Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Góc nhỏ thân thương nơi “Cầu thang văn hóa”

Thứ Hai 29/03/2021 | 11:32 GMT+7

VHO-  Khác với hình dung thường có về những cầu thang chật chội, ẩm thấp, tối tăm ở nhiều khu tập thể cũ, ai đã từng nhìn thấy “Cầu thang văn hóa” ngay giữa thủ đô Hà Nội (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) đều bị thu hút bởi sức sống mà mô hình này mang lại trong xây dựng đời sống văn hóa cộng đồng.

  

 Góc nhỏ thân thương nơi “Cầu thang văn hóa”

 Từ địa chỉ đầu tiên, đến nay mô hình “Cầu thang văn hóa” đã được nhân rộng khắp trên địa bàn Thủ đô. Không quá lời nếu gọi những không gian nhỏ trong “Cầu thang văn hóa” là điểm đến yêu thích của tất cả mọi người. Khi ngoài đường phố là đủ mọi âm thanh hỗn tạp, là guồng sống gấp gáp thì nhà A3, tổ dân phố 17, phường Nghĩa Tân, nơi khởi xướng mô hình “Cầu thang văn hóa” đã mang đến một cảm giác “sống chậm”, thư thái và an bình. Chỉ vỏn vẹn chưa đến hai chục mét vuông, không gian xinh xắn này được sắp xếp như một thư viện thu nhỏ, sách báo được bày biện ngăn nắp, có bảng thông tin, bàn ghế gọn gàng. Điểm đặc biệt là cái góc nhỏ ấy không chỉ thu hút những người lớn tuổi mà cả đám trẻ cũng xem là chỗ vui chơi, giải trí sau giờ học, giờ làm.

Năm 1999, xuất phát từ sáng kiến của một nhóm cư dân nhằm giữ gìn không gian chung sạch đẹp, không bị chiếm dụng cho mục đích cá nhân, nhà A3 đã thống nhất xây dựng điểm đọc sách báo, tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cho cư dân tại sảnh chính. Từ chủ trương đó, mỗi người một tay đóng bàn ghế, mua sách báo, dọn dẹp, sắp xếp... và mô hình “Cầu thang văn hóa” đã nhanh chóng đi vào hoạt động.

Xác định duy trì lâu dài mô hình “Cầu thang văn hóa”, cư dân nơi đây cũng soạn thảo nội quy, niêm yết đầy đủ các quy định về việc luân phiên dọn dẹp vệ sinh; ngăn chặn quảng cáo, rao vặt trái phép; không tận dụng cầu thang làm điểm kinh doanh, để đồ cá nhân; đi nhẹ, nói khẽ… Khu nhà có cầu thang, sảnh vào khá rộng nên trước đây thường bị tận dụng làm nơi để xe, tập kết rác thải lộn xộn, mất mỹ quan, chưa kể kẻ gian thường xuyên rình mò, trộm cắp. “Cầu thang văn hóa” ra đời đã làm thay đổi đời sống văn hóa tinh thần của người dân với những buổi sinh hoạt văn hóa thường ngày diễn ra tại đây. Bà Lan, cư dân của khu nhà vui vẻ cho biết, những người lớn tuổi rất yêu thích không gian này. Khi rảnh rỗi, đó là điểm đến để họ cùng đọc sách báo và gặp gỡ, giao lưu với nhau. Thậm chí, bà con trong khu còn cùng vui tất niên với nhau ở chính cái góc nhỏ thân thương ấy.

 Người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường trong Khu dân cư văn hóa “5 không”

Từ những hiệu quả thiết thực, mô hình “Cầu thang văn hóa” của tổ dân phố 17 nhanh chóng được nhiều khu tập thể, chung cư trên địa bàn áp dụng. Đơn cử, tổ dân phố 19 (phường Nghĩa Tân) cũng đã có những “Cầu thang văn hóa” của cả 11 dãy nhà. Từ “Cầu thang văn hóa” đầu tiên, cho đến nay, trên địa bàn phường Nghĩa Tân đã có hơn 80 mô hình tương tự ra đời và hoạt động hiệu quả. Có thể nói đây chính là biểu hiện sinh động của sức lan tỏa từ phong trào TDĐKXDĐSVH trong cộng đồng. Từ đây, nhiều mô hình ý nghĩa khác đã và đang được triển khai rộng khắp ở nhiều tổ dân phố, cụm dân cư trên địa bàn quận Cầu Giấy như các “Thư viện gia đình”, “Nhóm hộ gia đình tự quản”, “Cầu thang vệ sinh môi trường”…

Cùng với những “cầu thang văn hóa”, trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cũng xuất hiện nhiều mô hình văn hóa được chính cộng đồng sáng tạo. Điển hình, mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không” đã tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn quận Thanh Xuân. Trước đây trên địa bàn Tổ dân phố số 6 - 7 - 8 có nhiều điểm tập kết rác thải khó giải quyết, gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Khi 3 tổ được chọn thực hiện mô hình Tổ dân phố “5 không”, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, vấn nạn này đã “không cánh mà bay”. Cả 3 tổ đều được UBND Quận Thanh Xuân công nhận Tổ dân phố “5 không”.

Từ hiệu quả của mô hình đó, lãnh đạo quận Thanh Xuân đã quyết tâm nâng tầm thành Khu dân cư văn hóa “5 không”, với các tiêu chí được điều chỉnh, gồm: Không rác; Không có vi phạm pháp luật về trộm cắp, cờ bạc, ma túy, mại dâm, an toàn thực phẩm và hành nghề y dược ngoài công lập; Không có hộ tái nghèo, giảm 30% hộ cận nghèo; Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; Không vi phạm trật tự xây dựng. Năm 2020, có 18 khu dân cư/11 phường đăng ký thực hiện mô hình Khu dân cư văn hóa “5 không”. Các hoạt động triển khai xây dựng, phát huy hiệu quả mô hình được thể hiện qua những việc làm cụ thể như thực hiện tổng vệ sinh môi trường, đổ rác rác đúng giờ, bóc xóa quảng cáo, rao vặt, người dân tự giác nhắc nhở nhau sắp xếp phương tiện đúng nơi quy định. Một số phường đã sơn tường, vẽ bích họa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp như: Kim Giang, Khương Trung, Hạ Đình, Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam…

HÀ PHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top