Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Ngành in đối mặt muôn vàn khó khăn

Thứ Hai 22/03/2021 | 10:42 GMT+7

VHO- Tại Hội nghị tổng kết thi hành Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, Nghị định số 25/2018/NĐ-CP quy định về hoạt động in do Bộ TT&TT vừa tổ chức tại TP.HCM đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong hoạt động in nói chung, trong khi đó nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đang cực kỳ khan hiếm.

 Thời gian qua, ngành in đã duy trì nhịp độ phát triển. Ảnh: Tại một nhà in ở TP.HCM

Thông tin về tình hình thực hiện các Nghị định nói trên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, cho biết bên cạnh những kết quả đã đạt được trên nhiều phương diện thì công tác này còn một số hạn chế.

Nạn in lậu, in giả, in trái phép còn phổ biến

Thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính còn dài dẫn đến có thời điểm một số thủ tục thực hiện chậm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở in. Việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển lĩnh vực in ở nhiều địa phương chưa tốt, việc rà soát cấp phép chưa được triển khai thường xuyên. Một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành chưa sát tính đặc thù, làm phát sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập cho hoạt động in…

Phân tích tình hình phát triển ngành in, các địa phương cho biết, thời gian qua, ngành in đã duy trì nhịp độ phát triển, có bước tăng trưởng. Số lượng cơ sở in tăng đều hằng năm từ 5-7%, năm 2020 hiện có trên 2.000 cơ sở (tăng 6,7% so với năm 2019). Năm 2020, doanh thu toàn ngành vẫn duy trì ở con số trên 94.000 tỉ đồng... Tuy số lượng doanh nghiệp in tăng nhanh trong những năm qua nhưng tập trung vào công nghệ có giá trị đầu tư thấp khiến công suất ở một số khu vực dư thừa, đặc biệt là khu vực in xuất bản phẩm, báo chí, tạp chí. Trong số trên 2.000 cơ sở in công nghiệp cả nước thì số đơn vị có quy mô nhỏ (từ 10-100 người, doanh thu dưới 50 tỉ đồng/năm) và vừa chiếm tỉ lệ lớn, trên 90%.

Hội nghị cũng đã chỉ ra nhiều điểm bất cập trong hai Nghị định nói trên và các văn bản có liên quan. Các quy định tại Nghị định chưa bao quát hết các loại hình hoạt động in hiện nay. Nạn in lậu, in giả, in trái phép diễn ra khá phổ biến. Nhiều hiện tượng in ấn, sao chụp trái phép, bất hợp pháp diễn ra thường xuyên chưa được ngăn chặn kịp thời và triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng hoạt động in không được cấp giấy phép vẫn hoạt động in, xuất bản phẩm. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động in phát triển chưa được quan tâm và ban hành kịp thời…

Cần có quy định chế tài trong xử phạt

Ông Đặng Đình Huân, Trưởng phòng Thông tin, Báo chí và Xuất bản (Sở TT&TT Cần Thơ) cho rằng, đối với một số nội dung của Nghị định 60 và Nghị định 25, cần có quy định về biện pháp chế tài trong xử lý vi phạm. Theo ông Huân, Nghị định 60 quy định các cơ sở in phải đăng ký hoạt động với Sở TT&TT và cơ sở photocopy đăng ký hoạt động với UBND quận, huyện, nhưng trên thực tế các cơ sở này không thực hiện. Do chưa có quy định chế tài nên khi cơ quan chức năng kiểm tra, chỉ có thể nhắc nhở, điều này làm cho việc thực thi pháp luật chưa nghiêm.

Theo ông Huỳnh Cao Chánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Long An, bất cập hiện nay là vẫn chưa có chương trình, chính sách cụ thể nào rõ nét để phát triển ngành in, điều này gây thiệt thòi rất lớn. Sở TT&TT Long An đề xuất cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực, cùng với đó cần hỗ trợ chuyển đổi số cho ngành in. Thông tin về hoạt động in tại TP.HCM, ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở TT&TT TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực in, sản xuất và in bao bì, kinh doanh hoạt động photocopy, gia công sản phẩm in với quy mô khác nhau. Hiện nay, số doanh nghiệp chiếm tỉ trọng cao về sản lượng và doanh thu, chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn in bao bì và in xuất khẩu. Năm 2020, tổng doanh thu ước giảm 28%, nộp ngân sách ước giảm 39%, tổng số cơ sở in theo giấy phép hoạt động in cấp mới giảm 16%…

“Ngành in TP đã và đang đối mặt với những khó khăn, thử thách trước xu thế cạnh tranh ngày một lớn hơn, công nghệ in truyền thống đang bị tác động, thay đổi trước sự phát triển nhanh về công nghệ thông tin… TP.HCM kiến nghị Bộ TT&TT xem xét sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành in trong giai đoạn 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và xem xét đề xuất Chính phủ chính thức đưa ngành in trở thành ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trong giai đoạn tới để được hưởng những chính sách ưu đãi như những ngành công nghiệp khác”, ông Anh nói và đề nghị cần có chính sách quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ mới đáp ứng yêu cầu khai thác và chuẩn hóa công việc…

Trước thực tế này, Bộ TT&TT đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số vướng mắc tại hai Nghị định nói trên; đề xuất các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phối hợp rà soát những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Một năm tuyển được... 3 sinh viên

Theo đánh giá chung, hiện nay năng lực lao động thấp. Số lao động có trình độ tay nghề cao phần lớn đã hết tuổi lao động dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực có dấu hiệu giảm sút rõ rệt. Số lao động lâu năm trong ngành in lại khó khăn trong việc cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.

Do những khó khăn về kinh phí, rất ít doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho khâu đào tạo. Năng lực đào tạo hiện có của các trường chưa đáp ứng nhu cầu. Tổng năng lực đào tạo của 4 cơ sở hiện nay vào khoảng 1.200-1.350 người trong khi nhu cầu nhân lực của ngành mỗi năm vào khoảng 2.200-2.500. Được biết, năm 2020 lao động ngành in có trên 60.700 người (giảm 2,3%). Số lao động được đào tạo (từ sơ cấp đến đại học) dưới 60%, trong đó lao động được đào tạo trên đại học chưa tới 1%. Ông Chu Thế Hùng, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu ngành in nhấn mạnh, hiện nay ngành in đang khan hiếm nguồn nhân lực. “Chúng ta tranh giành lao động với nhau bằng cách “săn đầu người” thay vì nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực hiện có và chú trọng đào tạo nhân lực mới… Những người giỏi, những thợ lành nghề di chuyển từ công ty nọ sang công ty kia nhờ chính sách “lôi kéo”, chế độ khác nhau của các nơi. Vì vậy, quanh đi quẩn lại vẫn là nguồn nhân lực đó, không thể phát triển được”, ông Hùng nói.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp In Việt Nam Trần Văn Sơn tâm tư, “Quy chế đào tạo hiện nay đã rộng mở rất nhiều, có thể nói hoạt động tuyển sinh, đào tạo được trải thảm đỏ, chỉ cần tốt nghiệp cấp 3 xét học bạ là mời vào, vậy nhưng trường tuyển sinh vẫn khó khăn. Doanh nghiệp thì cần nhân lực nhưng không có người vào”. Theo ông Sơn, nguyên nhân của tình trạng này là do các em thấy rằng đi học thì vất vả nhưng đồng lương vẫn thế, trong khi làm ở các khu công nghiệp thì lương cũng như vậy mà không phải mất thời gian và tiền bạc đi học. “Nói thì nói thế chứ học phí của trường đã rất thấp, vậy mà các em khi vào trường, đóng học phí rồi vẫn rút lại rồi về. Như năm rồi chúng tôi tuyển sinh, hi vọng được 50 sinh viên để mở lớp nhưng khi vô tôi thấy có 3 em, sau 1 tháng thì các em nghỉ luôn… Tôi cho rằng nguyên nhân chính là các em ngại vất vả, chưa thật sự yêu nghề”, ông Sơn chia sẻ và cũng mong rằng các doanh nghiệp phải đồng hành cùng ngành in, giảm việc săn đầu người, lôi kéo lao động.

Các địa phương cũng cho rằng doanh nghiệp cần hợp tác với cơ sở đào tạo gửi nhân viên đào tạo lại, đặt hàng đào tạo mới lao động mới là giải pháp. 

THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top