Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nhà văn làm gì trong cơn bão Covid-19?

Thứ Tư 02/06/2021 | 10:22 GMT+7

VHO- Xin trả lời câu hỏi như nhan đề bài viết, nhà văn trước hết cũng là một công dân. Mà đã là công dân thì đều phải tuân thủ nghĩa vụ và trách nhiệm nghiêm túc các quy định phòng chống dịch do Nhà nước quy định...

Nhà văn Ngô Văn Giá: Đã mang tiếng là một nhà văn, cùng với nghĩa vụ công dân thì nhà văn phải có...nghĩa vụ của nhà văn nữa chứ

Nhưng đã mang tiếng là một nhà văn, cùng với nghĩa vụ công dân thì nhà văn phải có...nghĩa vụ của nhà văn nữa chứ? Một ý nghĩ như vậy, tưởng vu vơ nhưng không phải không có nghĩa lý! Bởi nhà văn hay nghệ sĩ nói chung, vẫn đứng cùng với nhân quần này, vẫn hít thở bầu khí quyển này, vẫn giữa lòng đời sống này... Đem theo tâm thế ấy, chắc mỗi nhà văn sẽ có mỗi tâm tư khác.

Với riêng tôi, tôi sống trong nhiều cảm xúc trái ngược. Lo lắng thì nhiều. Lo cho mình. Lo cho người thân. Lo cho cộng đồng. Lo cho quê hương, nơi mình từ đó mà đi ra với cuộc đời rộng lớn. Cứ thử giả định, một cách giả định không ai muốn, nếu tất cả đất nước này bị phong tỏa mà xem, ta sẽ thấy hậu quả khôn lường. Cuộc sống đang vận hành, bỗng bị tê liệt hoàn toàn. Theo đó, không biết những chuyện gì sẽ xảy ra...

Trở lại câu chuyện Nhà văn làm gì trong cơn bão Covid-19?

Có người nghĩ, sáng tác về đề tài chống covid là tốt nhất. Có thể như thế thật! Nhưng sáng tác đâu phải dễ, đâu phải cứ muốn mà có được. Nó phải có ý tưởng mới, cảm hứng mới, cách biểu đạt mới…để cuối cùng cho ra đời tác phẩm có một hiệu quả nghệ thuật mới. Chuyện này không dễ chút nào!

Về chuyện này có thể xảy ra mấy khả năng: Người sáng tác có thể viết ra được một tác phẩm hay, thậm chí xuất sắc (điều này ai cũng mong), nhưng cái hay, cái xuất sắc bao giờ cũng hiếm hoi; Hay chăng người ta có thể viết ra những tác phẩm tầm tầm, bảo đăng cũng được, bảo không đăng cũng chẳng thấy tiếc! Khổ nhất là ở lĩnh vực nào chứ trong lĩnh vực nghệ thuật, tác phẩm chất lượng trung bình đã bị coi là thất bại. Và trường hợp thứ ba là không viết được, hay nói đúng hơn là chưa viết được. Chuyện này cũng không sao, chưa thể nói được điều gì. Nếu nhà văn chưa thể viết được mà cứ cố viết, viết cho có, viết một cách dễ dãi thì lại chẳng bõ công!

Ở đây, tôi muốn nói tới vấn đề đề tài. Nếu người viết có cảm xúc thật, ý tưởng thật, cách biểu đạt mới thật thì tốt quá! Nhưng ở đây, thấy có một hiện tượng có tính phong trào, cứ nghĩ nhất thiết phải viết, thế nên dẫn đến tình trạng viết ra những vần thơ, những truyện ngắn nhạt nhẽo, do ý cũ, tình mòn, lối viết cũ. Những tác phẩm như vậy hầu như không có tác dụng, rất nhanh chóng bị chết yểu. Cảm xúc có tính công dân phải chín, phải nhuyễn, phải được chuyển hóa thành cảm xúc nghệ thuật. Khi ấy mới hy vọng thăng hoa thành câu chữ thuộc về nghệ thuật ngôn từ như nó cần phải thế.

Tôi có anh bạn là nhà văn Trương Văn Dân, có cô vợ người Ý tên là Elena (cũng là một nhà văn), cả hai sinh sống tại Việt Nam. Trong một lần về thăm lại nước Ý, Elena đã bị mắc kẹt ở giữa tâm dịch, không thể  trở về Việt Nam được. Ở tình thế như vậy, nhà văn Trương Văn Dân đã bằng mọi cách, làm việc với các hãng hàng không ở các quốc gia khác nhau, cuối cùng cũng bay đến được bên người vợ của mình. Nội câu chuyện ấy cũng khiến nhiều người cảm động. Nhưng không chỉ có vậy, trong khoảng hơn một năm sống tại vùng dịch của Ý, anh đã cho ra đời một tiểu thuyết đang rất gây chú ý có tựa đề “Trò chuyện với thiên thần” (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2020). Cuốn sách thông qua cuộc trò chuyện của cha mẹ với bào thai của mình về tình trạng con người hủy diệt thiên nhiên và nguy cơ đáng báo động trong một tương lai không xa về sự đào thải của tự nhiên, về những tai họa mà trái đất và con người phải đối mặt…

Thì ra, trong tư cách một nhà văn, tác giả Trương Văn Dân đã không bỏ phí thì giờ, không chìm vào những buồn chán, thất vọng…để âm thầm làm một công việc có ích nhất mà tư cách một nhà văn có thể làm được. Nhưng quả thật, để đạt được như thế, liệu có được mấy người…

Tôi quan sát thấy có một số cây bút viết dưới dạng nhật ký những ngày bản thân họ bị phong tỏa trong đợt chống dịch Covid-19. Những sách như vậy cũng có giá trị, ít nhất về mặt tư liệu nhân học.

Với riêng tôi, do tôi không phải là nhà văn thuần thành hiểu theo nghĩa chỉ sống duy nhất vào nghề viết, mà tôi còn là một nhà giáo ăn lương. Tôi viết nhiều thứ, cả viết văn và viết báo. Riêng văn chương tôi viết phê bình là chính, ngoài ra lại còn viết truyện ngắn, tản văn. Tôi cũng tự nhận thấy mình đợt này thuộc vào loại kém cỏi, chẳng viết được gì mấy. Không viết được, thì tôi xoay sang đọc. Đọc những quyển sách đã mua về và đọc cả những quyển cần đọc lại để nghĩ sâu hơn…Thôi thì tự nhủ, đọc cũng là cách để tích lũy cho sự viết lâu dài.

Để kết thúc bài viết nhỏ này, tôi muốn mượn lời một bài thơ dịch của Trương Văn Dân. Bài thơ này đã được anh công bố trên MXH Facebook, tiếc là anh không tìm được nguồn tác giả:

CHỦ VÀ KHÁCH

''Chúng ta ngủ trong một thế giới, và thức dậy trong một thế giới khác.

Bỗng dưng Disney đã hết phép màu,

Paris không còn lãng mạn,

Thành phố New York đang không thể đứng lên,

Trường thành Trung Quốc không còn là pháo đài,

Còn Mecca thì trống rỗng!

Ôm và hôn nhau bỗng nhiên trở thành vũ khí,

và không đến thăm cha mẹ hay bạn bè chợt trở thành hành động của yêu thương.

Bỗng nhiên bạn nhận ra rằng sức mạnh, sắc đẹp và tiền bạc không còn giá trị và không thể mang khí trời mà bạn đang cần.

Thế giới vẫn tiếp tục sống và nó luôn xinh đẹp. Nó chỉ nhốt loài người vào lồng.

Tôi nghĩ là nó đang nhắn tin cho chúng ta: "Bạn không cần thiết đâu. Không khí, Trái đất, Nước và Bầu trời vẫn ổn khi không có bạn.

Khi nào trở về nhà, hãy nhớ bạn là khách của tôi.

Và đừng tưởng mình là chủ!".

Milano 6.4.2020

Trương Văn Dân (Sưu tầm và dịch; tựa đề do người dịch đặt )

Nhà văn Văn GIá

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Print
Tags:

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top