Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Điện ảnh Việt vẫn giữ được “phong độ”

Thứ Năm 11/02/2021 | 10:58 GMT+7

VHO- Năm 2020 trôi đi theo những đợt sóng Covid-19 khiến cho ai cũng dường như mang một tâm trạng khó tả: Nuối tiếc thời gian cuốn đi những dự định không thành; cảm thấy may mắn vì cuộc sống của chúng ta vẫn cơ bản an toàn trong khi thế giới xáo trộn và phải gánh chịu quá nhiều mất mát vì đại dịch.

Một cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên

Với Điện ảnh, 2020 cũng là năm “đặc biệt”, với những diễn biến chưa từng xảy ra trong lịch sử hơn một thế kỷ kể từ khi ngành nghệ thuật thứ bảy ra đời: Vô số các dự án “bom tấn” của nhiều cường quốc điện ảnh buộc phải hoãn quay, hoãn ngày ra rạp; các nền điện ảnh lớn nhỏ ở tất cả các châu lục đều trì trệ hoặc lao đao vì Covid; hầu hết các liên hoan phim lớn nhỏ trên thế giới đều hoãn hoặc chuyển sang tổ chức online; thảm đỏ và các bữa tiệc điện ảnh hình như chỉ còn là dĩ vãng, là sự “xa xỉ” của quá khứ. Ngành công nghiệp điện ảnh lâm vào tình trạng vô vàn khó khăn.

Những điểm sáng phim Việt

Điện ảnh Việt năm qua cũng trải qua những ngày trầm lắng, thậm chí đã có lúc cực kỳ ảm đạm khi các dự án phim lớn thi nhau lùi ngày quay, hủy lịch ra rạp; toàn bộ hệ thống rạp chiếu phải đóng cửa hàng tháng trời vì cách ly xã hội; Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lẽ ra tổ chức và tháng 11 cũng phải hủy, 2 năm nữa mới quay trở lại (không biết lúc đó còn ai nhớ đến HANIFF nữa không?). Khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy thế, điện ảnh Việt cũng có những điểm sáng. Những ngày tháng đầu năm 2020, cuộc ra rạp thu về hơn 160 tỉ đồng của Gái già lắm chiêu 3 đem đến niềm vui, niềm hy vọng về sức hút của những bộ phim “sạch sẽ và đẹp mắt”, hài mà không nhảm, “giải trí” mà vẫn gửi gắm ít nhiều thông điệp cuộc đời.

Ngay sau thời gian dài giãn cách xã hội, cuối tháng 5, phim chiến tranh Truyền thuyết về Quán Tiên ra rạp và theo trang web độc lập boxofficevietnam.com, phim đứng trong top 5 suốt 2 tuần công chiếu. Đây là điều hiếm hoi đối với các phim được Nhà nước đặt hàng và do các hãng phim tư nhân góp vốn thực hiện. Truyền thuyết về Quán Tiên được truyền thông khen vì những nét mới mẻ khi diễn tả sự tàn khốc của chiến tranh không phải bằng bom rơi đạn nổ mà qua số phận của những người phụ nữ bị giằng xé, khổ đau vì khát vọng yêu - được yêu và nỗi cô đơn, nhưng họ vẫn sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho Tổ quốc. Một bộ phim từng làm dậy sóng dư luận năm 2019 là Ròm, sau một vài lần hoãn ra rạp vì sợ “dính đòn” Covid, cuối cùng cũng được công chiếu vào cuối tháng 9. Đây là bộ phim được làm theo dạng độc lập, vì vậy, khi thu về trên dưới 60 tỉ đồng sau 2 tuần công chiếu thì Ròm đã lập kỷ lục doanh thu của một thể loại vẫn bị cho là khó xem.

Poster phim Ròm

Nguyên nhân thắng lợi của Ròm thì có nhiều, nằm cả ở “trong phim” và “ngoài phim”. Nhiều người cho rằng, sóng dư luận khi bộ phim vướng những lùm xùm về thủ tục duyệt cấp phép với “tin đồn” bị cấm, rồi phim được giải lớn tại Liên hoan phim Busan đã gây tò mò nên kéo người xem đến rạp đông chưa từng thấy ngay từ những ngày đầu tiên (phim thu được 30 tỉ sau 3 ngày đầu công chiếu). Dù sao thành công của Ròm ở rạp chiếu cũng mở đường cho phim độc lập đến với khán giả và đem lại nhiều hy vọng cho các nhà làm phim trẻ.

Bỏ lại đằng sau sự ảm đạm của rạp chiếu phim, bộ phim Tiệc trăng máu ra rạp dịp 20.10, trở thành bom tấn tại Việt Nam sau hơn một tháng, với doanh thu 175 tỉ đồng và lọt vào top 3 phim Việt Nam doanh thu cao nhất! Có thể nói, đây là bộ phim “remake” thành công nhất tính đến thời điểm này cả về doanh thu lẫn phản ứng tích cực của khán giả. Phim được làm theo kịch bản gốc Perfect Strangers của Italia, một kịch bản được làm lại ở 19 nước! Năm 2019, phiên bản phim Hàn ra mắt ở Việt Nam với nhan đề Người quen xa lạ. Nhưng có lẽ phim Tiệc trăng máu là bản phim làm lại ưng ý nhất đối với khán giả Việt. Phim hấp dẫn trước hết bởi cốt truyện kịch tính với nhiều tình huống bất ngờ, dàn diễn viên “tung hứng” ăn ý, tạo sức hút cho mạch phim, nhưng điều khiến phim giữ được khán giả suốt hơn 1 tháng và luôn ở top đầu có lẽ bởi thông điệp thú vị: Cuộc sống sẽ như thế nào nếu mỗi người đều bị phanh phui tất cả những điều họ muốn che giấu, bởi mỗi con người có ba cuộc sống - công khai, riêng tư và bí mật? Từ thành công của Tiệc trăng máu, có thể hy vọng vào một tương lai khả quan của điện ảnh Việt, khi có những sản phẩm chất lượng thì không sợ khán giả quay lưng.

Poster phim Tiệc trăng máu

Và những điều trăn trở

Trước tiên có lẽ là đội ngũ của các hãng phim nhà nước ngày càng mai một, dẫn đến dường như ngày càng không bắt kịp nhịp sống điện ảnh, ngày càng bị “guồng quay” điện ảnh bỏ lại phía sau. Việc cổ phần hóa các hãng phim nhà nước thất bại ở nơi này, không phát huy được hiệu quả ở nơi kia là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rệu rã hiện nay, nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh ngược lại thì thấy trách nhiệm không chỉ của nhà quản lý và sự vận hành của các cơ sở điện ảnh vốn được sinh ra và trưởng thành trong bao cấp mà còn của những người làm nghề.

Những trang vàng trong lịch sử còn đó, công lao của nhiều thế hệ xây đắp nên kho báu điện ảnh cách mạng còn đó, nhưng làm sao có thể “trở lại quá khứ”? Một khi anh không tự đổi mới tư duy sáng tác, không ngày đêm vật vã với nghề thì làm sao có thể theo kịp nhịp sống đang thay đổi như vũ bão? Một vấn đề cụ thể hơn, đó là kịch bản, chất bột ban đầu để gột nên hồ, từ bao năm nay vẫn rất thiếu và rất yếu. Đành rằng khi thiếu kịch bản, có thể mua kịch bản nước ngoài để làm lại phim, nhưng có mấy phim thành công được như Tiệc trăng máu? Vậy phải chăng có thể tìm giải pháp trong kho tàng văn học Việt Nam, bởi chúng ta đã có biết bao phim chuyển thể thành công, trở thành những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt? Trong lĩnh vực phát hành, phổ biến phim cũng tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Hơn 60% phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim. Thực trạng này một phần là hệ lụy từ quy định trong Luật Điện ảnh: Doanh nghiệp phải có rạp chiếu mới được nhập khẩu phim. Thị trường điện ảnh phát triển chủ yếu từ doanh thu phim nhập (chiếm khoảng hơn 70% tổng doanh số), theo đó, nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh. Phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần chiếu phim tại Việt Nam có nguyên nhân sâu xa là khi ký kết Hiệp định Thương mại WTO, Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch phim nhập. Rất nhiều khó khăn và bất cập trong hoạt động điện ảnh là hệ quả của những bất hợp lý và lạc hậu của Luật Điện ảnh hiện hành.

Luật Điện ảnh 2006 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh 2009 được ban hành khi điện ảnh đang tồn tại ở dạng “truyền thống”, nghĩa là điện ảnh phim nhựa - như khi điện ảnh ra đời năm 1895, còn gần chục năm trở lại đây điện ảnh hoàn toàn chuyển sang phim kỹ thuật số, kéo theo toàn bộ những thay đổi trong quy trình sản xuất, phổ biến, phát hành, lưu trữ phim. Mặt khác, Luật Điện ảnh hiện hành xây dựng chủ yếu trên quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật, các điều luật chủ yếu để điều chỉnh các hoạt động sáng tác - phát hành - phổ biến tác phẩm điện ảnh mà chưa quan tâm đến khía cạnh bộ phim là loại hàng hóa đặc biệt của công nghiệp điện ảnh. Vì vậy, Luật Điện ảnh sửa đổi dự kiến trình Quốc hội vào năm 2021 nếu không có thêm những quy định điều chỉnh hoạt động của nền công nghiệp điện ảnh trong môi trường số hóa và khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh thì sẽ khó tạo hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy điện ảnh phát triển.

Tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng điều đáng mừng là điện ảnh Việt Nam vẫn giữ được “phong độ” trong một năm mà mọi ngành công nghiệp giải trí đều rã rời và khủng hoảng vì Covid. Số lượng phim Việt vẫn đạt trên 30 so với gần 40 phim vào năm trước. Chất lượng phim nhìn chung có chiều hướng đi lên. Khán giả quan tâm và yêu thích phim Việt, miễn là phim hay. Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đang phối hợp với “VTV Digital” làm sống lại những tác phẩm điện ảnh trong quá khứ qua các Tuần phim Việt đặc biệt trên “VTV go” và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Điện ảnh không của riêng ai, các tổ chức, cá nhân sẵn sàng chung tay xây dựng ngành nghệ thuật - công nghiệp điện ảnh đầy sức hút này, chỉ mong muốn được Nhà nước khuyến khích, tạo cơ chế phù hợp và điều Poster phim Tiệc trăng máu kiện thuận lợi.

TS NGÔ PHƯƠNG LAN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top