Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

28 Tháng Ba 2024

Chế độ cho nghệ nhân được Nhà nước phong tặng vẫn bị... “treo”

Thứ Tư 10/03/2021 | 10:55 GMT+7

VHO- Sở VHTT TP.HCM vừa có báo cáo gửi Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) về công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ từ năm 2016 đến nay. Trong văn bản này, TP.HCM kiến nghị chế độ chính sách cho hoạt động ĐCTT, đặc biệt là lực lượng nghệ nhân.

 Lớp truyền dạy ĐCTT của NNND Lê Thanh Tùng tại huyện Hóc Môn

 Thời gian qua, với mục đích lưu truyền loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc và để đẩy mạnh hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn TP, công tác đào tạo lực lượng kế thừa trong cộng đồng đã được TP chú trọng quan tâm và đầu tư…

Duy trì mạng lưới các thiết chế văn hóa cho hoạt động ĐCTT

Bên cạnh các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các CLB, đội nhóm, TP.HCM đã đưa ĐCTT vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong hệ thống đào tạo nghệ thuật, như Nhạc viện TP.HCM, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trường CĐ Văn hóa - nghệ thuật TP.HCM,… Đồng thời, một mạng lưới các thiết chế văn hóa (trung tâm văn hóa) từ cấp TP đến quận, huyện được hình thành và hoạt động từ sau 1975 đến nay vẫn luôn duy trì dưới các hình thức sinh hoạt, truyền nghề, biểu diễn đã góp phần gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này. Tại quận, huyện, Phòng GD&ĐT và Trung tâm văn hóa đã phối hợp mời các nghệ nhân đàn, nghệ nhân tài tử đến truyền dạy cho các em học sinh, tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên… Điển hình như Quận 1 đã tổ chức truyền dạy cho trên 26.600 lượt học sinh và trên 800 giáo viên; Quận 2 tổ chức bồi dưỡng cho trên 500 học sinh; Quận 5 đưa vào giảng dạy tại 24/24 trường tiểu học và THCS, Quận 8 tổ chức truyền dạy cho 150 lượt học viên,…

Sở Du lịch đã phối hợp với Sở VHTT và một số quận, huyện tiến hành khảo sát các điểm, sân khấu biểu diễn nghệ thuật, đồng thời thực hiện clip quảng bá, trong đó lấy yếu tố văn hóa nghệ thuật truyền thống làm lợi thế có tính chiến lược để thu hút khách và phát triển du lịch. Qua đó từng bước phát triển mạnh phong trào ĐCTT, các chương trình nghệ thuật phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cư dân TP nói chung và phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước nói riêng. Những nhân tố trên đã tạo nền tảng khá vững chắc cho sự hưởng thụ, sáng tạo nghệ thuật của cư dân TP trong giai đoạn hiện nay và là cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT ở Nam Bộ và TP.HCM.

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ (ngày 13.3.2018), UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 973 về phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn TP (giai đoạn 2018-2020). Sở VHTT đã ban hành kế hoạch triển khai đến 24 quận, huyện, đồng thời phối hợp với các Sở, ngành liên quan đưa nghệ thuật ĐCTT vào nhiệm vụ hoạt động của đơn vị. Theo đó, các hoạt động ĐCTT đã được triển khai, tổ chức thời gian qua như: Liên hoan các giọng ca tài tử thiếu nhi TP.HCM 2016 - giải Búp Sen Vàng; Liên hoan ĐCTT TP.HCM - giải Hoa Sen Vàng 2017, 2019, 2021; cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bài bản Tổ nhạc Tài tử Nam Bộ và bài ca Vọng cổ, chặp Cải lương 2018; cuộc vận động sáng tác lời mới ĐCTT Nam Bộ chào mừng các ngày lễ lớn năm 2020 và Đại hội Đảng các cấp; Nhạc hội ĐCTT Nam Bộ chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chương trình biểu diễn ĐCTT trên ghe bầu phục vụ chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; chương trình phát thanh “Thanh âm dân tộc” dạy ca tài tử trên sóng phát thanh; tổ chức các lớp truyền dạy ca tài tử cho thiếu nhi trên địa bàn TP…

Vẫn chưa có chế độ hỗ trợ dành cho nghệ nhân ĐCTT

Theo kiểm kê năm 2020, TP.HCM có 292 CLB, đội nhóm ĐCTT đang hoạt động với tổng trên 3.000 thành viên, trong đó có 4 Nghệ nhân ưu tú (NNƯT), 2 Nghệ nhân nhân dân (NNND). So với năm 2019, TP có 177 CLB với tổng số thành viên trên 2.000 người,… Nhìn tổng thể, hoạt động ĐCTT trên địa bàn TP không những tăng về số lượng mà còn nâng cao về chất lượng, không ngừng mở rộng đến nhiều đối tượng tham gia khác nhau như học sinh, sinh viên, công nhân, trí thức và phạm vi thực hành được nhân rộng đến từng phường, xã và tại quận Tân Bình còn nhân rộng đến cấp khu phố. Các CLB, đội nhóm đều duy trì sinh hoạt đều đặn định kỳ hằng tuần và hằng tháng.

Thông tin về chế độ chính sách dành cho lực lượng nghệ nhân, Sở VHTT cho biết, từ khi Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được ban hành, Sở đã tiến hành rà soát, thu thập thông tin để thực hiện, tuy nhiên không có nghệ nhân nào đáp ứng đủ tiêu chuẩn để nhận hỗ trợ. Vì vậy trong thời gian qua, Sở VHTT đã phối hợp với các Sở, ngành đề xuất HĐND TP thông qua chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân, nhưng do vướng mắc về căn cứ pháp lý nên cho đến hiện tại, TP vẫn chưa có chế độ hỗ trợ dành riêng cho các nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cũng như nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực ĐCTT…

Trước thực tế này, Sở VHTT kiến nghị UBND TP.HCM có giải pháp cụ thể về chế độ chính sách nhằm động viên các đơn vị sản xuất các chương trình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là các chương trình tôn vinh di sản văn hóa dân tộc có nguy cơ bị mai một. Hai năm một lần, tổ chức Nhạc hội ĐCTT Nam Bộ như một sự kiện văn hóa - nghệ thuật quan trọng của TP. Sở cũng đề xuất TP cần xây dựng và sớm triển khai kế hoạch khai thác ĐCTT Nam Bộ trong hoạt động du lịch, cần thiết nghiên cứu, chọn lựa một số tuyến điểm du lịch sông nước để đầu tư tổ chức biểu diễn trên ghe bầu phục vụ công chúng và du khách tham quan… Đồng thời, Sở VHTT TP kiến nghị Bộ VHTTDL xem xét, điều chỉnh về đối tượng, tiêu chuẩn mà NNND, NNƯT được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 109/2015/ NĐ-CP vì quy định hiện nay không mang tính khả thi khi áp dụng vào thực tế, chưa thực sự thể hiện sự quan tâm, khuyến khích của Nhà nước đối với các nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu để họ tiếp tục truyền nghề, cống hiến cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đề cập đến phương hướng phát triển trong thời gian tới, Sở cho biết tổ chức thực hiện không gian giới thiệu và trình diễn nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ định kỳ và thường xuyên nhằm phục vụ công chúng cũng như du khách trong và ngoài nước tại Trung tâm Văn hóa TP.HCM và một số quận, huyện; sưu tầm, tập hợp những di sản vật thể và phi vật thể có liên quan đến ĐCTT; xây dựng đề án phát triển du lịch tại một số địa điểm có văn hóa phi vật thể ĐCTT gắn với lễ hội, di tích, cụm dân cư,… theo mô hình ĐCTT truyền thống để phục vụ công chúng và du khách. 

 Trong thời gian qua, Sở VHTT đã phối hợp với các Sở, ngành đề xuất HĐND TP thông qua chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân, nhưng do vướng mắc về căn cứ pháp lý để làm cơ sở đề xuất nên cho đến hiện tại TP vẫn chưa có chế độ hỗ trợ dành riêng cho các nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cũng như nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực ĐCTT…

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top