Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Thách thức khi chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh

Thứ Hai 19/04/2021 | 11:11 GMT+7

VHO- Không chỉ điện ảnh Việt Nam, điện ảnh thế giới cũng luôn xem văn học như một “mỏ vàng” đầy tiềm năng. Tuy nhiên, thuận lợi này cũng đặt áp lực nặng nề lên vai các nhà làm phim và đạo diễn…

 Bộ phim “Chuyện của Pao” chuyển thể thành công từ tác phẩm văn học “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thúy

Bởi bên cạnh những tác phẩm thành công, thì cũng có không ít bộ phim đã thất bại ngay từ lúc vừa ra rạp với vô vàn lý do. Vậy đâu mới là công thức “vàng” của một bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ một tác phẩm văn học?

Văn học là nguồn nguyên liệu dồi dào…

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của điện ảnh Việt, có rất nhiều bộ phim hay được chuyển thể từ tác phẩm văn học, tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Có thể kể đến Chuyện của Pao (Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy), Hương Ga (Phiên bản của Nguyễn Đình Tú), Cánh đồng bất tận (từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư)... Cho đến các phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn chuyên viết cho tuổi mới lớn Nguyễn Nhật Ánh, như Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc đã đạt doanh thu “khủng” và tạo tiếng vang lớn, càng cho thấy văn học là nguồn chất liệu quý giá đối với điện ảnh.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm phim lựa chọn một tác phẩm văn học dày hàng trăm trang để chuyển thể thành bộ phim điện ảnh chỉ vỏn vẹn vài giờ đồng hồ. Trước hết là sự hấp dẫn của câu chuyện được kể trong tác phẩm, mang đậm hơi thở cuộc sống, hơi thở thời đại với những bài học về ý nghĩa nhân sinh. Đó chính là cái gốc để ê kíp sáng tạo dựa vào và thực hiện những bộ phim có giá trị; là chất liệu quan trọng để biên kịch trau chuốt và “nhào nặn” nên những nhân vật, những tình huống thật đời. Cùng với sự nổi tiếng trước đó của tác phẩm văn học, thì đây sẽ là một “điểm cộng” cho công tác quảng bá, đưa bộ phim đến gần hơn với công chúng. Điện ảnh lại có những thế mạnh riêng mà văn học không có, đó là khả năng “đánh mạnh” vào thị giác và thính giác người thưởng thức bằng ngôn ngữ của hình ảnh, âm thanh, dàn dựng, bối cảnh… Nếu ê kíp sản xuất phim làm tốt và biết cách khai thác hiệu quả cùng với sự cộng hưởng của độc giả trước đó, thì thành công là lẽ dĩ nhiên.

Hơn thế nữa, văn học Việt Nam có rất nhiều tác phẩm hay, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thế thì, trong tình hình thiếu vắng ý tưởng kịch bản như hiện nay, thay vì “remake” lại những bộ phim của nước ngoài, việc chuyển thể đưa các tác phẩm văn học Việt lên màn ảnh rộng để dễ dàng tiếp cận hơn với giới trẻ và bảo lưu được những giá trị văn hoá truyền thống là điều rất đáng khích lệ. Không thể phủ nhận, “kho báu” văn học đã cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho điện ảnh và cuộc “hôn phối” này đã mang đến nhiều thành tựu rực rỡ, nhiều cảm xúc đẹp cho công chúng.

… nhưng cũng là con dao hai lưỡi

Nói về các phim chuyển thể từ tác phẩm văn học mới đây nhất ở Việt Nam, phải kể đến Cậu Vàng, thế nhưng trái với mong đợi của khán giả, vừa mới phát hành ra rạp bộ phim đã ngay lập tức bị dư luận phản ứng gay gắt vì cách kể chuyện hời hợt kém duyên, thiếu nhất quán, “sạn cát” thì nhiều vô kể. Kết quả là Cậu Vàng phải dừng “cuộc chơi” sau một tuần thua lỗ nặng. Còn Kiều, trước đó được PR rầm rộ là sẽ bám sát kiệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du với tạo hình và không gian cổ xưa, nên khán giả đã rất tò mò và mong ngóng để được chiêm ngưỡng những nhân vật kinh điển “bước” từ trang sách lên màn ảnh như thế nào. Thế nhưng chỉ vừa ra rạp, phim đã phải nhận cả “cơn mưa” tiếng bấc, tiếng chì... Thế mới thấy, làm phim từ việc chuyển thể tác phẩm văn học cũng là con dao hai lưỡi. Nếu thành công thì hiệu ứng rất lớn, nhưng nếu thất bại thì cũng cay đắng vô cùng. Bởi, phần lớn khán giả đến với phim đã đọc, đã yêu, đã thích, đã say đắm tác phẩm văn học, chính vì thế sự chờ đợi của họ có phần kịch tính hơn, khắt khe hơn. Sự sáng tạo của tác phẩm điện ảnh nếu làm giàu có hơn tác phẩm văn học thì sẽ được chào đón và ngược lại nếu khai thác “chưa tới”, thậm chí phản cảm thì ê kíp sáng tạo sẽ lãnh đủ “gạch đá” từ dư luận.

Văn học và điện ảnh là hai loại hình nghệ thuật có đặc thù khác nhau. Chính vì đặc thù khác nhau nên rất cần đến sự sáng tạo của cả một ê kíp hùng hậu, từ khâu nội dung, bối cảnh đến phục trang, cộng với sự trợ giúp của kỹ thuật, công nghệ, khả năng biểu cảm của nghệ sĩ... tất cả đều quyết định đến sự thành bại của bộ phim. Tác phẩm văn học đã hoàn thành sứ mệnh của nó, nhưng tác phẩm điện ảnh phải bắt đầu một cuộc sống mới, vừa chuyên chở những tinh túy của văn học, vừa phải sáng tạo theo ngôn ngữ điện ảnh, làm sao để thuyết phục được cả khán giả và độc giả. Tâm lý người xem cũng là một yếu tố then chốt bởi đa số độc giả đều giữ tâm lý bảo thủ và không dễ chia sẻ với sự sáng tạo của đạo diễn nếu nó vượt quá ngưỡng mà họ muốn. Chính vì thế, đạo diễn cần phải thực sự tài năng để có thể tháo gỡ nút thắt bảo thủ đối với cuộc “hôn phối” này. Hơn thế nữa, muốn được đông đảo khán giả yêu thích và đón nhận, trước tiên các nhà làm phim cần coi đó là đứa con tinh thần của mình để dày công chăm chút chứ không chỉ “dựa hơi” để ăn theo sự nổi tiếng. 

HỒNG HẠNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top