Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Viết tiếp bài di tích quốc gia chùa Đậu bị “thanh xuân hóa”: Chính quyền “bất lực” hay thờ ơ?

Thứ Sáu 16/04/2021 | 11:34 GMT+7

VHO- Như Văn Hóa đã đề cập trong những số báo trước, tình trạng “thanh xuân hóa”, làm sai lệch nguyên gốc khi tu bổ đang diễn ra tại di tích quốc gia chùa Đậu đã khiến dư luận và các nhà chuyên môn không khỏi “choáng váng”. Câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” vì sao lại có thể diễn ra công khai tại một di tích chỉ cách trung tâm Hà Nội vẻn vẹn 20 cây số?

 Đoàn kiểm tra của Bộ VHTTDL đối chiếu vị trí các hạng mục công trình trên sơ đồ tham quan tại di tích

Chính quyền địa phương chia sẻ sự bất lực khi không nhận được sự hợp tác từ phía nhà chùa, nhưng theo chúng tôi, mấu chốt ở đây chính là sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ và vô cảm trước số phận của một di tích đã được định danh là tài sản quốc gia từ năm 1964.

Kết quả thanh tra tại di tích quốc gia chùa Đậu do Thanh tra Bộ VHTTDL và Cục Di sản văn hóa tiến hành được Văn Hóa đã phản ánh trong số báo 3553 (ra ngày 14.4) khẳng định, công trình với tên Giảng đường theo sơ đồ của chùa là công trình xây mới, xây dựng không phép. Bên cạnh đó, các hạng mục Cổng vào liền kề Tả vu, nhà khách cũng được xác định là do nhà chùa tự ý xây dựng, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về di sản văn hóa.

Ba hạng mục công trình xây mới hoành tráng, bê tông hóa lừng lững ở khu vực hồ nước, gồm: Tháp Quan âm, Bảo tháp Mạn đà la, Thủy đình di lặc… thì chưa xác định được có nằm trong vùng bảo vệ di tích? Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi Nguyễn Trường Xuân, đây là phần đất ruộng được sư trụ trì mua lại của bà con nhân dân để mở rộng không gian di tích. Mặc dù chính quyền đã nhiều lần nhắc nhở sư trụ trì cần thực hiện đúng quy định của pháp luật nhưng nhà chùa vẫn làm ngơ, tiếp tục xây dựng. Theo đoàn kiểm tra, việc những công trình xây mới này nếu xét thấy có khả năng ảnh hưởng tới di tích chùa Đậu thì bắt buộc phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ VHTTDL theo quy định.

 Đoàn kiểm tra đối chiếu hồ sơ quản lý di tích và phát hiện không có Biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích

Một điều thật lạ lùng, hay có thể nói là hi hữu trong công tác quản lý tại di tích quốc gia này là chính quyền địa phương lại không có đủ hồ sơ quản lý di tích được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích. Cho nên, cũng chẳng có gì là lạ khi hàng loạt những sai phạm lại có thể diễn ra ngang nhiên ở đây trong một thời gian dài đến thế. Cho đến thời điểm kiểm tra, vẫn còn có ý kiến cho rằng nhà Giảng đường được xây dựng trên đất ao, ruộng trước đó. Đoàn kiểm tra đối chiếu hồ sơ xếp hạng di tích năm 1964 cùng hồ sơ địa chính xác lập năm 1993 và khẳng định công trình mới này nằm trong vùng bảo vệ II của di tích. Chưa kể, nhà Giảng đường chỉ cách Tam bảo, nhà Tiền đường, nhà Tổ, những hạng mục di tích cổ có một bức tường. Với kết cấu cột thép cuốn tròn, vì kèo sắt, mái lợp ngói Tây đã ảnh hưởng không nhỏ đến không gian, cảnh quan kiến trúc di tích. Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành, vì thiếu biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích nên chưa thể xác định được các công trình xây trên phần hồ, bãi xe nằm ở khu vực nào. Cơ quan chức năng của Bộ sẽ có ý kiến chỉ đạo đối với Sở VHTT Hà Nội để phối hợp với chính quyền địa phương đối chiếu biên bản khoanh vùng bảo vệ năm 1964, qua đó xác định rõ những công trình đó nằm ở khu vực nào của di tích và đưa ra kết luận là có vi phạm hay không.

Bên cạnh những nội dung sẽ cần phải tiếp tục phải làm rõ, ông Trần Đình Thành nêu, chùa Đậu đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1964, trải qua các giai đoạn, đây là di tích được Nhà nước, chính quyền và nhân dân địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư, tu bổ. Tuy nhiên, khi công cụ quản lý nhà nước là biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích không hoàn thiện thì việc quản lý di tích sẽ rất khó. “Thực tế kéo dài nhiều năm cho thấy cơ quan quản lý các cấp của địa phương chưa làm tốt trách nhiệm quản lý di tích. Chúng ta quản lý bằng cái gì? Bằng hồ sơ, bằng các quy định pháp luật, bằng bộ máy đã có từ xưa đến nay. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại mà biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích không đầy đủ, không sử dụng được thì có nghĩa cũng chẳng thể quản lý được vẹn toàn. Đó là trách nhiệm không thể chối cãi của các cơ quan quản lý...”, ông Thành nhấn mạnh.

 Choáng với công trình nhà Giảng đường xây không phép trên khu vực II bảo vệ di tích

Lý giải của chính quyền xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín đều có ý phân bua nguyên nhân dẫn đến câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” ở đây là bởi không nhận được sự hợp tác của nhà chùa, kể cả khi chính quyền đã nhắc nhở, “tuýt còi”. Nhưng xin thưa, viện dẫn sự “bất lực” như thế là không thể chấp nhận. Nguyên Phó giám đốc Sở VHTT Trương Minh Tiến, nay là Ủy viên BCH Hội Di sản văn hóa Việt Nam bức xúc, việc để thiếu hồ sơ địa chính khoanh vùng di tích là lỗi của địa phương. “Trước đây, do yếu tố lịch sử khi xếp hạng di tích chưa hoàn thiện hồ sơ, hồ sơ địa chính năm 1993 chưa đủ các cấp phê duyệt là không được công nhận đúng cơ sở pháp lý. Đáng ra trong đợt tiến hành kiểm kê di tích của Hà Nội thì địa phương phải có đề xuất hoàn thiện những vấn đề còn thiếu trong quản lý di tích, trong đó có sơ đồ khoanh vùng bảo vệ”, theo ông Trương Minh Tiến. Chưa kể, theo nguyên Phó giám đốc Sở, việc chùa Đậu làm hồ sơ xếp hạng quốc gia đặc biệt thì bắt buộc phải có hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích.

Càng đi sâu vào diễn biến tại chùa Đậu, dư luận càng đặt ra câu hỏi, tại sao ở một di tích cấp quốc gia được phong là “đệ nhất danh lam”, cách trung tâm Hà Nội 20km lại dễ dàng để xảy ra những vi phạm như vậy? Phó Cục trưởng Trần Đình Thành nhấn mạnh, Bộ VHTTDL mong muốn nhà chùa hợp tác cùng chính quyền địa phương, nhân dân để có trách nhiệm bảo vệ di tích tốt hơn. Không thể coi chùa là của các sư mà là của cộng đồng, là tài sản quốc gia. “Khi can thiệp vào ngôi chùa cổ, có thể nhà chùa hay chính quyền địa phương chưa nhận ra mức độ ảnh hưởng. Để xảy ra tình trạng xây dựng những công trình trái phép cho thấy có trách nhiệm của nhà chùa đối với việc bảo vệ di tích”, ông Thành khẳng định. Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Trần Kim Hậu, Thanh tra Bộ cùng cơ quan chức năng là Cục Di sản văn hóa lập tức vào cuộc nhằm thực thi trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với di tích được xác định là tài sản quốc gia. Những vấn đề tồn tại, sai phạm trong quá trình tu bổ di tích sẽ được tổng hợp, báo cáo tham mưu lãnh đạo Bộ có biện pháp xử lý kịp thời. Sai ở đâu sẽ xử lý ở đó.

Được biết, hôm nay, 16.4, Thanh tra Bộ VHTTDL sẽ chủ trì, mời BQL di tích, sư trụ trì chùa Đậu tiếp tục làm việc về những vấn đề liên quan. 

 Thực tế kéo dài nhiều năm cho thấy cơ quan quản lý các cấp của địa phương chưa làm tốt trách nhiệm quản lý di tích. Chúng ta quản lý bằng cái gì? Bằng hồ sơ, bằng các quy định pháp luật, bằng bộ máy đã có từ xưa đến nay. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại mà biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích không đầy đủ, không sử dụng được thì có nghĩa cũng chẳng thể quản lý được vẹn toàn. Đó là trách nhiệm không thể chối cãi của các cơ quan quản lý....

(Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa TRẦN ĐÌNH THÀNH)

NGÂN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top