Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Điện ảnh đang dần kịch hóa

Thứ Sáu 19/03/2021 | 10:22 GMT+7

VHO- Thời gian qua, phim Việt phát triển mạnh mẽ và thành công trên nhiều nền tảng: Truyền hình, chiếu mạng (web-drama), chiếu rạp (điện ảnh). Tuy nhiên, trong số này có nhiều bộ phim đang bị cho là… kịch hóa và ảnh hưởng nhiều từ sân khấu.

 Bộ phim cung đấu chiếu trên nền tảng số “Phượng Khấu” được cho là “hao hao” kịch

 Nhiều người đánh giá, phim Việt dường như dùng quá nhiều thoại để giải thích, kể lể dông dài, âm thanh lấn át cả hình ảnh khiến phim thiếu tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, nên chăng đã đến lúc cần thay đổi quan niệm cũng như bổ sung khái niệm về cách làm phim hiện nay. Gần đây nhất là Bố già của Trấn Thành, dù thành công vang dội ở phòng vé nhưng vẫn bị giới phê bình cho là thiếu ngôn ngữ điện ảnh. Trước đó, phim cung đấu chiếu trên nền tảng số Phượng Khấu cũng được đánh giá là “hao hao” kịch.

PGS.TS, họa sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM chia sẻ, khởi nguyên của điện ảnh là hình ảnh thuần túy và không có âm thanh. Đến năm 1927, bộ phim có tiếng đầu tiên ra đời, nhưng âm thanh lúc này chỉ làm nhiệm vụ bổ trợ. Đến thập niên 70 của thế kỷ XX, khi có âm thanh studio trầm bổng thì người ta mới chú ý nhiều phần tiếng động, và khi âm thanh surround (vòm) phát triển mạnh, người ta không còn phân biệt âm thanh và hình ảnh đâu là chính đâu là phụ nữa. Lúc này, một tác phẩm điện ảnh đích thực là sự tổng hòa âm thanh và hình ảnh như một chỉnh thể không tách rời.

Tuy nhiên, vẫn còn một xu hướng làm phim điện ảnh coi hình ảnh là yếu tố chính, khán giả thưởng thức bữa tiệc hình ảnh được bổ trợ bởi lời thoại, tiếng động, âm nhạc. “Thế nhưng phim truyền hình hay phim chiếu trên nền tảng số là một thể loại khác vì có thể làm nhiều tập, làm ngày nọ sang ngày kia. Loại phim này chủ yếu dùng lời nói để thay cho hình ảnh và đôi khi khán giả “nghe phim” chứ không hẳn xem phim, đấy chính là đặc thù của sân khấu kịch. Nhưng điện ảnh thì khác, điện ảnh phải cụ thể, thậm chí nó giống như đời sống thật thì người ta mới tin. Khán giả Việt Nam chủ yếu ở nhà xem truyền hình, vì thế dường như các phương thức thể hiện của sân khấu đã “nhuốm nhuộm” vào phim truyền hình hằng ngày và hơn thế nữa, đang có xu hướng “nhuốm nhuộm” cả phim điện ảnh, vấn đề ở chỗ người nghệ sĩ xử lý như thế nào cho hài hòa”, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM phân tích.

 Âm nhạc đã góp phần tạo nên thành công của “Bố già”

Thực tế cho thấy, điện ảnh Ý rất nổi tiếng trên thế giới, nhưng nhiều phim nói từ đầu đến cuối. Đôi khi bỏ tiếng đi thì mình không hiểu được, nhưng nghe thoại thì mới thấy nó sâu sắc đến mức nào. Do vậy, theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, với cách nhìn hiện đại, không nên phân biệt cách thể hiện như thế nào, mà hãy quan tâm đến thông điệp của bộ phim, đến tính nhân văn và giá trị mà bộ phim truyền tải… Có thể chỗ này giống kịch, chỗ kia “hao hao” sân khấu, chỗ nọ đặc trưng điện ảnh thì “người ta cũng không cần phân biệt một cách rạch ròi nữa, bởi lý do như thế này, ngày xưa các em học trường họa phải ra thực địa ký họa cây, hoa, lá, cảnh về để làm học liệu. Nhưng ngày nay, có phương tiện chụp ảnh, các em có thể ra chụp rất nhanh, trong một buổi thu được cả một series tài liệu rất phong phú, mình cũng không phản đối điều đó, vì công nghệ và xu thế thời đại là như thế”, ông Tú chia sẻ.

Một chuyên gia điện ảnh khác cũng đồng quan điểm, cuộc sống này có những ngôn ngữ thể hiện cần phải thay đổi, vì vậy chúng ta không nên phản đối phim nói nhiều. Vấn đề quan trọng là nói có thông điệp hay không, có cần thiết không, có gắn với câu chuyện không? Nếu như không nói, người xem không thể hiểu được câu chuyện mà tác giả muốn kể thì cần phải nói. Tuy nhiên, nếu hình ảnh đã cung cấp cho chúng ta đủ, thì cái nói đó thật sự không cần thiết… “Điều này phụ thuộc vào tài năng, bản lĩnh của người nghệ sĩ, cho nên tôi nghĩ, sự sân khấu hóa của điện ảnh là có thật, nhưng mà cái sân khấu hóa ấy đó có phục vụ cho phim tốt hay không lại là câu chuyện khác”, chuyên gia này bày tỏ. 

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top