Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng không gian văn hóa công cộng: Nhiều nơi vẫn chưa tôn trọng...

Thứ Sáu 26/02/2021 | 11:00 GMT+7

VHO-  “TP.HCM đang có kế hoạch phát triển khu trung tâm mới hiện đại Thủ Thiêm bên bờ Đông sông Sài Gòn, nhưng cho đến nay vẫn chưa chính thức xác định được khu trung tâm lịch sử tại bờ Tây, đi kèm với kế hoạch chỉnh trang thành một không gian văn hóa công cộng đặc biệt cho địa phương”.

 Không gian Đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa đọc trên địa bàn TP

KTS Ngô Viết Nam Sơn đã bày tỏ sự tiếc nuối như vậy xung quanh việc hình thành không gian văn hóa công cộng tại TP.HCM. Cùng với ông, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, kiến trúc, đô thị… cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này tại buổi tọa đàm “Không gian văn hóa công cộng tại TP.HCM: Thực trạng và giải pháp” do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT thành phố và Hội KTS TP.HCM vừa tổ chức.

Nhiều đô thị đang bỏ qua tiềm năng di sản lớn

Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects, không gian văn hóa công cộng đóng vai trò quan trọng trong các đô thị, bao gồm nhiều chức năng với bản sắc đa dạng nhằm phục vụ đời sống nhân dân. “Trong quá trình phát triển và mở rộng các đô thị có bề dày lịch sử trên thế giới, thì khi khu trung tâm được mở rộng hoặc di dời sang nơi có không gian rộng hơn để xứng tầm với quy mô của đô thị, điều đó thường tạo cơ hội cho việc hình thành các khu trung tâm lịch sử đóng vai trò một tổ hợp không gian công cộng thân thiện với người đi bộ, với bản sắc địa phương mang đậm dấu ấn văn hóa - lịch sử. Tuy nhiên, đáng tiếc là nhiều đô thị tại Việt Nam có bề dày lịch sử hàng trăm năm đến hàng nghìn năm lại bỏ qua tiềm năng này”, KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ.

TS.KTS Lê Quang Ninh thì cho rằng, TP.HCM có bề dày quá khứ tuy không dài, nhưng chất chứa trong nó những thành tựu đáng nể về mặt đô thị và kiến trúc văn hóa. Các trào lưu kiến trúc bản địa, Đông Dương, đương đại… cùng hội nhập và đủ sức tạo nên diện mạo đặc thù cho Sài Gòn - TP.HCM. Ở góc độ bảo tồn cảnh quan kiến trúc, Thành phố vẫn dựa vào nền tảng của một quá khứ đầy tính văn hóa, lịch sử với đền chùa, thánh thất cùng hệ thống các nhà hát, rạp chiếu bóng… tương xứng với nền văn hóa năng động Á Đông hòa trộn phương Tây trên cả bình diện ngoại hình lẫn công năng công trình. Những kiến tạo mới trong gần nửa thế kỷ gần đây tuy chưa nhiều, nhưng cũng đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị cùng hoạt động văn hóa cộng đồng của cư dân nơi đây.

Theo các chuyên gia, trong những năm qua, TP.HCM đã có những bước đi cụ thể nhằm phát triển hệ thống không gian công cộng, tuy nhiên, thực tế vẫn đang đặt ra những vấn đề đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu để có được những giải pháp đột phá, hiệu quả trong chiến lược tổng thể xây dựng, phát triển Thành phố nhanh và bền vững. PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM khẳng định, so với một số thành phố lớn trong cả nước, TP.HCM đã sớm có sự quan tâm, thúc đẩy phát triển không gian công cộng. Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa được quy hoạch và quản lý đúng tầm, tương xứng với tốc độ đô thị hóa cũng như tầm nhìn phát triển chiến lược của TP. Đối với những không gian hiện hữu, một số địa điểm thiết kế còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa hội tụ được sức sống, sức hút đối với cộng đồng cư dân đa dạng.

Ưu tiên hàng đầu dành cho việc bảo tồn và phát huy di sản

Bày tỏ ý kiến về việc thành phố cần quy hoạch khu trung tâm lịch sử TP.HCM thành trung tâm văn hóa công cộng đặc biệt, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay, mặc dù TP.HCM có lịch sử trên 300 năm, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa chính thức xác định được một khu trung tâm lịch sử, có ranh giới cụ thể, đi kèm với các hướng dẫn và các chính sách khuyến khích thực hiện việc bảo tồn, chỉnh trang, cải tạo mở rộng. Việc bỏ qua cơ hội tiếp tục chỉnh trang và chính thức hình thành một khu trung tâm lịch sử cho TP.HCM trong những năm qua đã dẫn đến nhiều điều đáng tiếc. Đó là thành phố đã mất đi cơ hội tạo lập một không gian văn hóa công cộng với bản sắc lịch sử độc đáo, hấp dẫn khách du lịch, phục vụ tốt nhiều mặt cho cộng đồng dân cư, nhưng lại không tốn nhiều chi phí và thời gian thực hiện, nhờ vào việc dựa trên các công trình đã xây dựng, với không gian cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã có sẵn. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tuột mất cơ hội bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc một cách hiệu quả cho toàn khu vực, dựa trên một quy hoạch bảo tồn và chỉnh trang, thay vì phải ứng phó cục bộ cho từng trường hợp công trình (như Thương xá Tax, tòa nhà UBND thành phố, Thư viện Khoa học tổng hợp, các biệt thự cổ,…).

Để khắc phục những vấn đề trên, theo KTS Sơn, trước mắt, Thành phố cần lưu tâm, chính thức xác định “Khu Trung tâm văn hóa lịch sử” sẽ là “Khu Trung tâm lịch sử của TP.HCM”, với ưu tiên hàng đầu dành cho việc bảo tồn và phát huy di sản, hạn chế tối đa các dự án phát triển mới và cao tầng có thể xâm hại đến giá trị không gian di sản. Bên cạnh đó, cần xác định lại ranh giới cụ thể của “Khu Trung tâm lịch sử của TP.HCM” trong “Khu Trung tâm văn hóa lịch sử” một cách hợp lý và khoa học, trên cơ sở thống kê các công trình di sản, các nghiên cứu lịch sử và khảo cổ. Ranh giới này sẽ bao gồm phần lớn “Khu Trung tâm văn hóa lịch sử” nhưng cắt bớt những khu vực di sản nằm ngoài ranh giới “Khu Trung tâm văn hóa lịch sử”…

TS.KTS Vũ Việt Anh, Hội Kiến trúc sư thành phố khẳng định rằng, giá trị của không gian công cộng ở đây không còn mang ý nghĩa định tính mà còn là chất lượng sống cho con người đô thị. Chính con người, thái độ của người dân đô thị và chính quyền đô thị mới là yếu tố quan trọng, quyết định đối với sự sống còn và chất lượng, hiệu quả của không gian công cộng đô thị. 

 Việc bỏ qua cơ hội tiếp tục chỉnh trang và chính thức hình thành một khu trung tâm lịch sử cho TP.HCM trong những năm qua đã dẫn đến nhiều điều đáng tiếc. Đó là thành phố đã mất đi cơ hội tạo lập một không gian văn hóa công cộng với bản sắc lịch sử độc đáo, hấp dẫn khách du lịch, phục vụ tốt nhiều mặt cho cộng đồng dân cư, nhưng lại không tốn nhiều chi phí và thời gian thực hiện, nhờ vào việc dựa trên các công trình đã xây dựng, với không gian cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã có sẵn…

(TSKH.KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN)

 THÙY TRANG

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top