Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Để không “chảy máu” nguồn nhân lực

Thứ Sáu 09/04/2021 | 11:31 GMT+7

VHO- Du lịch có dấu hiệu hồi phục khi dịch bệnh đang kiểm soát tốt ở Việt Nam, khách đông trở lại nhưng các doanh nghiệp du lịch hiện đang rất lo lắng vì thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn nhân lực trong ngành đã giảm quá nhiều.

Các doanh nghiệp du lịch đã đón khách nội địa trở lại Ảnh: HOÀNG QUÂN

Đặc biệt, năm 2020 là một năm khó khăn đối với nhiều ngành nghề do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng có thể nói, ngành Du lịch là ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất. Các chỉ số tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng: Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa ước đạt 55 triệu lượt, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch năm 2020 ước đạt 320.200 tỉ đồng, giảm 54% so với năm 2019.

Có thời điểm mất 90%

Trong lĩnh vực lữ hành, các doanh nghiệp - lực lượng nòng cốt của ngành Du lịch là một trong những đối tượng trực tiếp chịu tác động tiêu cực nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Năm 2020, chỉ có 201 doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép, giảm hơn 1/3 so với số cấp mới năm 2019 (725 doanh nghiệp) trong khi số doanh nghiệp xin thu hồi tăng gấp 3 lần. Năm 2020 đã có trên 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa. Các doanh nghiệp lớn chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Có thời điểm 90% doanh nghiệp lữ hành, khách sạn phải ngưng hoạt động, 80-90% lao động nghỉ việc, mất việc hoặc giảm giờ làm, làm việc luân phiên. Nhiều lao động đã phải chuyển nghề sang kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Khi hoạt động du lịch trở lại, các doanh nghiệp lại lo lắng vì nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có tay nghề như hướng dẫn viên, quản lý khách sạn, nhà hàng…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp trong ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang trăn trở việc phải có chính sách hỗ trợ của nhà nước để giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng tốt, tay nghề tốt. “Nhưng làm sao để giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao là bài toán không dễ tìm câu trả lời”, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt đặt vấn đề này trong đề xuất về chính sách hỗ trợ của nhà nước để doanh nghiệp du lịch hồi phục. Vì phải nhìn thấy rõ một điều, ngành Du lịch không biết tới khi nào mới hồi phục hoàn toàn và mỗi lần bùng phát dịch thì lực lượng lao động lại giải quyết ra sao? Việc tiếp tục hoạt động trong ngành Du lịch có đủ để đảm bảo thu nhập, cuộc sống của lao động trong ngành không?

Tìm cách giữ chân

Hiện rất nhiều hướng dẫn viên, người làm trong ngành Du lịch có tay nghề, có kinh nghiệm nhiều năm bị nghỉ việc, cắt giảm giờ làm hoặc đã chuyển nghề. Khi có khách trở lại, nhiều công ty gọi về làm nhưng không được vì các lao động đó đã thích ứng, phù hợp với công việc mới, thu nhập ổn định hơn. “Nhiều doanh nghiệp đề nghị chính sách hỗ trợ của nhà nước cần tập trung để cứu những doanh nghiệp có thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt là có chính sách để doanh nghiệp có thể giữ chân người lao động có tay nghề, không bị “chảy máu” nguồn nhân lực, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực mới chất lượng cao”, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng (VCTC) cho biết.

Mới đây, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, bà Lê Thị Thanh Hoà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VCTC đại diện cho Hội ký kết hợp tác với Trường Đại học Hà Nội về việc phối hợp cùng nâng cao hiệu quả hoạt động của các bên, đóng góp vào sự phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp và bền vững của thị trường nhân lực Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nhân lực du lịch. Trong đó, nội dung hợp tác tập trung đào tạo sinh viên và đào tạo lại nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo. Đẩy mạnh hợp tác trong việc tuyển dụng, giới thiệu và cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp trong quá trình thu thập tư liệu học tập, kiến tập, thực tập, nghiên cứu. Phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, các hoạt động khác do hai bên đề xuất và thống nhất liên quan đến mối quan hệ sinh viên và doanh nghiệp.

“Năm 2021 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021- 2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Với vai trò là một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân, chiếm đến 9,2% GDP, Du lịch Việt Nam hơn lúc nào hết rất cần được hỗ trợ duy trì, phục hồi. Đây là bước đệm để đến năm 2030, Du lịch Việt Nam phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị đã xác định. Ngành Du lịch cũng chủ động, chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ khách du lịch khi du lịch trở lại hoạt động bình thường”, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Trong đề xuất mới đây nhất về các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, Bộ VHTTDL đã kiến nghị nhiều nội dung, trong đó có các nội dung liên quan trực tiếp đến người lao động trong ngành Du lịch. Cụ thể là Bộ VHTTDL đề xuất cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp; xem xét điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện. Đề xuất xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ cho đối tượng được đề cập tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…

 THUÝ HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top