nghệ thuật, thể thao truyền cảm hứng, củng cố niềm tự hào, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nhưng lĩnh vực này có tính đặc thù rất rõ, phải ứng xử bằng các biện pháp, chính sách đặc thù, phù hợp, huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, nghệ thuật, thể thao-cũng là phát triển con người.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các Thứ trưởng: Trịnh Thị Thuỷ, Tạ Quang Đông, Hoàng Đạo Cương, Đoàn Văn Việt tại buổi làm việc

Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đạt được nhiều thành tựu quan trọng; thể thao đạt nhiều thành tích; du lịch phát triển nhanh. Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đó của ngành, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Bên cạnh đó, Báo cáo của Bộ và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đã rất thẳng thắn, khiêm tốn chỉ ra những bất cập, hạn chế, đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Không say sưa với thắng lợi nhưng cũng không bi quan, mất động lực, mất bản lĩnh khi còn những hạn chế, bất cập; phải bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, nhìn thẳng vào sự thật, nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thành quả thật, coi khó khăn, hạn chế cũng là một động lực để phấn đấu, vươn lên, vượt qua. Trong đó, Thủ tướng lưu ý thực trạng văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đã xuống cấp, vì thế phải phân tích kỹ lưỡng, đánh giá chính xác vấn đề này để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những vướng mắc, hạn chế nói trên là tư duy, nhận thức vẫn chưa đúng tầm với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của ngành. Ngành chưa thực sự chủ động tích cực vươn lên từ nội lực, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Việc xây dựng thể chế được triển khai tích cực nhưng vẫn chưa hoàn thiện, đầy đủ. Chưa quan tâm đúng mức việc tổng kết, nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận, đúc rút kinh nghiệm, nhân rộng những điển hình tiên tiến, cách làm hay. Chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát - một công cụ rất quan trọng, một phương thức lãnh đạo của Đảng.

Việc huy động và khai thác nguồn lực xã hội chưa được coi trọng, chưa phong phú, đa dạng, chưa bám sát quy luật thị trường, chưa đi đúng hướng, hiệu quả. Việc thụ hưởng các thành tựu văn hóa còn chênh lệch giữa các vùng miền. Tiềm năng du lịch rất lớn chưa phát huy hết được do những hạn chế về thể chế, hạ tầng du lịch và phương pháp, tư duy quản lý, công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu. Các ngành nghệ thuật phát triển chưa xứng tầm với văn hóa và con người Việt Nam. Di sản chưa được quan tâm đúng mức.

Trong thời gian tới, ngành VHTTDL phát triển trong bối cảnh chúng ta tiếp tục xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động, tích cực hội nhập, đồng thời đối mặt những thách thức rất lớn về già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong phát triển ngành là phải tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, biến khó khăn, thách thức thành động lực để phấn đấu, khẳng định và trưởng thành, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể... Suy nghĩ phải kỹ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trong điểm, làm việc nào dứt việc đó. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi truyền thống văn hóa -  lịch sử là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển.

Phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ cần tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn và tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra; khen thưởng, kỷ luật. Trong bối cảnh nguồn lực, thời gian đều có hạn, nhiệm vụ, công việc nhiều, yêu cầu, đòi hỏi cao, cần lựa chọn, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, có tác động lan tỏa. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra, “việc gì cũng lên Bộ thì nhân sự gấp 10 lần cũng không làm nổi”. Thủ tướng lấy ví dụ, các trung tâm văn hóa – thể thao, công viên, nhà hát, sân vận động, làng văn hóa… đều có thể huy động nguồn lực từ xã hội, vấn đề là phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, đề xuất cách làm, thể chế, chính sách phù hợp. Các đơn vị này phải phát triển theo hướng tự chủ, đẩy mạnh hợp tác công tư, xóa bao cấp, “nếu duy trì cơ chế cũ thì bao nhiêu tiền ngân sách Nhà nước cũng thấy thiếu”.

Trên cơ sở lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, gồm chủ trương, chính sách, cơ chế, cách huy động nguồn lực, con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực cho sự phát triển, ngành cần đẩy mạnh hợp tác công-tư, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, các cơ quan để huy động sức mạnh tổng hợp.

Thủ tướng yêu cầu ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể thời gian tới, trước hết là xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên cơ sở bám sát thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tạo nguồn lực và tập trung nguồn lực cho 3 đột phá chiến lược.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nắm bắt xu thế thời đại để có hướng đi đúng, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, quản lý số, vấn đề này đã có đường lối, chính sách chung, ngành phải mạnh dạn triển khai hiệu quả, phù hợp tình hình.

Coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành. Thực hiện nghiêm các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng bộ với thực hiện các quy định nêu gương. Xây dựng bộ máy, tổ chức, biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; xây dựng đội ngũ cán bộ đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền để cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục rườm rà.

Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát huy sức mạnh nội sinh của đất nước, của dân tộc, trên cơ sở bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, dự báo, nắm chắc tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung các quy định, tổ chức thực hiện cho phù hợp. Thủ tướng lấy ví dụ, Covid-19 đã gây những hậu quả, mất mát lớn nhưng cũng là cơ hội để phát triển công nghệ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Tập trung phát triển lĩnh vực nghệ thuật, đây là lĩnh vực khó, đặc thù, phải có chính sách đúng tầm, phù hợp. Phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí trên nền tảng văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. “Phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống của chính chúng ta thì mới có thể phát triển bền vững, lâu dài”.

Chia sẻ với ngành du lịch về những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, Thủ tướng đề nghị phát huy tinh thần “trong cái khó, ló cái khôn”, cùng Chính phủ triển khai cách thức phù hợp nhất để chung sống với đại dịch, duy trì sản xuất kinh doanh trên cơ sở chiến lược “5K+vaccine”, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia phòng chống Covid-19, tìm kiếm vaccine. “Đóng cửa ngay thì dễ quá, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh mới cần chúng ta suy nghĩ, bàn bạc. Tình hình càng khó khăn càng đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ của người lãnh đạo, nếu vượt qua được sẽ càng củng cố được niềm tin của các đối tác”, Thủ tướng chia sẻ và nhắc tới việc Bắc Giang đã triển khai mô hình vừa sản xuất, vừa bố trí cho người lao động ăn, ở ngay tại nhà máy. Ngành cũng cần coi trọng công tác xây dựng thương hiệu du lịch.

Xây dựng chiến lược phát triển các môn thể thao Việt Nam, lựa chọn các môn thể thao thế mạnh trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, từ đó có nhiệm vụ, giải pháp phát triển phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu coi trọng công tác thông tin-truyền thông, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, chống các biểu hiện xuống cấp về đạo đức, văn hóa, đẩy mạnh truyền thông chính sách để người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát, chia sẻ với những khó khăn, được thụ hưởng các thành quả, truyền cảm hứng, tạo niềm tin để người dân chủ động hợp tác, tham gia vào sự nghiệp chung.

Ngành VHTTDL tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch Covid-19, theo tinh thần mỗi người tự bảo vệ mình tức là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, mỗi cơ quan, đơn vị bảo vệ được mình là góp phần bảo vệ cho cả nước, vừa sản xuất vừa chống dịch, chống dịch để sản xuất, sản xuất để góp phần chống dịch.

Thủ tướng cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Bộ, giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp xử lý cụ thể.

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top