Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cuộc chơi "chân mộc" lan đi nhẹ nhàng

Chủ Nhật 14/02/2021 | 10:47 GMT+7

VHO- Mốt chơi trội của nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê sang trọng và khu du lịch nghỉ dưỡng ở Tây Nguyên bây giờ là trưng treo những vật dụng lao động của đồng bào bản địa Tây Nguyên. Trên các kệ, tường ở gian lễ tân, nhìn những chiếc gùi, nỏ, nơm bắt cá, giỏ đựng cá, xà gạt, liềm, cây lao, trái bầu khô, áo thổ cẩm, chiếc cồng, chiếc chiêng, đến cái kèn Klông pút, Đing năm... thấy dễ thương gì đâu.

Những “không gian” bất ngờ của nghệ thuật sắp đặt (Installation) với vật dụng thân thuộc đó làm “chất liệu”. Rõ ràng các chủ nhân đã thấy được sự quý giá của nó mới “đón” về. Và dĩ nhiên, nếu khách không thấy ý vị khi nhìn những đồ vật kia thì chủ nhân cũng chẳng treo khoe làm gì. Người ta thông minh nên biết tạo bản sắc cho cơ sở của mình, rằng “Nơi đây đang ở Tây Nguyên”, “Chúng tôi có những đặc vị này”... mà Sài Gòn, Hà Nội không có. Bà con ở các Plei, bon, buôn xa không biết điều này. Nếu biết chắc họ ngỡ ngàng, hoặc rất vui vì nó chỉ là vật dụng bình thường, đen đủi, nhúng dưới sình, nhúng trên rẫy, nhúng trong bếp, thậm chí “quê mùa” của chúng mình mà.

Cảnh thanh niên người K’Ho giải trí trong nhà sàn của mình bằng nghệ thuật dân gian truyền thống phổ biến cách đây một phần tư thế kỷ, nhưng giờ gần như không còn, và nhiều người đã bắt đầu đi sưu tầm những nhạc cụ ấy như của quý để trưng bày

1.Đó đây trong những căn nhà bình thường ở phố, hay biệt thự ngoại ô gia chủ cũng tìm đôi hiện vật như thế về chưng. Giữa đồ điện tử xa hoa ti vi màn hình phẳng hiện đại, dàn máy nghe nhạc, kệ để rượu Tây, chiếc Piano, cây Guitar, chậu kiểng... người ta phối điểm chiếc ghè, cây đàn Goong, Ding Páh, Ding Tar tà, chiếc nỏ... thế đó. Cuộc chơi “chân mộc” nên thơ lan đi nhẹ nhàng, thầm ý, như một mạch lắng, ngầm. Có gì đó ngỡ bình thường nhưng thật ra rất tinh tế, tự đòi hỏi vượt qua thông thường.

Và đây đó ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có những người đi sưu tập những bộ vật dụng làm rẫy, có người đi sưu tập bộ vật dụng làm ruộng, người khác thì sưu tập vật dụng trong nhà bếp, vật dụng lễ hội; có người đi sưu tập những bộ ghè (ché), bộ ching (chiêng). Thậm chí có ông chủ cà phê nổi tiếng dựng hẳn cái bảo tàng vật dụng của bà con các dân tộc Tây Nguyên... Nền văn minh rừng núi đang hồi sinh? Không, đừng ngộ nhận thế. Nó không đang hồi sinh, nó đang trằn trọc, và chẳng bao giờ đâu, khi mà không gian cuộc sống, lề lối sinh hoạt, quy trình sản xuất canh tác nông nghiệp, đối tượng cây trồng mưu sinh, cơ hội và tư duy - nhận thức - cảm xúc - đời sống tinh thần - tính tiện ích về  đồ dùng của con người đã dịch chuyển khác. Điệp trùng cây cà phê đã thay cho muôn trùng nương lúa cạn. Xe máy, xe tải, xe hơi đã thay cho đi bộ. Điện đã thay cho đống lửa củi hiu hắt. Âm nhạc trên từng chiếc điện thoại, cái loa di động, cây guitar đã tha cho lựa chọn nhạc cụ tre nứa, tiếng ching (chiêng)...

Mọi thứ tiện ích và đời sống vật chất đang tưng bừng chào đón, và khắp mọi nơi trên quê xứ rừng xưa đều đã khá giả, sung túc lên. Ấy là hội nhập, giao hòa, với đó đây, thời cuộc. Thì khi một thế giới xưa gắn chặt với rừng, nhưng rừng đã ly biệt mù xa, thì những vật dụng cũng như thế giới tinh thần/tâm hồn gắn với rừng cùng nền văn minh lúa rẫy, lúa nước, săn bắn... ấy cũng dần “rời đi” thôi. Dù thế giới thuận thiên là thế giới trong trẻo, chân mộc, nhân bản. “Nhân bản” diễn nghĩa ra thì đơn giản lắm, rằng nó là bản chất gốc của con người thôi, mà bản chất gốc là sự đơn sơ đó. Nên bây giờ, kỷ nguyên này người đời giật mình nhìn lại, nghĩ về những gì trong sáng đã qua. Quy luật trên cả địa cầu này nó thế, càng hiện đại, tiện nghi, nhanh chóng và xô bồ con người càng mơ ước những gì trầm tĩnh, đơn sơ, chất phác. Mà những cái ấy chỉ có thể sinh ra từ cỏ cây, và tâm hồn người đời với cỏ cây. Ấy là cái nền văn minh thảo mộc. Cái nền văn minh đậm quánh, đặc sắc, mọi thứ đều từ rừng, mà ở toàn xứ Tây Nguyên từng là, từng thuộc về.

Một già làng Tây Nguyên với những mẫu sừng trâu ông gom giữ lại làm kỷ vật qua mỗi mùa lễ hội của cộng đồng mình

2.Văn hóa sinh ra từ sự thật ở đời sống, kết tích bằng hàng thế kỷ thấm vào từng tế bào đời sống và viên thành, mà thế giới văn hóa này của Tây Nguyên thì quá mênh mông, như mơ, tưởng tượng, thật mà như huyền ảo. Nó như ta nhớ về Pơ tao Ia, Pơ tao Puih, như ta nhớ về những hình ảnh bà con sơn nguyên ngày nào trên rẫy lúa cạn, những chuyến đi săn, những con thuyền độc mộc trên sông, những cây đàn T’rưng bên bến nước của Plei, bon, buôn những tượng gỗ nhà mồ, những điệu xoang, hay những lời H’mon...

Giữa thời buổi đến cái đầu sinh học còn có ngay máy sấy tóc, chậu chén còn có máy rửa, cái nhành cây bé con còn có kéo điện cắt cành như chớp... thì thảo mộc trong veo làm sao không là thứ “xa xỉ tâm hồn”. Cái gì mất đi người ta mới tiếc nuối. Cái gì lụi tàn nó mới rực rỡ thâm sâu. Loài người bắt đầu khát khao sự thiện lành. Loài người thèm hoài niệm. Loài người bắt đầu đi tìm ký ức. Cái gì đẹp, có giá trị, long lanh thì nó réo gọi xuyên thủng tâm hồn người đời, cho dù không sinh ra và lớn lên trong không gian đó, là người đô thị hay đồng bằng. Dư hương của một nền văn minh độc đáo trên đất nước Việt Nam đầy sinh động và chìm nổi, dư thừa niềm vui và dư thừa chua cay này. Khi nó trở thành ký ức thì nó phát sáng. Nó là sản phẩm của tinh thần. Khác với H’mon, hay “Không gian văn hóa cồng chiêng” là văn hóa phi vật thể, thì những vật dụng thô sơ kia là vật thể, là “thông tin”, là di chỉ, là vật chất chạm, cầm, nhìn thấy được.

Tác giả bài viết với một già làng Tây Nguyên giữa những vật dụng sơn nguyên mà già làng này sưu tầm cả đời để giờ đây khoe với mọi người về nó

3.Trong mạch dòng những người trân quý, thèm hoài niệm, cần ký ức kia, thì chắc chắn sẽ có những người nắm bắt điều đó để đi săn lùng những đồ vật của nền văn minh thảo mộc đó. Người ta sẽ kiếm sống, kiếm tiền, trục lợi trên nó, coi là một “nghề mới”, bằng cách đi vào các Plei nài nỉ, gạ gẫm, xin xỏ, mua, đổi... của bà con để mang về bán cho những người trân quý thèm chưng khoe nó thực sự. Nghĩa là những đồ vật dân dã bình thường đó cũng trở thành “hàng hóa”, và dĩ nhiên nó có thị trường lặng lẽ của nó mà không ồn ào như những hàng hóa thực dụng đại trà thông thường khác.

Nó đặc biệt trong bản chất bình  dị tưởng không có gì đáng giá, “lên ngôi” của nó. Không lẽ xưa, những ai làm đau rừng, tổn hại rừng, gọi là “lâm tặc”, giờ gọi những hạng người này là gì đây. Cuộc đánh vét cuối cùng. Cuộc thăng hoa bi tráng cuối cùng. Khi cái gì phát sáng thì nó phải chấp nhận mọi điều thôi, biết sao giờ. Ta chỉ biết rằng những giá trị của nền văn minh kia đã đến thời rực rỡ tinh thần. Những vật dụng đó lạc hậu? Không, nó không lạc hậu, mà là chân phương, tinh tế, thuộc về một nền văn minh. Nó không tiêu tốn hay bức hại thiên nhiên như những đồ kỹ nghệ gọi là “tiên tiến” hay “hiện đại” máy móc xáo động và bấn loạn giờ. Nên nó sừng sững chói sáng sự thiện lành, thuận hòa trước trời đất. Một nền văn minh đáng giá để tự hào mà các xã hội công nghiệp trôi đi, và họ bắt đầu đi trồng lại rừng xanh và kêu gọi sống chan hòa với thiên nhiên, thôi bóc lột, chống biến đổi khí hậu, v.v... 

NGUYỄN HÀNG TÌNH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top