Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Những vần thơ... thẳng tuột

Thứ Hai 08/03/2021 | 10:56 GMT+7

VHO- Điều khác biệt ở nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu (Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi) đó là ai hỏi về đời tư thời cầm súng chống Pháp, chống Mỹ để viết thì đều nhận được cái xua tay và giọng đặc sệt Quảng Ngãi của ông “thôi uống nước trà rồi kể chuyện đời”. Nhưng đọc văn chương của ông thì sẽ nhận ra, ông như một lưỡi dao, thỉnh thoảng phát quang vài bông hoa để những sự thật trần trụi hé lộ…

Nhà văn Nguyễn Trung Hiếu (bên trái) với thi sĩ Hữu Loan, tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu tím hoa sim”

Ông đã đi xa hơn 1 năm nay, tuy nhiên, đọc cuốn sách mà Nguyễn Trung Hiếu viết về thời ông cầm súng lên rừng tham gia chống Pháp rồi trải qua giai đoạn chống Mỹ thì thấy tình đồng chí, đồng đội vẫn tươi đẹp, sống động như mới ngày hôm qua. Nhưng giữa nhiều cái tốt đẹp thì vẫn có những câu chuyện tầm thường mà có lẽ chỉ có Nguyễn Trung Hiếu mới dám nói.

Nhịn ăn đãi khách

Trong bài thơ trên đường đi chiến trường được ông kể lại vào thời điểm ngày 12.4.1966 bằng 4 câu thơ rất lạ: “Đoàn chúng tôi đông, nhưng chỉ 4 đảng viên/Công được chỉ định Bí thư chi bộ/Ruột nghé mỗi người còn vài cạo gạo/Đêm, giả kiểm tra, Công sớt bớt của anh em”. Mới đọc qua thì nghe như những bài thơ trên trang lề trái, nhưng Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, bài thơ viết về nhân vật từ năm 1966 đến bây giờ vẫn còn là một bài học vẹn nguyên giá trị trong công tác xây dựng Đảng. Đảng phải bố trí cán bộ đúng người, có phẩm chất đạo đức trong sáng thì mới tạo ra được sức mạnh của một tập thể. Thời chiến, vấn đề đó rất hệ trọng, còn trong thời bình, trong giai đoạn xây dựng đất nước thì Đảng càng phải làm trong sạch đội ngũ, chống những cán bộ cơ hội tìm cách luồn sâu, leo cao…

Ngôi nhà của nhà văn Nguyễn Trung Hiếu nằm trong con hẻm phía sau lưng Sở Điện lực tỉnh Quảng Ngãi. Từ thời bao cấp tới giờ, ngôi nhà cấp 4 vẫn không có gì thay đổi với một lối đi nhỏ qua giàn cây, nhà quay mặt về phương nam, vài bức tranh vẽ phác họa chân dung ông; nhà trên là một tủ sách và rất nhiều cuốn có chữ ký tặng của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam: Chế Lan Viên, Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Hồng Thanh Quang, Phan Huỳnh Điểu, Lưu Tùng Dương…

Tôi từng nhiều lần đến gặp ông để uống trà, nói chuyện văn chương, sau đó gợi chuyện đời tư. Chuyện đầu tiên tôi muốn nghe ông kể rằng, cái thời bao cấp ăn cơm độn, mua thực phẩm bằng tem phiếu, vậy nhưng ông đã đón tiếp biết bao nhiêu nhà văn, nhà báo từ phía Bắc vào. Vậy thì gia đình nuôi anh em bằng kiểu gì? Nghe tôi hỏi, ông cười và thừa nhận, ngôi nhà mình là nơi dừng chân của rất nhiều các thi nhân, nhà văn. Thời đó, mỗi suất tem phiếu của gia đình ông được mua 13kg gạo. “Thương Phùng Quán từ xa ghé đến thăm, bà vợ đãi gạo cho thật sạch sạn để thể hiện tinh thần mến khách. Mình nhịn ăn đãi khách chứ lấy đâu mà mua thêm”, ông thủng thẳng đáp bằng tiếng Quảng Ngãi chân chất. Và ông cũng chỉ bật mí một chút kỷ niệm như vậy. Còn kể dài dòng, kể có chi tiết để giúp tôi viết thành một bài báo thì ông ngần ngại. Lần nào cũng vậy, ông không muốn nói nhiều về những kỷ niệm của cuộc đời mình.

Năm 2017, ông ký tặng cho tôi cuốn sách Nguyễn Trung Hiếu hợp tuyển, dày hơn 1.000 trang, năm đó ông đã 85 tuổi. Tôi cảm nhận, ông vắt toàn bộ sinh lực cuối đời để thực hiện một tác phẩm với mong muốn lưu dấu lại những khuôn mặt cuộc sống, những vùng đất mà ông đã đi qua. Thỉnh thoảng ông lại hỏi tôi vài câu chuyện về thế sự và đưa ra những phán đoán rất chính xác, sau đó ngồi im lặng rít thuốc. Nhìn lên bức tường xanh xám trong ngôi nhà, bóng ông gầy guộc, mảnh mai như đang chao về phía làn khói thuốc đang tan dần, vụt theo làn gió lùa qua khung cửa.

 Nhà văn Nguyễn Trung Hiếu (bên phải) chụp ảnh lưu niệm với nhà văn Phùng Quán

Thôi, có gì đâu mà viết…

Nguyễn Trung Hiếu sinh năm 1932, tham gia bộ đội chống Pháp, tập kết ra Bắc năm 1954, từ Bắc đi dọc Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Nhiều người gọi ông là nhà văn, nhà thơ, nhưng ông chỉ nhận mình là một cây bút chiến trường viết cho nhiều tờ báo. Mới tiếp xúc với Nguyễn Trung Hiếu, nếu là nhà báo lặn lội đường xa thì sẽ có chút phật lòng bởi cái phất tay của ông và câu nói bằng tiếng Quảng Ngãi “cứng khừ” rằng “thôi, có gì đâu mà viết, uống nước trà rồi kể chuyện đời”.

Nguyễn Trung Hiếu để lại các tác phẩm văn chương nổi tiếng như: Chỗ hẹn đầu cầu, Đất hương vàng, Mùa xuân đến trước; tác phẩm Làng Yên Phú quê tôi được các nhà văn đánh giá có tầm vóc tiểu thuyết và dáng nét của một sử thi, hoàn toàn có thể chuyển thể thành một kịch bản phim hay. Bài Xưa có chuyện Hai Bề, Ba Bộn, ông kể chuyện hai anh em đánh nhau vì tranh giành một bờ ruộng. Sau đó viện dẫn chuyện ngày nay có những địa phương áp giá đất với giá cực rẻ mạt, đền bù cho dân số tiền nhỏ, sau đó giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền với số tiền gấp hàng trăm lần.

Những năm tháng cuối đời, nhiều căn bệnh tấn công liên miên khiến ngọn lửa leo lét trong ông nhiều lần suýt tắt. Những lúc ốm đau, ông thường nhìn lên bầu trời và thả trôi dòng ký ức bất tận, nhớ đến những người mẹ dân tộc đã tần tảo nuôi giấu ông và các đồng chí trên rừng. Ngày ông ốm liệt giường, nhiều nhà văn từ Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng vẫn gửi tặng người bạn chí cốt những cuốn sách mới cùng lời động viên. Ông mất đã mấy tháng mà vẫn có những bạn văn ở Hà Nội nghe tin và gửi tiền phúng điếu.

Nhà văn Lê Quang Trang từng viết về nhà văn, nhà báo Nguyễn Trung Hiếu: “Anh được mời dự lớp nhà báo viết văn trẻ đầu năm 1959. Bên cạnh những bài báo từ mặt trận là những bài thơ, bút ký được viết ra trong điều kiện cực kỳ gian khó. Sự chân thực, chân thành trong ngòi bút của Nguyễn Trung Hiếu chính là sức mạnh đem đến sức lay động, thuyết phục và cảm hóa lòng người”. 

 LÊ VĂN CHƯƠNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top