Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Nghĩa “đồng bào” trong văn hóa Việt Nam

Thứ Ba 09/02/2021 | 08:32 GMT+7

VHO- Năm 2020 là dấu ấn thời gian vô cùng đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Những khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 và đợt lũ lụt lịch sử ở miền Trung thực sự là một thử thách rất lớn đối với sự phát triển đất nước.

Vượt qua khó khăn này không chỉ chứng minh một sức mạnh Việt Nam từ quyết tâm chính trị, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, khoa học đất nước mà còn thể hiện sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc, những yếu tố tinh tuý nhất của con người Việt Nam, đã dẫn dắt đất nước vượt qua ngàn gian khó, chiến thắng mọi kẻ thù để có một đất nước ta “chưa đẹp thế bao giờ”.

Lễ hội đền Hùng. Ảnh: Nguyễn Thế Bằng

1. Sức mạnh Việt Nam đến từ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chia sẻ ngọt bùi trong cả khó khăn, hoạn nạn hay những lúc thanh bình. Cội nguồn sức mạnh ấy đến từ hai từ hết mực thiêng liêng, hết sức gần gũi: ĐỒNG BÀO. Có lẽ, hiếm có một quốc gia, dân tộc nào có truyền thuyết sinh thành dân tộc mình đậm chất lãng mạn và truyền thông điệp yêu thương về tình mẫu tử, phụ tử như người Việt. Truyền thuyết Lạc Long Quân, cha Rồng (người đến từ miền biển) lấy Âu Cơ, mẹ Tiên (người đến từ vùng rừng núi) sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con không chỉ là câu chuyện về sự hình thành dân tộc từ việc kết hợp các yếu tố thiêng liêng của biển cả và núi rừng, từ sự vuông tròn của trời đất qua ẩn ý của con số phiếm chỉ một trăm (rất nhiều) mà còn ngầm ý về một tổ tiên chung được sinh ra từ BỌC TRĂM TRỨNG.

Từ “đồng bào” được sinh ra từ đó. Đồng bào vừa là Nhân dân, vừa là Tổ quốc, song khi ta nói từ “đồng bào”, nó dường như chỉ dành cho người Việt Nam, của riêng người Việt Nam, và thực sự chạm đến trái tim của mỗi người Việt Nam. Hai tiếng “đồng bào” ấy đồng hành cùng lịch sử thăng trầm của dân tộc để trở thành thiêng liêng và gần gũi. Từ ý nghĩa của từ “đồng bào”, chúng ta có thể thấy được rất nhiều sự sẻ chia của người dân để cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ca dao, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói hay về sự chia sẻ này như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Lá lành đùm lá rách”; “Máu chảy ruột mềm”... Từ nghĩa đồng bào, đúc kết qua thời gian, tất cả trở thành những đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.

Người dân nhận gạo từ cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội. Ảnh: Tô Thế

2. Một trong những giây phút thiêng liêng của từ “đồng bào” là lúc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, ngừng lại giây lát, Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Một nốt lặng trong giờ phút đặc biệt của lịch sử được nhấn vào hai chữ “Đồng Bào” để thấy hai chữ đó thiêng liêng và gần gũi đến nhường nào! Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã ba lần nhắc đến từ “đồng bào”. Không những thế, trong các lá thư và trong các lần nói chuyện, Bác Hồ đều dùng “đồng bào”, như: Đồng bào Công giáo, đồng bào Mán, đồng bào hậu phương, đồng bào tản cư, đồng bào Nam Bộ… như thể hiện sự thân tình, gắn bó một nhà. Khi chúng ta nói đến từ “đồng bào”, chúng ta hiểu rằng mình cùng nhau chia sẻ một tổ tiên chung, một niềm vinh dự chung và một trách nhiệm chung với vận mệnh đất nước. Chính từ một ý thức như vậy về tình đoàn kết, dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn để có được cơ đồ như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng viết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những biểu hiện cụ thể, khác nhau và sinh động của tình đoàn kết, yêu nước cũng được thể hiện qua từ “đồng bào”. Phong trào Tôi hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát, bắt đầu từ đêm Giáng sinh năm 1969 tại Sài Gòn rồi lan rộng ra cả miền Nam, chính là tiếng nói phản đối chiến tranh của các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ nghĩa “đồng bào”. Rất nhiều bài hát, bài thơ lấy cảm hứng từ chữ “đồng bào” như một cách thể hiện tình yêu nước. Dậy mà đi, một trong những bài hát truyền cảm hứng nhất trong giai đoạn này, cũng lấy điểm nhấn bằng câu hát: Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!

Những chiếc bánh ân tình được người dân gửi đến đồng bào miền Trung

3. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, bối cảnh xã hội, nghĩa “đồng bào” được biểu hiện bằng những hành động hết sức cụ thể. Cuộc chiến chống Covid-19 và nỗ lực vượt qua thiên tai lũ lụt vừa qua một lần nữa lại chứng minh ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “đồng bào”. Trong bài phát biểu tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” vào tối ngày 17 tháng 10 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tinh thần ấy như sau: “Ở đâu có người nghèo là ở đó có sự hỗ trợ, sẻ chia, có những tấm lòng yêu thương, đùm bọc”, và “Chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta”. Chúng ta thấy biểu hiện của nghĩa “đồng bào” ấy qua nghĩa cử của cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi) ở Thanh Hóa trả lại sổ hộ nghèo để nhường cho những người khác còn nghèo hơn mình; qua hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên lặn lội cứu trợ bà con vùng lũ; qua tấm gương em Nguyễn Ngọc Trinh, học sinh lớp 4 ở Hà Nội tặng toàn bộ tiền lì xì để mua khẩu trang và nước rửa tay cho mọi người; qua sáng kiến về cây ATM gạo hỗ trợ đồng bào khi đối phó với dịch bệnh Covid-19,... và vô vàn những ví dụ không thể kể hết khác đã minh chứng cho nghĩa “đồng bào” có ý nghĩa thiêng liêng thế nào trong cuộc sống của mỗi người và cả dân tộc!

Bác Hồ đã từng dạy: “Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên”1 và “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tôi vẫn luôn tin rằng, một dân tộc trường tồn chính là nhờ sức mạnh của văn hóa. Chính từ nghĩa “đồng bào” thiêng liêng tạo nên sự chia sẻ, đoàn kết, thương yêu đã hun đúc nên một sự tự hào, tinh thần và sức mạnh văn hóa Việt Nam, tạo ra một hành trang giá trị đạo đức cho người Việt Nam vững bước tiến ra thế giới!

 Bác Hồ đã từng dạy: “Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên” và “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top