Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phim trực tuyến: Bứt phá bằng gam màu lạ

Thứ Tư 02/06/2021 | 11:00 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà hát, rạp chiếu, khu vui chơi đóng cửa im lìm, việc ở nhà và theo dõi phim truyền hình hay chiếu mạng đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của khán giả. Những dự án phim trực tuyến “made in Vietnam” ngày càng được công chúng ưa thích, tìm kiếm.

 Tháng phim Varan 2020 mang chủ đề ”Nước và đồng bằng sông Cửu Long” sẽ mang đến cho khán giả những cái nhìn chân thật nhất về đất và người phương Nam

 Để làm phong phú thêm “thực đơn” trên bàn tiệc “giải trí”, các nhà làm phim đã mạnh dạn đưa phim tài liệu và phim ngắn kinh dị tiếp cận người xem thông qua nền tảng Youtube.

Phim tài liệu, tại sao không?

Vốn được coi là dòng phim truyền thống chỉ được chiếu trong các dịp kỷ niệm hay lễ tết, song, trong những năm gần đây, phim tài liệu đã có nhiều đột phá mới khi cho ra đời những tác phẩm được phổ biến rộng rãi và nhận được sự quan tâm của khán giả. Điển hình phải kể đến Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm), với cái nhìn trực diện, phản ánh thân phận những con người được coi là bên lề xã hội, bộ phim đã tạo nên cơn sốt phòng vé ngay sau khi ra rạp. Không những vậy, phim còn được giới chuyên môn đánh giá cao và tham gia tranh giải tại nhiều liên hoan phim quốc tế. Một bộ phim khác cũng tạo được dấu ấn đặc biệt là Lửa Thiện Nhân (đạo diễn Đặng Hồng Giang) kể về “chú lính chì dũng cảm” khiến hàng vạn con tim khán giả thổn thức. Dù số lượng phim tài liệu đạt được thành công còn rất khiêm tốn, nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của các nhà làm phim để thúc đẩy sự phát triển của dòng phim này.

Tín hiệu đáng mừng là hiện nay phim tài liệu đang được tập trung khai thác và có một bộ phận giới trẻ rất hào hứng với “mảnh đất màu mỡ” này. Trong đó phải kể đến những hoạt động làm phim tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) - Hội Điện ảnh Việt Nam, đây là tổ chức duy nhất ở nước ta mà các nhà làm phim trẻ có thể tìm đến để nhận được sự hỗ trợ, tài trợ về thiết bị, tài chính ở thể loại phim tài liệu và phim truyện ngắn. Tiếp nối những thành công trước đó, TDP đồng hành cùng tổ chức Varan Vietnam tổ chức chiếu series phim tài liệu Varan qua kênh Youtube của TPD. Tháng phim Varan 2020 mang chủ đề Nước và đồng bằng sông Cửu Long thể hiện qua 10 tác phẩm phim tài liệu. Các phim được thực hiện và hoàn thiện từ ngày 10.8.2020, trong khuôn khổ khóa học có tên Varan Mekong. 10 bộ phim được chiếu trong 5 ngày thứ Sáu kể từ 28.5 đến 25.6. Trong tuần đầu tiên, chương trình sẽ giới thiệu hai tác phẩm: Mùa hè! Nghiêm! (2016, đạo diễn Lê Thu Minh), câu chuyện xoay quanh lớp sinh hoạt hè do An, một đảng viên trẻ tuổi quản lý bằng những hy vọng sẽ tạo ra các hoạt động lành mạnh, nề nếp cho bọn trẻ tại một xóm nhập cư. Phim Sông đói (2020, đạo diễn Nguyễn Thị Yến Trinh), kể về cuộc sống của những người dân bên bến lở của một nhánh sông Mekong. Ở đó, đa phần họ mưu sinh nhờ nghề đánh bắt cá, nhưng dòng sông đã thay đổi, cá ít dần, phù sa suy giảm và tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Nghề truyền thống mất đi, đất đai, nhà cửa, mồ mả ông bà và cả những nếp sinh hoạt văn hóa... cũng dần bị trôi tuột xuống lòng sông “đói”.

Lấy bối cảnh và đặt mối quan tâm về cảnh quan và cuộc sống của người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long, 10 bộ phim là 10 góc nhìn, 10 câu chuyện thú vị mà các đạo diễn đã ghi lại trên mảnh đất phương Nam, hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem những cái nhìn rõ nét nhất về đời sống, văn hóa và con người ở miền sông nước qua những thước phim tài liệu khách quan, chân thực.

 Năm bộ phim xuất sắc của cuộc thi “Săn tìm đạo diễn phim kinh dị” đã chính thức ra mắt khán giả

Phim kinh dị “made in Vietnam”

Gần đây, dòng phim kinh dị Việt Nam có Thiên Linh Cái, Bắc Kim Thang hay Pháp sư mù là những cái tên nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của khán giả. Đặc biệt, năm 2021 có đến 7 dự án phim Việt đề tài kinh dị là Thiên thần hộ mệnh, Song song, Người lắng nghe, Vô diện sát nhân, Rừng thế mạng, Chuyện ma gần nhà, Bóng đè, thế nhưng dịch bệnh bùng phát, chỉ có 2 trong 7 bộ phim được ra rạp.

Trong khi nhiều dự án điện ảnh phải “đắp chiếu” thì 5 phim thành phẩm của cuộc thi “Săn tìm đạo diễn phim kinh dị” Lotte Entertainment Việt Nam, Anh Tễu Studio, SATE và HK Film tài trợ, phối hợp tổ chức và thực hiện từ cuối năm 2020 đã chính thức ra mắt, đó là Tiếng âm thầm (Lưu Nguyệt Đan Thanh), Ma da - nước lặng (Nguyễn Hữu Quốc Tuấn), Đường về nhà của người hộ tang (Đỗ Quốc Trung), Freak show - Lại mà xem (Lê Phương, Nguyễn Phước Hiếu) và Hồng y oán (Châu Trần). Ở đó, những nhà làm phim trẻ đã thể hiện tư duy đa dạng, mới mẻ khi lấy ý tưởng từ văn hóa và đời sống Việt như sự tích dân gian Sọ Dừa, những nhân vật đáng sợ trong tâm thức dân gian như ông Ba Bị, ma da… Đó là những hình tượng do họ liên tưởng rồi sáng tạo như chó ma, bộ tóc ma quái, âm thanh kinh dị từ chiếc máy trợ thính, thang máy…

Tiếng âm thầm lấy hình tượng máy trợ thính làm vật lan truyền những âm thanh ám ảnh khiến nhân vật hoảng loạn. Đường về nhà của người hộ tang quan tâm đến cuộc sống, số phận người làm nghề lái xe tang, đưa thi hài về nơi an nghỉ và những ám ảnh tâm lý của họ. Ma da thì như tên gọi, khai thác nỗi sợ hình tượng người chết đuối đầy bi thảm; cùng với đó, nhà làm phim kết hợp ý tưởng này với bối cảnh hiện thực là tình trạng ngập lụt, triều cường ở Sài Gòn. Trong buổi đánh giá, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã đánh giá cao các nhà làm phim trẻ đã biết khai thác những yếu tố dân gian, những chuyện ma, chuyện kinh dị được nghe kể vào thời thơ ấu nên đã khơi gợi và tạo được gần gũi với khán giả.

Trong thời điểm dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát và người dân phải tuân thủ nhiều nguyên tắc phòng chống dịch, việc ở nhà và theo dõi phim truyền hình hay trực tuyến trở thành lựa chọn không thể thiếu. Sự xuất hiện của phim tài liệu hay kinh dị ngắn sẽ tạo thêm thực đơn đa dạng, phong phú cho “bữa ăn” giải trí của khán giả Việt. Hơn thế nữa, đây cũng là cơ hội để các nhà làm phim trẻ mạnh dạn bứt phá để mở ra những hướng đi, những con đường mới đầy hấp dẫn phía trước. 

 BÁ TRƯỜNG

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top