Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Lễ Kỳ yên ở đình Trường Thọ

Thứ Hai 29/03/2021 | 15:03 GMT+7

VHO - Ngày 29.3, tại Di tích lịch sử - văn hóa đình Trường Thọ (TP.HCM) đã diễn ra đại lễ Kỳ yên. Đình Trrường Thọ là nơi thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh. Đại lễ Kỳ yên nơi đây diễn ra trong hai ngày 28-29.3 (nhằm 16-17 tháng 2 âm lịch). Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 nên đình không tổ chức múa lân để tránh tập trung đông người.

Cũng giống như những ngôi đình khác ở Việt Nam, đình Trường Thọ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng cư dân địa phương, nơi người dân thể hiện ước vọng về cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa. Vì vậy, họ tôn thờ nhiều vị thần khác nhau với một lòng thành kính, lễ độ. 

Đình Trường Thọ tọa lạc tại TP.Thủ Đức, là di tích có những giá trị về kiến trúc nghệ thuật đặc sắc

Theo lời truyền khẩu của dân gian, thần Thành hoàng bổn cảnh của đình Trường Thọ là vị quan Châu Văn Tiếp - một danh tướng dưới thời Nguyễn Phúc Ánh. Ông được người đời xưng tụng là một trong "Tam hùng Gia Định", sau khi mất được dân làng lập đình thờ cúng và vua Khải Định sắc phong “Đương Kim Bổn Cảnh Thành Hoàng Đại Vương Tôn Thần”, tức vị thần linh phù trợ cho dân trong làng. Dưới thời Pháp thuộc, đình Trường Thọ thuộc làng Trường Thọ, xã Phước Long, tổng An Điền, tỉnh Gia Định. Sau ngày 30.4.1975, đình Trường Thọ thuộc ấp Trường Thọ, xã Phước Long, huyện Thủ Đức, nay là phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức. Trải qua thời gian dài xây dựng (1888), nhưng đến nay, đình Trường Thọ vẫn bảo lưu được những giá trị về kiến trúc nghệ thuật và được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia vào năm 2002. 

Đại lễ Kỳ yên được tổ chức vào hai ngày 16, 17 tháng 2 âm lịch, là lễ lớn nhất trong năm của đình

Có thể nói, đình Trường Thọ là một ngôi đình khá tiêu biểu về kiến trúc và cách bài trí cho một ngôi đình ở Nam bộ. Qua khảo sát tại đình cho thấy, nơi đây còn lưu giữ khá nhiều dạng thức tín ngưỡng xưa, cụ thể trong sân đình, sau bình phong là nơi thờ Bạch Mã, cùng các miếu Sơn Quân, Chiến sĩ trận vong và thập loại Cô Hồn, Ngũ Hành nương nương, Thần Nông. Còn trong chánh điện, khám thờ thần Thành hoàng được đặt ở gian giữa, ngoài bài vị ghi chữ Thần bằng chữ Hán, còn có tượng cốt thần ở tư thế ngồi trang nghiêm, mình mặc phẩm phục, đầu đội mão, chân mang hia, tay phải cầm hốt cao ngang ngực, tay trái nắm đai, tượng cao 1m, được đặt thờ vào năm 1999. Hai bên là bàn thờ Tả ban, Hữu ban. Hậu điện, tức gian nhà phía sau chính điện là nơi đặt thờ Tiền đại viên quan, Tiền đại hương chức. Đối diện các bàn thờ này là trang thờ Bổn thôn hội đồng. Ngoài ra, các hoành phi, câu đối bằng chữ Hán trong đình đều thể hiện khát vọng cầu cho phong điều vũ thuận, quốc thái dân an và ca ngợi công đức của thần. 

Người dân đến cầu an tại khu vực thờ Bạch Mã trong sân đình

Theo Lý lịch di tích đình Trường Thọ, đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, đó là: 3 khám thờ chạm long phụng sơn son thếp vàng; 1 cái tợ để tế heo chạm hai đầu rồng bằng gỗ rất độc đáo; 2 bàn thờ vọng được chạm khắc tinh xảo thể hiện hoa lan và long ngọa; 1 Long đình hình vuông, dùng để thỉnh và hoàn sắc trong những ngày lễ lớn; 10 bức hoành phi;… Nhưng đặc biệt nhất ở đình, có lẽ là mõ gỗ, đây là một trong những chiếc mõ độc đáo ở đình làng TP.HCM, làm bằng gỗ quý, khoét rỗng ruột, bề mặt sơn màu đỏ, hai đầu có chạm nổi hình đầu rồng thếp vàng, hai chân giá đỡ khắc chìm cặp câu đối bằng chữ Hán. Các cụ bô lão trong đình cho biết, chiếc mõ này chỉ được đánh mỗi năm một lần vào dịp Đại lễ Cầu an (tháng 2 âm lịch), tiếng của nó trong và vang xa hàng cây số. Đây được xem là chiếc mõ cổ nhất trong số những chiếc mõ ở các đình làng của TP.HCM, được đưa vào tập 3 bộ sách “Những kỷ lục Việt Nam” năm 2004.

Đình Trường Thọ không chỉ là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng đơn thuần mà còn là chứng nhân của lịch sử

Sự ra đời của đình Trường Thọ không chỉ là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng đơn thuần mà còn là chứng nhân của lịch sử vào cuối thế kỷ XIX và đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Theo tài liệu ghi chép, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khu vực này là rừng rậm, cây cối um tùm nên đình Trường Thọ trở thành cơ sở để các chiến sĩ du kích làm nơi hội họp, luyện tập vũ khí, tạm lánh khi bị động. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình Trường Thọ là nơi chứng kiến sự anh dũng chiến đấu của Nhân dân địa phương với những chiến công vẻ vang, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc, thống nhất đất nước.

Lễ Kỳ yên nhằm mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt

Trong năm, đình Trường Thọ có khá nhiều lễ, nhưng được xem lớn nhất, là đại lễ Kỳ yên được tổ chức vào hai ngày 16, 17 tháng 2 âm lịch. Theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức giải thích: Lễ Kỳ yên gồm lễ Thượng điền và lễ Hạ điền, người xưa thường chọn mùa xuân và mùa thu để tổ chức lễ hội theo câu “xuân cầu thu báo” với ý nghĩa mùa xuân thì tế lễ cầu nguyện, mùa thu thì tế lễ tạ ơn. Các nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường cho hay, Lễ Kỳ yên Thượng điền hay Hạ điền đều nhằm mục đích cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, do vậy nhiều làng cứ ba năm một lần lấy ngày lễ Hạ điền hay Thượng điền làm lễ Kỳ yên, lời tục thường nói “Tam niên đáo lệ Kỳ yên”. Về sau, tục này vẫn bảo lưu nhưng lại hiểu cứ ba năm thì hai năm làm lễ nhỏ và năm thứ ba làm lễ Kỳ yên trọng thể hơn, có đủ nghi tiết, có mời gánh hát Bội về hát chầu và cúng thần…

Người dân đến viếng đình trong ngày đại lễ Kỳ yên

Có thể thấy, điều khác biệt trong mỗi dịp lễ Kỳ yên ở đình Trường Thọ so với nhiều ngôi đình khác ở Nam bộ, đó là đình không tổ chức hát Bội, không có đào thài do “kiêng kỵ với thần linh”, nhưng các nghi thức tế lễ, dâng rượu, học trò lễ đọc văn tế… vẫn diễn ra cầu kỳ, trang trọng theo đúng trình tự.
Lễ Kỳ yên nói chung là lễ hội dân gian truyền thống, được hình thành từ xa xưa và gắn liền với những thăng trầm trong lịch sử - văn hóa dân tộc. Qua thời gian, dưới sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, lễ hội Kỳ yên đã có những thay đổi ít nhiều cho phù hợp thời cuộc. Và lễ hội Kỳ yên đình Trường Thọ cũng là một trong những trường hợp như thế.

NGUYỄN THÁI HÒA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top