Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Di tích Nhà tù Hỏa Lò mở trưng bày “Một thời sôi nổi””: Gặp những bầu máu nóng và trái tim rực lửa

Thứ Sáu 19/03/2021 | 10:34 GMT+7

VHO- Ký ức một thời sôi nổi của lứa thanh niên Việt Nam sinh ra trong thời chiến và giai đoạn hiện nay, với bầu máu nóng và trái tim rực lửa đã được tái hiện chân thực tại trưng bày “Một thời sôi nổi”, mở cửa từ sáng 18.3 tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931– 26.3.2021).

 Du khách đến xem trưng bày Ảnh: THANH TÙNG

 Trong không gian ấm cúng của trưng bày, người xem ngược trở về quá khứ, gặp lại hình ảnh những thế hệ thanh niên Việt Nam với bầu máu nóng và trái tim rực lửa đã dũng cảm xông pha nơi chiến trường ác liệt, rèn luyện bản lĩnh trong nhà tù thực dân đế quốc... Một thời sôi nổi của lớp lớp thanh niên “đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép” đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc.
Ánh lửa từ trái tim 
Ánh lửa từ trái tim là câu chuyện của tuổi trẻ Việt Nam trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi đã gác lại bao ước mơ, hoài bão để góp sức vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Họ đã viết nên “Một thời sôi nổi” của các thế hệ thanh niên Việt Nam trong thế kỷ XX. Tại trưng bày, những nghẹn ngào và nước mắt đã một lần nữa rơi xuống, trước những dòng ký ức về một thời bi tráng, hào hùng. Ở đó có những lát cắt chứa đựng bầu nhiệt huyết, tình yêu và biết bao khát khao của tuổi trẻ.
Mùa xuân năm 1931, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 2, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đoàn TNCS Đông Dương với 8 hạt nhân Đoàn viên đầu tiên, đã phát huy vai trò xung kích với trận thử lửa là đỉnh cao Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Trong trận thử lửa này, lịch sử đã ghi lại tấm gương oanh liệt của người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói bất hủ: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác”. Câu nói đã trở thành phương châm hành động của tuổi trẻ Việt Nam. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, theo tiếng gọi non sông, bao lớp thanh niên nô nức tòng quân với những tấm gương sáng về tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Mai đã giấu thêm mấy cục sắt vào người cho đủ cân nặng để được nhập ngũ; câu chuyện của một trong bốn “vua phá bom” năm xưa, anh hùng Cao Xuân Thọ vừa chỉ huy, vừa trực tiếp phá hơn 100 quả bom các loại, đơn vị đã 4 lần làm lễ truy điệu sống trước mỗi khi ông ra trận đều được tái hiện tại Trưng bày. 
Những người kháng chiến trẻ tuổi là lực lượng học sinh, sinh viên ở lại trong lòng thành phố, nơi địch tạm chiếm, đã tổ chức các hoạt động bãi khóa, biểu diễn văn nghệ, xuất bản báo… khiến Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, kẻ thù luôn nhức nhối, tìm mọi cách đàn áp. Ngay trong không gian ngục tù tăm tối, người xem vẫn luôn cảm nhận nghị lực sống và tinh thần lạc quan được truyền đến từ những con người trẻ tuổi năm xưa qua những hình ảnh tư liệu vô giá. Người xem cũng được nhìn lại những hình ảnh về tờ báo Nhựa sống, do Đoàn học sinh Kháng chiến Thủ đô xuất bản, phát hành bí mật trong các trường học, ấn phẩm có một sức sống mãnh liệt trong tầng lớp học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội những năm đầu thập niên 50, góp phần trong công cuộc giải phóng Thủ đô năm 1954. 
Trưng bày “Một thời sôi nổi” cũng tạo ấn tượng đặc biệt với hình ảnh lớp lớp sinh viên, thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu hưởng ứng lời hiệu triệu “Ba sẵn sàng”, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (20.7.1954), đất nước bị chia cắt làm hai miền Nam, Bắc. Vượt qua gian nan, thanh niên xung phong cần mẫn mở đường, làm cầu, san lấp hố bom trên những cung đường huyết mạch, những tọa độ lửa thường xuyên bị máy bay Mỹ bắn phá, hủy diệt. Dẫu phải hy sinh nhưng họ vẫn nguyện “Sống bám cầu, bám đường - Chết kiên cường, dũng cảm”. 

 Một trong những không gian ấn tượng ở triển lãm Ảnh: MINH NGỌC

Trên những cung đường, trọng điểm đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của địch như Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, đèo Pu La Nhích... đều thấm đẫm mồ hôi, xương máu, gắn liền với những chiến công của lực lượng Thanh niên xung phong. Đó là sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc; của 13 nam, nữ thanh niên xung phong Tiểu đội Thép ở Truông Bồn (Nghệ An), là sự hy sinh thầm lặng của đội nữ lái xe Trường Sơn… 
Ước vọng xây đời
Ở phần triển lãm “Ước vọng xây đời”, những hình ảnh, câu chuyện khắc họa hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam nối dài những chiến công, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc. Những thanh niên trẻ thế hệ mới đã biến ngọn lửa nhiệt huyết thành những hành động, việc làm thực tế, sáng tạo, hiệu quả.
Phong trào “Thanh niên lập nghiệp” do Trung ương Đoàn triển khai đã tròn 28 năm (1993 - 2021), nhiều gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, đã góp sức xây dựng quê hương. Với sức trẻ, hoài bão lớn, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã và đang cống hiến trí tuệ của mình để làm giàu cho quê hương, đất nước. Những người trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình, khi đất nước đã trải qua chiến tranh và những nhọc nhằn thời bao cấp. Chẳng còn đạn bom nhưng vẫn có những liệt sĩ hy sinh vì cứu em nhỏ giữa dòng nước lũ; xả thân truy bắt tội phạm hay quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những chiến sĩ trẻ hôm nay âm thầm, anh dũng, tiếp tục cùng nhân dân gìn giữ và dựng xây đất nước. Đặc biệt, trong năm 2020, một lần nữa tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên Việt Nam lại ngời sáng trong các hoạt động khắc phục hậu quả mưa lũ và chung tay phòng chống dịch Covid-19.
Điểm nhấn của trưng bày được tạo dựng từ những hình ảnh, biểu tượng đi cùng năm tháng. Đó là chiếc mũ cối đặt ngay ngắn trên trang sách trắng tinh, anh lính tân binh gửi lại ngày lên đường nhập ngũ. Là “Một thoáng Trường Sơn” nơi đại ngàn xanh thẳm, dưới tán cây rừng, cánh võng mắc vội cho phút chợp mắt, ngả lưng nhanh. Hành trang người lính mang theo không chỉ có cây súng trường, balô trĩu nặng, còn có cây đàn ghi-ta. Hình ảnh chiếc xe không kính nhọc nhằn băng qua lửa đạn; người lính dừng nghỉ tại quán lá giữa rừng, nhấp một chén trà xanh, ăn một thanh kẹo lạc, ngân nga câu hát theo tiếng đàn bập bùng cũng đủ ấm lòng người lính xa nhà...


 THẢO MỘC

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top