Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Những bài “ Sim” tình ca

Thứ Bảy 13/02/2021 | 10:24 GMT+7

VHO- Xuân về trên đường 9 Khe Sanh với những rặng hoa mai vàng rực. Hai bờ sông Sê Pôn rộn ràng những cánh bướm tung tỏa. Ở ngã ba Khe Sanh, không khí ngày xuân náo nức, trên đài phát thanh vang lên giai điệu vui tươi: “Người Vân Kiều tấm lòng trong trắng. Như cánh hoa xinh đẹp giữa rừng. Bão tố cây rung mà lòng không lay… Người ơi. Mảnh đất anh hùng vang tiếng Ta Lư giữa rừng xanh bao la”…

Quang cảnh làng Cát, xã Đa Krông huyện Đa Krông Quảng Trị (ảnh trên) Nhà ở của người Vân Kiều ở huyện Hướng Hóa Quảng Trị (ảnh dưới)

Những chuyện đi “Sim”

Nhưng giờ đây cuộc sống mới đang trào dâng bao cảm xúc. Những chuyến hàng từ cửa khẩu Lao Bảo nhộn nhịp qua lại. Khe Sanh trở thành ngã ba dừng chân của du khách. Người đón chúng tôi tại chân tượng đài chiến thắng Khe Sanh là nhà giáo Hồ Xuân Long. Đây là một chuyến du xuân thật bất ngờ bởi không hẹn mà nên. Khi về căn nhà của thầy giáo Hồ Xuân Long chúng tôi mới hay ông là một trong những chuyên gia đầu tiên khôi phục lại chữ viết của người Vân Kiều. Nhất là từ khi tộc người Vân Kiều dọc Trường Sơn xin đổi sang họ Hồ, họ luôn mong tìm về những con chữ của mình. Chung quanh bàn làm việc của thầy Hồ Xuân Long toàn những cuốn sách giáo khoa về chữ viết Vân Kiều. Cùng với công việc tìm lại con chữ thầy giáo Hồ Xuân Long cho biết, người Vân Kiều có nhiều phong tục rất độc đáo thậm chí đến kỳ lạ. Họ vẫn còn gìn giữ cho đến nay.

Chuyện ông kể đầu tiên về tình yêu của con trai con gái Vân Kiều. Đó là chuyện đi “Sim”. Có bạn trẻ hỏi ông rằng: Có phải trai gái đi “Sim” là ngủ thử với nhau không? Ông cười ha hả lắc đầu. Đó chính là sự ngô nghê và hiểu lầm của những người dưới xuôi về nếp sống văn hóa Vân Kiều. Nhất là đối với các bạn trẻ. Đi “Sim” chính là đi hát trao đổi tình cảm bước đầu để tìm hiểu nhau của các đôi trai gái khi đến tuổi trưởng thành. “Sim” chính là một hình thức lễ hội dù dưới hình thức nào, to hay nhỏ, riêng nhóm hay cả bản làng. Muốn đi “Sim” các bạn trẻ buộc phải học thuộc khá nhiều bài hát để đối đáp trao duyên. Nhất là khi con gái buông lời gửi gắm thì con trai phải trao lại những câu ca phù hợp và gợi mở cho câu chuyện nên duyên. Anh chàng nào không đối được phải nhường cho lại sân chơi cho người khác. Cứ thế hai bên cùng đua nhau tỏ bày và khoe giọng hát. Những mối tình nảy sinh cũng từ đây. Hò hẹn qua tình cảm thể hiện mà nên.

Nói đến đây thầy giáo Long cất tiếng hát minh họa. Giọng ông cho dù đã nhuốm màu thời gian ở tuổi 70 nhưng vẫn ấm áp và ngọt ngào. Lời ca cất lên làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì những hình ảnh đầy gợi cảm. Chàng hát rằng: “Bóng em lấp lánh như sao mới mọc. Bóng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu. Ta đi tìm em, em ơi!”. Khi đó người con gái có lời đáp: “Em ước mơ đến anh. Không biết ước mơ có thành không?”. Sau những lời “Sim” thăm dò ấy. Chàng trai có thể tâm tình hơn: “Thương em đến nỗi sầu. Nhớ em đến nỗi ốm. Ước gì gan mật thuộc về nhau”. Nếu có ý tứ và tưởng nhớ đến nhau nàng có thể “Sim” mạnh dạn hơn: “Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh. Muốn thổi kèn A man nhưng lại thiếu một người. Em biết thương ai ngoài anh”. Sau khi tâm hồn đồng điệu người con trai mới hát mơ mộng hơn: “Cái siêng năng em hãy gác lại. Cái lười biếng em hãy cất đi. Ta cùng thức cùng vầng trăng sáng đêm nay. Ta cùng vui theo năm tháng tròn đầy”. Âm sắc ngôn ngữ Vân Kiều thật ấm và ngọt ngào. Thầy giáo Hồ Xuân Long vừa hát vừa giải thích nghĩa từng câu hát cho chúng tôi nghe trong những giai điệu về tình yêu thật tình tứ.

Lễ hội A riêu ping của người Tà Ôi ở Quảng Trị

Lễ trao gươm và cưới ba lần

Tiếp sự tò mò của chúng tôi thầy giáo Hồ Xuân Long kể về chuyện cưới xin hôn nhân của người Vân Kiều thật đặc biệt. Ông nói các bạn trẻ sau khi bày tỏ tình cảm yêu thương và tin tưởng nhau qua những đêm trăng “Sim” như vậy mới báo cáo cho gia đình. Nếu hai bên cùng đồng ý khi đó đôi bạn nam nữ trẻ mới được hẹn hò và qua lại như những người con trong nhà. Nhưng quá trình đi tới hôn nhân càng đòi hỏi sự thử thách của tình yêu và lòng chung thủy của hai người. Nhất là bản lĩnh của người nam.

Đó là nghi lễ cưới hai lần đến ba lần tùy theo mỗi vùng miền. Dân tộc Vân Kiều ở nhiều bản trong mấy huyện miền núi Quảng Trị vẫn còn gìn giữ những quy định mang tính khắt khe này. Đáng chú ý thời gian cưới lần thứ hai hay thứ ba phụ thuộc vào điều kiện của nhà trai. Mà chuyện ăn hỏi cưới xin lần đầu cũng khác lạ. Đến đón dâu nhà trai theo thủ tục phải có một thanh kiếm, chiếc nồi đồng và đồng bạc trắng đem theo cùng các đồ thách cưới của nhà gái. Bà mẹ cô dâu sẽ bắc nồi đồng lên bếp rồi đổ vào đó một lít nước và ngâm đồng bạc trắng. Sau đó bà lấy mũi kiếm cắm xuống bếp bên cạnh nồi đồng. Xong mọi thủ tục đó cô dâu mới được đón về nhà chú rể. Việc trao kiếm trong thủ tục khẳng định lời thề sẽ bảo đảm sự khăng khít hôn nhân đôi lứa. Khi đó thanh kiếm trở thành tài sản (mang yếu tố tâm linh) cho nhà gái. Cả ba lễ vật gộp lại tạo nên sự bảo đảm cho cuộc sống no đủ hạnh phúc bền lâu. Vậy nên vật chất nhà trai mang sang không cần nhiều nhưng thủ tục trao kiếm là quan trọng nhất. Bởi đó là lời thề không bao giờ chia lìa, đồng thời đó cũng là lời hứa sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình. Ấy vậy mà đâu có xong.

Việc cưới lần thứ nhất chỉ được coi là sự trải nghiệm ban đầu. Hai người phải tổ chức cưới lần thứ hai hoặc lần thứ ba mới được bà con dòng họ coi là vợ chồng chính thức. Đây là các bước đòi hỏi sự năng động và tận tụy của người chồng và gia đình. Họ cần phải có tiền để tổ chức cưới lần hai hay lần ba. Xong mọi việc gia đình hạnh phúc mới được viên mãn. Tuy nhiên không ít gia đình khó khăn và việc cưới lần hai phải kéo dài nhiều năm. Không ít nhà đã con đàn cháu đống mà ông bà vẫn chưa tổ chức cưới lần hai được. Thầy giáo Hồ Xuân Long kể, cách đây không lâu có đôi vợ chồng ông Hồ Keeng (60 tuổi) và bà Hồ Két (55 tuổi) ở thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đa Krông mới có đủ tiền cưới lần hai. Họ cưới nhau lần thứ nhất vào năm 1970. Lại còn chuyện ông Hồ Văn Chương, sinh năm 1948 đi bộ đội và làm ăn ở xa. Mãi tới năm 45 tuổi mới về cưới vợ lần đầu (1993). Nhưng do hoàn cảnh gia đình mãi tới 9 năm sau hai người mới có tiền tổ chức lễ cưới lần hai. Họ làm đám cưới cốt được mọi người công nhận là vợ chồng chính thức. Giờ thì thủ tục cưới lần thứ ba cũng đã giảm bớt những việc tổ chức cưới lần thứ hai vẫn còn được bà con Vân Kiều giữ cho đến nay.

Chính vì lẽ sống tâm linh sâu sắc đó mà việc ly hôn của người dân tộc Vân Kiều hiếm khi xảy ra. “Sim” đôi bờ sông Sê Pôn Dòng sông Sê Pôn trải dài biên giới hai nước Việt Lào. Nó chảy quanh huyện Hướng Hóa và qua cửa khẩu Lao Bảo (cách Khe Sanh hơn 20 cây số). Bên hai bờ sông là những bản làng Vân Kiều và bản Lào kết nghĩa tình thân. Khi con nước lên dường như nối lên hai bờ làm một. Vào những đêm trăng trai gái Lào-Việt vẫn thường đi “Sim” như trong một vùng quê hương. Thầy giáo Hồ Xuân Long đã từng làm hiệu phó một trường ở Hướng Hóa nên rất nhớ những kỷ niệm tràn đầy tình hữu nghị nơi đây. Ông bất ngờ cất tiếng hát. Đó là lời của một chàng trai “Sim” cho cô gái Vân Kiều: “Tiếng em nói sao nghe mềm mại như tơ. Tiếng em hát anh nghe vui như tiếng ve mùa hạ. Tiếng em nói vào lòng anh như tiếng cồng từ bên kia suối Pling vọng sang…em ơi!”. Chúng tôi bị cuốn hút bất ngờ với tình yêu thiết tha của chàng trai. Bởi ngay sau đó cô gái Vân Kiều mơ màng đáp lại rằng: “Em muốn anh là con rể của mẹ. Anh săn được con gấu, em muốn anh là con rể của cha…”. Núi rừng rạo rực khi nắng xuân tràn về trong tình yêu tha thiết ngân vang. Đôi mắt của thầy giáo Hồ Xuân Long sáng ngời như một già làng đang thổi chiếc tù và làm rung chuyển núi rừng Trường Sơn.

Tiếng em nói sao nghe mềm mại như tơ. Tiếng em hát anh nghe vui như tiếng ve mùa hạ. Tiếng em nói vào lòng anh như tiếng cồng từ bên kia suối Pling vọng sang… em ơi! Lời của một chàng trai “Sim” cho cô gái Vân Kiều.

VƯƠNG THĂNG LONG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top