Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nhà sử học Dương Trung Quốc với 3 ấn tượng trong năm

Thứ Ba 09/02/2021 | 10:00 GMT+7

VHO- “Nhìn lại năm qua, một năm với biết bao biến động đến từ dịch bệnh, thiên tai... đã làm cho nhiều nền kinh tế khổng lồ, những nước lớn giàu có, năng động cũng bị chao đảo, ngả nghiêng huống chi là những nước đang phát triển như nước ta. Nhưng dường như chính những biến cố mang tầm cỡ toàn cầu như năm qua lại cho thấy rất nhiều điều mà bình thường ta khó hình dung nổi.

Ta đã cùng cả thế giới ứng phó với một thử thách là đại dịch Covid-19 mà qua đó nhận ra những tiềm năng, những giá trị đã tạo nên thành công trong quá khứ, những truyền thống được thức dậy và phát huy và tạo nên những thành quả, đôi khi chính chúng ta cũng cảm thấy bất ngờ và được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và khâm phục. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có quyền tự hào khi tự hiểu mình hơn để tự tin hơn trong bước đường đi tới với nhiều thử thách còn đón đợi ở phía trước”.

Tinh thần đẩy lùi “Côvy” của ngành Y tế

Trong câu chuyện cuối năm với Văn Hóa, nhà nghiên cứu sử học, nhà báo Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đã mở đầu như vậy, và ông luôn nhắc đi nhắc lại về sự cần thiết phải nhận thức sâu sắc hơn những giá trị của truyền thống cũng phải theo kịp với sự thay đổi và phát triển của đời sống hiện đại không chỉ của đất nước và của toàn cầu vì như ông giải thích thêm rằng ngay trong 2 cuộc đại chiến, bom đạn chiến tranh khốc liệt cũng chỉ đến với một số quốc gia tham chiến, còn đại dịch lần này thì hầu như bao phủ trên toàn cầu và cho tới nay, dù đã có vắcxin, nhưng khó ai đoán định được cuộc chiến không tiếng súng này bao giờ chấm dứt.

Thưa ông, năm Canh Tý đã qua đi với biết bao khó khăn, thử thách rất lớn, trong đó phải kể đến “chống dịch như chống giặc”. Với ông, năm qua để lại cho ông những ấn tượng sâu đậm gì?

- Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc: Ấn tượng thứ nhất là: Không mấy ai sống ở Hà Nội có thể quên được tiếng sấm dữ dội khác thường như báo hiệu một năm đầy thử thách sẽ tới, mà những gì đã diễn ra trong suốt năm qua như một hiện thực khắc nghiệt trước đó chưa từng có với bão lũ, sạt lở… trong một bối cảnh đại dịch hoành hành trên toàn cầu cùng với những hậu quả tác động trực tiếp nhất là vào nền kinh tế của đất nước ta…

Nhưng nhắc lại điều đó để chúng ta thấy sâu sắc hơn, tự hào hơn ý nghĩa của những ánh sáng rực rỡ cũng như âm thanh rộn rã của những cuộc bắn pháo hoa gắn với những thành tựu tích cực trên đất nước ta vào những ngày tháng bước từ một năm cũ sang năm mới. Dù rằng đôi khi niềm vui chỉ lộ diện trên ánh mắt nhiều hơn nụ cười vẫn còn phải ẩn dưới chiếc khẩu trang nay đã trở nên “vật bất ly thân” của thời đại chúng ta, thì cảm giác nhẹ nhõm phần nào so với những ngày đầu tiên chúng ta đối mặt với đại dịch giúp chúng ta tự tin hơn để bước vào một năm mới đúng với tinh thần bình thường mới là chung sống an toàn với đại dịch. Sự tự tin đó càng trở nên mạnh mẽ khi ta được động viên bởi bạn bè thế giới đánh giá về những gì Việt Nam đã làm được và cả sự chia sẻ, nỗi cảm thông của chúng ta với những nơi bạn bè chưa khống chế được dịch bệnh. Đúng như điều vị Đại sứ EU ở nước ta đánh giá: “Giữa thời đại dịch, được ở Việt Nam là một may mắn”, điều này càng sâu sắc khi trong nước  mở rộng lòng đưa những người đồng bào của mình từ nơi có dịch bệnh trở về với tinh thần đùm bọc nhưng vẫn không quên sự cảnh giác ngăn chặn sự thâm nhập của dịch bệnh.

Ấn tượng thứ hai là chính vào thời dịch bệnh và thiên tai hoành hành, rất nhiều phẩm chất truyền thống tốt đẹp được trỗi dậy và nhiều sáng tạo xuất hiện. Nó không chỉ khiến chúng ta ứng phó hiệu quả được dịch bệnh kể từ lúc đầu xuất hiện cũng như vài lần tái phát khi ở miền Trung, lúc ở miền Nam…

Ta cũng làm như thiên hạ theo những nguyên lý của nền y học hiện đại, cũng chủ động triển khai nghiên cứu để tự sản xuất vắcxin, đồng thời phối hợp chặt chẽ với y tế thế giới mà gần nhất là với các quốc gia Đông Nam Á… nhưng không quên phát huy những giá trị đã ăn sâu vào đời sống con người và xã hội Việt Nam mà cốt lõi chính là “tình nghĩa đồng bào” lại được thể hiện đậm nét trong hai chữ “đoàn kết”. Diễn giải điều đó có thể ngắn gọn như một nguyên lý được đưa ra như một mệnh lệnh “chống dịch như chống giặc” của người đứng đầu Chính phủ hoặc một cách cụ thể như lời đánh giá mang tính tổng kết của người đứng đầu nền chính trị quốc gia: “Trong những thời khắc đầy khó khăn, thách thức ứng phó với thiên tai, dịch bệnh năm nay, tính ưu việt của hệ thống chính trị nước ta, ý chí, sức mạnh Việt Nam, truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, “thương người như thể thương thân” và sức sống mãnh liệt của dân tộc ta lại được khẳng định và phát huy ở tầm cao mới, rất kịp thời, đúng lúc...”.

Ấn tượng thứ ba, điều này, tôi nhận thức được rõ hơn tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, không chỉ là những con số liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu trên giấy mà ngay trong hiện thực cuộc sống, mỗi người dân có thể nhận thức được cả những khó khăn to lớn và những thành tựu không hề khiêm tốn nếu đặt bên cạnh những thách thức và tai họa mà đất nước ta phải đương đầu, đặc biệt là với miền Trung ruột thịt. Chắc chắn, dù có lạc quan đến mấy thì nỗi lo vẫn canh cánh để nhận thức được rằng những ý niệm về sự “đối phó”, “giải cứu”, “giải pháp tình huống”… phải được thay bằng những thay đổi lớn hơn như cái nội hàm “bình thường mới” mà toàn xã hội cũng như mỗi một người đang trăn trở. Thực tế năm 2020 với sự tác động của thiên tai và dịch bệnh lại chính là cú hích cho sự thay đổi không chỉ nhận thức mà bằng hành động. Ngay cái nghề làm báo hay viết sử cũng vậy…

 Cá nhân tôi cũng nghĩ như vậy. Mặc dù chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống nhưng tôi thấy rằng, năm qua giá trị nhân văn Việt Nam thật sự bừng sáng khiến cho bao nỗi khó khăn, thách thức được xua tan. Theo ông điều gì đã làm nên một sức mạnh Việt Nam như vậy?

- Đây là câu hỏi, là vấn đề rất hay nhưng... sẽ mất nhiều thời gian nữa để đi tìm cho được câu trả lời. Tôi còn nhớ trên diễn đàn Quốc hội có một vị đại biểu đã từng nói đại ý rằng, rất tự hào với sự phát triển kinh tế hôm nay, còn về văn hóa, xã hội thì lại muốn được trở về với thời kỳ xa xưa. Nghĩa là đời sống văn hóa, đạo đức xã hội phát triển chưa cân xứng với thành quả kinh tế... Họ lo lắng là có cơ sở vì “cơn gió” của nền kinh tế thị trường đã “thổi bay” nhiều giá trị xưa cũ.

Trên con đường phát triển của một quốc gia, một dân tộc thì có cái được và cũng sẽ có cái mất đi; có cái thăng hoa cũng có cái lụi tàn, nhưng truyền thống văn hóa dân tộc thì sẽ mãi không bao giờ tan biến, mà ngược lại nó được bồi đắp ở tầng sâu hơn, lắng đọng hơn và chỉ cần có cơ hội là truyền thống đó lại được phát huy lên một tầm cao mới. Đến đây tôi lại nhớ đến cuốn sách Tại sao Việt Nam? của cựu binh Mỹ Archimedes L.A.Patti mà tôi có may mắn hai lần viết Lời giới thiệu. Cuốn sách đó cố gắng đi tìm đáp án cho câu hỏi: “Tại sao nước Mỹ hùng mạnh bậc nhất thế giới lại thất bại thảm hại ở Việt Nam?”. Trong Lời giới thiệu cuốn sách trên, tôi có viết rằng, tôi là người may mắn được chứng kiến một vài sự kiện có ý nghĩa: Hai lần đến Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp của cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara  để mong có câu trả lời về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Câu trả lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Dân tộc Việt Nam luôn mong muốn hoà bình trong độc lập tự do cho nên không có cơ hội nào nhân dân Việt Nam bỏ lỡ để tránh chiến tranh”. Lần con trai của cố Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy đến Việt Nam, thăm hang Pác Bó rồi trở về Hà Nội chào Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với câu hỏi: “Nguồn gốc sức mạnh nào khiến cách mạng Việt Nam giành thắng lợi?”, Đại tướng đã trả lời rằng: “Với các thế hệ trẻ của nước Mỹ, các bạn nên nhớ rằng lịch sử quan hệ Việt-Mỹ không chỉ có những trang đen tối của cuộc chiến tranh...”.

Sở dĩ tôi nhắc lại cuốn sách Tại sao Việt Nam? là để nói rằng, vào thời điểm thập niên 70 của thế kỷ trước, chính người Mỹ trong đó có cựu binh, quan chức, nhà nghiên cứu, nhà báo vẫn đau đầu với “Hội chứng Việt Nam” và họ không thể nào lý giải nổi vì sao Việt Nam lại có thể giành chiến thắng. Tôi nghĩ, đến giờ họ có thể đã có câu trả lời, đó chính là văn hóa, truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Và như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, Những buổi ngày xưa vọng nói về”, ngọn nguồn sức mạnh dân tộc cứ âm thầm, bền bỉ để khi gặp biến cố, thử thách thì nó lại bùng cháy hơn bao giờ hết. Tại sao, Việt Nam có lẽ là như vậy.

Đúng như ông nói, tại thời điểm này chúng ta nên đặt lại câu hỏi theo cuốn sách “Tại sao Việt Nam?”. Vì có đặt ra như thế thì chúng ta mới đồng lòng cùng nhau tìm hiểu, cắt nghĩa nó, rằng trong suốt một năm qua đất nước trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách rất lớn nhưng chúng ta vẫn vượt qua. Và trong sự vượt qua đó tôi thấy tình người, sự cố kết cộng đồng trỗi dậy thật mạnh mẽ. Những nghĩa cử cao đẹp ấy làm cho bức tranh khó khăn trở nên tươi sáng hơn, thưa ông?

- Những ai có phần bi quan hay lo lắng về sự đi xuống của đạo đức xã hội, nói cách khác là nhân cách, phẩm giá con người Việt Nam đang xa rời truyền thống, thì những nghĩa cử cao đẹp, những hành động nhân văn của những cá nhân hay tổ chức xuất hiện trong năm qua sẽ khiến họ suy nghĩ lại. Tại thời điểm này, cá nhân tôi nghĩ rằng, năm qua báo chí, truyền thông và những mạng xã hội đã góp phần khắc họa nên bức tranh đa màu sắc, đa cung bậc cảm xúc về giá trị nhân văn Việt Nam, rồi từ đó truyền đi thông điệp thật đẹp về hai chữ Đồng bào. Tôi cũng rất mong muốn tới đây sẽ có cuộc triển lãm về những câu chuyện này để những ai chưa có dịp đến để chiêm nghiệm, để hãy cùng nhau sống “tử tế” hơn.

Nghe tin bão lũ, sạt lở đất ở miền Trung, một cụ bà bê thùng mỳ tôm gửi đoàn cứu trợ

Không trào dâng cảm xúc sao được khi nhìn thấy một em bé chân trần ở huyện miền núi tỉnh Quảng Nam vác trên vai củ măng to để góp vào chương trình ủng hộ rau xanh cho người dân Đà Nẵng lúc tâm dịch. Hình ảnh ấy thật sự chạm đến triệu triệu trái tim, có sức lay động mạnh mẽ đến toàn xã hội. Hay một đoạn clip ngắn phát trên mạng xã hội ghi lại cảnh một bà cụ đã ngoại 80 bê trên tay thùng mỳ tôm để ủng hộ đồng bào miền Trung đang oằn mình chống lũ, sạt lở đất. Hình ảnh đó thật ngắn ngủi nhưng đủ khiến lồng ngực ta thổn thức trước nghĩa đồng bào. Trong những bối cảnh thật đặc biệt đó chúng ta còn chứng kiến biết bao sáng kiến của tổ chức, cá nhân hướng về những người khó khăn bằng hàng loạt cây ATM gạo, quần áo, nhu yếu phẩm; hàng triệu chiếc bánh chưng từ miền núi cao gửi ngay đến những con người đang gồng mình chống lũ. Rồi trong hoạn nạn, chúng ta được nghe những ca khúc cổ vũ tinh thần toàn dân “Chống dịch như chống giặc” khiến cả những hãng truyền thông uy tín trên thế giới cũng phải hết lòng khen ngợi... Và còn nhiều lắm những cử chỉ, hành động cao đẹp hướng về đồng bào của những “cô Tiên”, “ông Bụt” giữa đời thường…

Chỉ những kỳ tích mới được đặt câu hỏi “tại sao”. Những kỳ tích thời đánh giặc giành độc lập dân tộc năm xưa đang được đúc kết lại. Những kỳ tích ấy sẽ được viết tiếp không chỉ để chống dịch bệnh như chống giặc mà chống dốt nát, đói nghèo, bất công, tụt hậu, dối trá và tham nhũng cũng phải như chống giặc. Thực ra, điều đó đã được xác định ngay từ ngày nước nhà mới độc lập.

Bước sang năm Tân Sửu 2021, ông kỳ vọng vào điều gì nhất, phải chăng đó là một năm mới thật sự Bình an?

- Tân Sửu hiểu đơn giản là “Trâu Mới”. Trâu vốn là biểu tượng của sự Cần Cù, sự dám Đương Đầu, đó là hai phẩm chất luôn cần đối với một Dân tộc cũng như mỗi con người trong sự vươn lên. Năm mới với nhiều cơ hội mới và chắc chắn nhiều thách thức mới càng đòi hỏi những phẩm chất ấy để hướng tới mong ước được bình an để hưởng những thành quả của chính mình, của mỗi dân tộc cũng như toàn Nhân loại.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Chúc ông và gia đình một năm mới Tân Sửu bình an!

 

 

Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới phòng chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt. Trong giai đoạn mới, cả nước cần vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng, chung tay chống dịch dù phải chịu rất nhiều bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ các cụ già tới các em bé đã có vô vàn hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh cả về vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

 

NGUYỄN HÒA (thực hiện)

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top