Chờ tin vui từ “hộ chiếu vắcxin”

VHO- Trong bối cảnh hoạt động du lịch quốc tế bị “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19, niềm hy vọng hồi sinh từ chiến dịch tiêm chủng vắcxin đã được dấy lên tại nhiều quốc gia, khi mùa cao điểm du lịch hè đang đến gần.

Chờ tin vui từ “hộ chiếu vắcxin” - Anh 1

 Du lịch châu Âu hy vọng có một mùa hè sôi động Ảnh: GETTY IMAGES

Với “hộ chiếu vắcxin”, giấy phép thông hành được đề xuất, ngành du lịch nhiều nước đang nóng lòng chờ đợi sự trở lại của khách quốc tế.

Thiệt hại nặng nề

Đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu đã khiến chuỗi liên kết du lịch quốc tế bị phá vỡ. Hoạt động du lịch quốc tế bị “đóng băng” đã tác động nghiêm trọng đến nguồn thu của nhiều quốc gia vốn phụ thuộc vào du lịch. Theo số liệu công bố gần đây của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO), đại dịch trong năm 2020 đãlàm mất đi khoảng 1.300 tỉ USD của ngành du lịch quốc tế, khiến lượng khách quốc tế giảm khoảng 1 tỉ lượt, giảm 74% so với năm 2019. Nếu làm phép so sánh, thì thiệt hại do đại dịch gây ra cao gấp hơn 11 lần so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, làm ảnh hưởng tới 120 triệu việc làm toàn cầu.

Trong đó, châu Âu là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cơ quan Thống kê Liên hiệp châu Âu (Eurostat) cho biết, số đêm du khách lưu trú tại châu Âu đã giảm 52% so với năm 2019, mức giảm chưa từng có trong lịch sử, do các biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Trong khối EU, Cộng hòa Síp, Hy Lạp và Malta đã chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất, với số đêm ở các cơ sở lưu trú du lịch địa phương giảm hơn 70% trong năm 2020. Riêng tại Đức, từ tháng 3-12.2020, ngành du lịch nước này đã thiệt hại tới 68,7 tỉ euro, tương đương trung bình khoảng 1,7 tỉ euro/tuần.

Chờ “đèn xanh” bật

Khi tốc độ tiêm chủng vắcxin Covid-19 được đẩy mạnh trên toàn cầu, ý tưởng “hộ chiếu vắcxin” được đưa ra như “phao cứu sinh” cho ngành du lịch quốc tế. Nhất là vào thời điểm mùa hè đang đến gần, bởi đây vốn là thời gian cao điểm du lịch của nhiều nước trên thế giới. Mới đây, Ủy ban châu Âu đã chính thức đề xuất tạo ra một “Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số”, có giá trị chung trong các nước thành viên EU và được hy vọng sẽ thành hiện thực trước ngày 21.6. Theo đó, đây không hẳn là một chứng nhận tiêm chủng thuần túy, mà là một chứng nhận y tế, bởi nó đi kèm 3 loại dữ liệu gồm thông tin đã được tiêm chủng, kết quả xét nghiệm PCR/kháng nguyên nhanh và những trường hợp đã phục hồi sau khi mắc Covid-19 do đã có kháng thể trong máu. Mặc dù chứng chỉ chủ yếu được sử dụng dưới dạng số hóa, nhưng chúng có mã QR được cá nhân hóa và cũng được in trên giấy. Ngoài ra phải có chữ ký điện tử để làm bằng chứng chống giả mạo. Ủy ban châu Âu kỳ vọng chứng chỉ này sẽ khôi phục quyền tự do đi lại, giúp công dân châu Âu di chuyển tự do một cách an toàn, có trách nhiệm và đáng tin cậy.

Đề xuất của Ủy ban châu Âu được ngành du lịch và các hãng hàng không đón đợi như ánh sáng cuối đường hầm. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới Gloria Guevara nhận định, cùng với “Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số”, các biện pháp vệ sinh, nâng cao sức khỏe và việc đeo khẩu trang bắt buộc, sẽ mang lại sự yên tâm cho du khách, góp phần đảm bảo cho du lịch quốc tế trở lại an toàn. Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng chứng chỉ “sẽ giúp thúc đẩy du lịch và các nền kinh tế phụ thuộc vào ngành công nghiệp này”. Bộ trưởng Du lịch Áo cũng nhấn mạnh, kế hoạch này sẽ cho phép người dân Áo và công dân EU có thể tự do đi lại tới quốc gia thành viên. Đó cũng chính là chìa khóa để khôi phục các hoạt động du lịch cho các quốc gia châu Âu.

Tại quốc gia du lịch hàng đầu Đông Nam Á Thái Lan, Ủy ban Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm nước này đã “bật đèn xanh” cho đề xuất cấp giấy phép đi lại có thông tin về tình trạng tiêm chủng. Giới chức Thái Lan cũng vừa có thông báo nới lỏng dần các biện pháp kiểm soát Covid-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh từ tháng 4 và có “ưu tiên” đối với du khách có giấy chứng nhận tiêm chủng. Cụ thể, những người nhập cảnh không có giấy chứng nhận tiêm chủng (VC) và giấy chứng nhận không nhiễm Covid-19 (CFC) sẽ phải cách ly trong 10 ngày và làm xét nghiệm 2 lần. Du khách có VC và CFC sẽ được cách ly trong 7 ngày và được xét nghiệm 1 lần. Thời gian cách ly 14 ngày vẫn được duy trì đối với những người đến từ các khu vực xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Như vậy, “hộ chiếu vắcxin” vẫn đang được coi là chìa khóa mở cửa cho các hoạt động du lịch quốc tế. Nếu được thông qua trước mùa cao điểm, thì ngành du lịch nhiều quốc gia sẽ có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ ngay trong mùa hè năm nay. 

HẢI MINH

Ý kiến bạn đọc