Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Doanh nghiệp điện ảnh lại “kêu cứu” khi doanh thu gần bằng 0

Thứ Tư 02/06/2021 | 11:43 GMT+7

VHO- Các doanh nghiệp lớn trong thị trường phát hành và chiếu phim Việt Nam gồm Thiên Ngân, BHD, Lotte Cinema, CJ CGV vừa có văn bản gửi Thủ tướng xin hỗ trợ để vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Sau dấu mốc bộ phim điện ảnh “Bố già” khuấy động các phòng vé với doanh thu kỷ lục, hệ thống rạp chiếu trong Nam ngoài Bắc tiếp tục rơi vào cảnh ảm đạm bởi đại dịch hoành hành.

Trước bối cảnh đó, văn bản của các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam đã được gửi Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ, ngành về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19. Bên cạnh 2 doanh nghiệp chiếu phim và phát hành phim lớn của Việt Nam là Thiên Ngân và BHD, 2 doanh nghiệp lớn nước ngoài  là CGV và Lotte Cinema cùng ký đơn này.

Văn bản cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chỉ thị hướng dẫn doanh nghiệp và nhân dân ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh và phòng chống dịch trong lĩnh vực điện ảnh.

Theo đó, các doanh nghiệp điện ảnh đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu phấn đấu chung của ngành điện ảnh theo chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam đã thúc đẩy và đóng góp nhất định cho sự phát triển nền điện ảnh nước nhà. Trong 10 năm, từ 2010 đến 2019, số lượng rạp chiếu phim hiện đại của cả nước tăng từ 90 lên 1096 phòng chiếu (tăng 1104%), số lượng lượt xem phim chiếu rạp trên toàn quốc tăng từ 7 triệu lên 57 triệu lượt/năm (tăng 714%), doanh số phim chiếu rạp toàn ngành tăng từ 540 tỉ lên 4147 tỉ (tăng 668%), số lượng phim chiếu rạp tăng từ 14 phim lên 45 phim mỗi năm. Trong đó có nhiều phim đạt giải thưởng cao trong các LHP trong và ngoài nước, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, tạo công việc cho gần 10 nghìn lao động và đóng góp một phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách nhà nước.

Với mục tiêu và giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong điều kiện thị trường ổn định thì các doanh nghiệp cùng ngành hoàn toàn có thể phấn đấu đạt được mục tiêu theo chiến lược phát triển điện ảnh trước thời điểm năm 2028.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 1.2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán và mùa hè năm nay đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp điện ảnh cũng như tới tâm lý khách hàng, nguồn phim và kế hoạch sản xuất phim.

Các doanh nghiệp nêu, từ tháng 2.2020 đến nay tình hình càng trở nên trầm trọng khi tất cả các hoạt động vui chơi giải trí, rạp chiếu phim phải đóng cửa nhằm nỗ lực ngăn chặn đại dịch theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của các tỉnh, thành.

Trong giai đoạn này, doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, trong khi doanh nghiệp vẫn phải chịu các chi phí thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên nhằm góp phần duy trì an sinh xã hội nói chung và ổn định cuộc sống người lao động nói riêng.

“Với tình trạng đó thì doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể lâm vào phá sản, kéo theo sự suy thoái của ngành điện ảnh là điều tất yếu…”, văn bản nêu.

Vì vậy, các doanh nghiệp điện ảnh khẩn thiết kiến nghị Chính phủ và Bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp điện ảnh nhằm tạo động lực để các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Cụ thể, các doanh nghiệp điện ảnh đề xuất một số phương án hỗ trợ gồm: hỗ trợ duy trì lao động tránh sa thải hàng loạt (hơn 10.000 lao động trong ngành) bằng việc xem xét cho rạp chiếu phim sớm được hoạt động trở lại khi đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế; hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán cho doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản; hỗ trợ bình ổn rạp chiếu phim…

Theo văn bản, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ "ghi nhận hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời đại ngày nay. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay cũng nên được thúc đẩy nhằm giảm thiểu các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý, góp phần giảm áp lực cho ngành y tế".

Từ đó, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sớm cho phép các rạp chiếu phim được hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo phương án 5K. Điều này được lý giải, thực tế rạp chiếu phim là nơi có thể áp dụng phương án 5K tốt nhất, vì khán giả vào rạp chỉ tập trung xem phim mà không nói chuyện, việc ăn uống đều được phục vụ theo khẩu phần riêng, ghế ngồi hoàn toàn có thể giãn cách giữa các khán giả và đặc biệt là với công nghệ vé điện tử thì khách hàng có thể vào phòng chiếu sau khi áp dụng 5K mà  không phải tập trung tại quầy vé.

Bên cạnh đó, nhiều kiến nghị hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán được nêu: chính sách hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay, hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới; cấp tài trợ / gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn cho tất cả các doanh nghiệp điện ảnh đến hết ngày 31.12.2021; giảm 50% thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp điện ảnh thu được và hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp đến hết ngày 31.12.2021, miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động của các doanh nghiệp điện ảnh; có chính sách vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản tạo điều kiện để các doanh nghiệp cho thuê mặt bằng miễn giảm tiền thuê, phí dịch vụ cho các đơn vị rạp chiếu phim trong thời gian phải đóng cửa vì dịch bệnh và ít nhất 6 tháng kể từ khi rạp hoạt động trở lại…

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ khi rạp chiếu phim hoạt động trở lại, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp điện ảnh thông qua các chương trình quảng bá phim ảnh đến công chúng nhằm kích cầu toàn bộ ngành kinh tế nói chung và ngành điện ảnh nói riêng.

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ rằng rất hiểu, trân trọng các nỗ lực và giúp đỡ  của lãnh đạo Chính phủ và Bộ, ngành hiện nay với nhiều công việc quan trọng phải thực hiện để đảm bảo tập trung chống dịch Covid-19. Tuy nhiên vì khó khăn nên bên cạnh việc nỗ lực để vượt khó, các doanh nghiệp cũng xin đề nghị lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm để các doanh nghiệp điện ảnh  có thể khôi phục và duy trì hoạt động sớm nhất.

TÂM AN

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top