Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Nhân lên niềm tin và sức mạnh ở “Ngôi nhà chung”

Thứ Sáu 16/04/2021 | 15:46 GMT+7

VHO- Sáng 16.4, Hội nghị tổng kết 5 năm (2015-2020) hoạt động hằng ngày của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được tổ chức, khai màn chuỗi hoạt động của sự kiện “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2021. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt dự và chỉ đạo Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt tại Hội nghị

Tham dự còn có lãnh đạo UBND các tỉnh Sơn La, Sóc Trăng; lãnh đạo Sở VHTTDL một số địa phương có đồng bào tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, các đơn vị chức năng thuộc…

 “Địa chỉ đỏ” của 54 dân tộc anh em

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong không khí tháng 4 với đầy ắp những sự kiện chính trị quan trọng, ngành VHTTDL cũng đã triển khai nhiều nhiệm vụ lớn, cùng toàn Đảng, toàn dân xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, nhiệm vụ đặt ra đối với toàn ngành là cùng với các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường; phát huy “sức mạnh mềm” của văn  hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong triển khai thực hiện những nhiệm vụ chung và riêng đó, ngành VHTTDL phải bám sát các sự kiện, ngày truyền thống để tổ chức có ý nghĩa thiết thực. Trong đó, các hoạt động kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4 có ý nghĩa quan trọng.

Toàn cảnh Hội nghị

“ Lãnh đạo Bộ đã trăn trở phải làm như thế nào để tổ chức sự kiện này thiết thực, hiệu quả. Đây không phải là một diễn đàn, hội nghị hoành tráng mà quan trọng là phải chú ý đến nội dung và cách tiếp cận…”, Bộ trưởng lưu ý.

Chính vì vậy, Bộ VHTTDL đã lựa chọn hai loại hình hoạt động. Thứ nhất, cùng với 12 tỉnh có đồng bào các dân tộc đang sinh sống và hoạt động tại Làng để nhìn lại quá trình 5 năm qua, thực hiện mục tiêu để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Từ đó, xem xét những mặt được, những khó khăn và góp phần xây dựng Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng tốt hơn. Đồng thời, bàn về lộ trình để có thêm nhiều tỉnh, thành có đồng bào dân tộc về sinh sống tại đây .

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt và các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ hai, khởi động và tổ chức các hoạt động của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19.4, mà trọng tâm xuyên suốt là để các chủ thể giới văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Qua đó, góp phần tôn tạo, giữ gìn nét đẹp, giá trị đặc sắc của văn hóa các dân tộc; thấy được sự đa dạng trong chỉnh thể thống nhất của văn hóa Việt Nam để từ đó, nhân lên niềm tin và sức mạnh.

Bộ trưởng đề nghị Hội nghị thảo luận sâu, kỹ và đóng góp những tiếng nói thiết thực. Trong 5 năm, các nhóm nghệ nhân đại diện một số cộng đồng dân tộc đã về “Ngôi nhà chung”, tham gia các hoạt động hàng ngày tại Làng. Những giá trị tiêu biểu, tinh túy và mang hồn cốt của văn hóa các dân tộc đã và đang tạo nên những lát cắt sống động, tái hiện chân thực cuộc sống, sinh hoạt và những phong tục tập quán của đồng bào. Bộ trưởng lưu ý, ghi nhận những kết quả nhưng cũng cần nghiêm túc nhìn lại để đánh giá, rút ra giải pháp để hạn chế, khắc phục khó khăn. Từ những ý kiến tại Hội nghị để đưa ra kiến nghị về chính sách, từ đó lãnh đạo Bộ báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho phép duy trì mô hình hoạt động tại Làng ở cấp độ nào.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị

“Làm sao để những khu làng các dân tộc tái hiện đúng nghĩa những không gian bản làng ở các địa phương nhưng vẫn giữ trọn vẹn bản sắc, không bị lẫn vào bối cảnh cuộc sống đô thị phồn vinh. Điều đó đòi hỏi trách nhiệm lớn của chúng ta…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

 Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng đó, Bộ trưởng lưu ý, cần tôn vinh những nét văn hóa tinh túy, biểu trưng văn hóa của từng dân tộc dưới “mái nhà chung” này. Nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, vẻ đẹp tinh túy của vùng Tây Bắc…,  phải được gìn giữ, phát huy để văn hóa quyện hòa với thiên nhiên. Trong không gian ấy, phải tái hiện để phát huy đầy đủ những giá trị về cuộc sống, sinh hoạt của người dân, chứ không đơn thuần chỉ là một ngôi nhà Rông, hoặc một ngôi chùa…

Cũng theo Bộ trưởng, việc đưa đồng bào ra tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng cần quan tâm đến liên kết trách nhiệm của địa phương với Bộ, Làng như thế nào.  5 năm qua, các địa phương đã cùng  với Bộ hỗ trợ, chăm lo gì cho cộng đồng? Sắp tới, các hoạt động kết hợp sẽ được triển khai ra sao?  Bộ trưởng mong muốn các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp, cùng Bộ VHTTDL đồng hành và chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy đóng góp ý kiến 

“5 năm qua chúng ta đã có những thành công nhất định nhưng cũng còn có nhiều vấn đề đặt ra. Mong rằng ở Hội nghị này, chúng ta sẽ lắng nghe cộng đồng các dân tộc gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng gì. Chúng ta luôn trân quý những công lao, đóng góp của đồng bào với tư cách là chủ thể văn hóa giới thiệu về văn hóa, nhưng đằng sau đó còn có những điều gì? Hi vọng ở hội nghị này  sẽ  đưa ra giải pháp để mỗi địa phương khi đưa đồng bào đến Làng sinh sống đều là một hình ảnh tiêu biểu cho địa phương đó, với những nét văn hóa đặc sắc, gắn với văn hóa để quảng bá về du lịch. Không nơi nào tốt hơn bằng người thật việc thật, có sự hiện diện của đồng bào các dân tộc, để từ đây, Làng trở thành “địa chỉ đỏ” của 54 dân tộc anh em”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Lan tỏa các giá trị văn hóa cộng đồng

Nhìn lại 5 năm qua,  nhiều hoạt động thường xuyên được đồng bào các dân tộc tổ chức, tái hiện tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động thường xuyên của đồng bào các dân tộc  đã tạo sức sống mới cho ngôi làng, thu hút ngày càng đông khách du lịch. Lượng khách từ 250 nghìn lượt khách năm 2015, đến năm 2018 đã tăng lên 550 nghìn lượt, năm 2019 đón tiếp 500 nghìn lượt khách. Tuy nhiên đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách đến Làng chỉ khoảng 170 nghìn.

NNƯT Y Sinh, Trưởng nhóm nghệ nhân dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kom Tum, hiện đang sinh sống tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam

Trong 5 năm, 16 nhóm cộng đồng các dân tộc đã về tham gia nhiều hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung”. Theo Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, BQL đặc biệt quan tâm đến các nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số ít người (dưới 10.000 người), vì vậy đã phối hợp cùng với địa phương kết nối đưa các nhóm cộng đồng dưới 5.000 người về tham gia hoạt động tại Làng, nhằm giúp đồng bào có môi trường thực hành văn hóa của cộng đồng mình. Trong quá trình hoạt động, đồng bào dân tộc đã tự tin tái hiện đời sống sinh hoạt, giới thiệu không gian văn hoá của dân tộc mình, trình diễn các hoạt động dân ca, dân vũ giao lưu với du khách tham quan.

BQL Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn tạo điều kiện để luân phiên đồng bào về thăm gia đình, luôn động viên kịp thời đối với các trường hợp điều kiện gia đình khó khăn và diện gia đình đặc biệt tại địa phương; quan tâm gắn kết, nắm bắt tâm tư tình cảm của các nhóm nghệ nhân để giải quyết các vấn đề vướng mắc.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các địa phương

Thực tiễn hoạt động của các nhóm đồng bào trong 5 năm qua bước đầu đã nhận được sự đón nhận, hưởng ứng, quan tâm của du khách. Những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc đã cùng cộng hưởng, lan tỏa dưới “mái nhà chung”, thông qua các hoạt động chân thực, sống động được tái hiện dưới mỗi nếp nhà và trong những không gian văn hóa chân thực, ngày càng cuốn hút.

Tại Hội nghị, đồng bào các dân tộc, các nghệ nhân cũng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sinh sống tại Làng, từ đó đề cập đến những nguyện vọng, mong muốn nhằm tiếp tục tôn vinh những bản sắc văn hóa độc đáo, phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, gắn kết và phát triển du lịch.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các cá nhân

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt ghi nhận Hội nghị đã diễn ra nghiêm túc, với nhiều nội dung và các ý kiến đóng góp tích cực. Nhiều vấn đề đã được các đại biểu, lãnh đạo các địa phương, các nhà nghiên cứu... tham gia đóng góp để từ đó, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp thu, tổng hợp, báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Theo Thứ trưởng, một số vấn đề được thể hiện trong các ý kiến ở tầm vĩ mô, cần có sự vào cuộc của các Bộ, Ban, ngành liên quan và các địa phương.  Vấn đề chính là làm sao để Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam phát triển, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của đồng bào các dân tộc và đông đảo du khách. Điều này sẽ được khái quát, thể hiện thông qua tái hiện không gian văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc tại Làng.

BQL Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam trao tặng Bằng khen cho các cá nhân

 Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng yêu cầu Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam cùng các địa phương, đơn vị liên quan rà soát lại một cách cơ bản và lâu dài, kết hợp nguồn lực Nhà nước và xã hội để có những giải pháp hiệu quả. Theo Thứ trưởng, Quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL và UBND  các địa phương trong công tác chỉ đạo, huy động đồng bào về tổ chức hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam là cái “bắt tay”  chặt chẽ, thể hiện sự cam kết của địa phương nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp giới thiệu, phát triển văn hóa du lịch của cộng đồng các dân tộc.

Cũng trong sáng 16.4. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật khai mạc “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2021”, diễn ra tối 16.4 tại Quảng trường Khu các làng dân tộc III, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam. Nhấn mạnh đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Bộ trưởng yêu cầu công tác chuẩn bị cần chu đáo, đảm bảo chất lượng và tiến độ, đáp ứng yêu cầu tôn vinh những giá trị văn hóa của các dân tộc anh em dưới “mái nhà chung” Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam.

PHƯƠNG ANH- VŨ MỪNG; ảnh : TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top