Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Phim tài liệu độc lập: Những khuôn hình đậm chất đời

Thứ Tư 03/02/2021 | 11:24 GMT+7

VHO- Tiếp cận và khai thác các đề tài nóng hổi về xã hội đương đại thông qua góc nhìn cá nhân, phim tài liệu độc lập được nhiều nhà làm phim quan tâm thực hiện và thu hút sự chú ý của công chúng những năm gần đây.

 Phim tài liệu ra rạp và tự tin sánh vai cùng phim “bom tấn”

Điều này cũng tạo nên kỳ vọng về sự phát triển của dòng phim khiến khán giả suy tư, trăn trở để đi tìm những câu trả lời cho cuộc sống…

Khi phim tài liệu sánh vai cùng “bom tấn”

Từng đoàn người xếp hàng mua vé để vào rạp xem những thước phim chân thực, cảm động về “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân trong bộ phim Lửa Thiện Nhân (2015) của đạo diễn Đặng Hồng Giang là một trong số ấn tượng đậm nét của phim tài liệu Việt Nam thời gian gần đây. Bộ phim nói về hành trình của Thiện Nhân, cậu bé bị bỏ rơi trong rừng Núi Thành (Quảng Nam), thể trạng yếu ớt, thương tật khắp người, rồi được nhận nuôi, được yêu thương, được chữa trị… đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả với hàng trăm suất chiếu tại rạp.

Trước đó, phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) cũng từng gây tiếng vang vào cuối năm 2014 với các suất chiếu liên tiếp “cháy vé” ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam và lượt người xem lên tới 35.000, cho thấy sự quan tâm của khán giả với những câu chuyện đời, chuyện người của Bích Phụng, một người chuyển giới làm bà bầu của gánh hát lô tô (một loại hình hát rong phổ biến ở vùng nông thôn Nam Bộ, thường di chuyển từ vùng này qua vùng khác để biểu diễn tạp kỹ). Hay bộ phim tài liệu Đi tìm Phong, cuốn nhật ký bằng hình ảnh về hành trình chuyển giới của chàng trai 27 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố Quảng Ngãi cũng được nhiều khán giả quan tâm. Phim đã giành được một số giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Grand Prix tại LHP quốc tế Jean Rouch 2015 (Paris, Pháp), giải Khán giả bình chọn ở Viet Film Fest 2016 (Los Angeles, Mỹ), giải Phim xuất sắc ở LHP LGBT quốc tế 2016 (Hy Lạp)... trước khi được phát hành tại phòng vé Việt Nam năm 2018.

Sự xuất hiện của những bộ phim tài liệu ăn khách tại rạp làm nhiều người nhớ tới không khí xếp hàng nườm nượp đi xem phim tài liệu của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy từ những năm 1980. Nhưng sau đó, điều này gần như “tuyệt chủng”. Khoảng 10 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của dòng phim tài liệu độc lập, bên cạnh dòng phim của nhà nước và VTV thực hiện, điện ảnh tài liệu đã ra rạp, tự tin sánh vai cùng phim “bom tấn”.

So với phim tài liệu truyền thống, phim tài liệu độc lập có được thế mạnh là đa dạng về đề tài. Những người làm phim đã mạnh dạn dùng ngôn ngữ điện ảnh đặc thù để nói lên những nỗi niềm của một số cộng đồng vốn được xem là khác biệt, chịu nhiều thiệt thòi bởi sự đánh giá chưa khách quan của xã hội. Là tấm gương phản chiếu hiện thực một cách trung thực, quyết liệt, thẳng thắn, người làm phim đã đi đến tận cùng bản năng sáng tạo nghệ thuật. Điều đáng mừng đó đều là những bộ phim nhân văn, kể về những số phận éo le, khuất lẫn trong cuộc sống xô bồ, từ đó lan tỏa tình yêu thương giữa con người với con người...

 “Đi tìm Phong” thu hút sự quan tâm của khán giả với những câu chuyện về “góc khuất” của người chuyển giới

Hòa cùng hiện thực xã hội

Bên cạnh các nhà làm phim và khán giả, nhiều tổ chức xã hội cũng rất quan tâm tới những thước phim đậm chất đời sống, bộc lộ các vấn đề xã hội và thân phận con người. Tại buổi trò chuyện Phim tài liệu “cùng nhau” độc lập? diễn ra mới đây tại Hà Nội, theo bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI): “Phim tài liệu rất có giá trị, có những phim làm cho mọi người hiểu biết nhiều hơn, tác động tới tâm tư tình cảm và truyền cảm hứng cho họ. Thời gian vừa rồi, chúng tôi có đặt hàng các phim tài liệu ngắn tập trung vào một số chủ đề, thông qua phim tài liệu để thay đổi nhận thức của công chúng. Chúng tôi rất hạnh phúc khi có các nhà làm phim độc lập cùng chung mối quan tâm về các vấn đề xã hội”.

Các tổ chức xã hội và nhà làm phim cũng có thể hợp tác, trợ giúp nhau để phim được thực hiện, ra mắt công chúng. Chẳng hạn, sau khi bộ phim Đi tìm Phong được quay, Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) cũng đang vận động cho Quy định về quyền chuyển đổi giới tính theo Bộ luật Dân sự 2015. Ông Lương Thế Huy, Viện trưởng iSEE cho biết: “Chúng tôi xem bản nháp và thấy rất phù hợp với công việc mình đang làm. Do đó, iSEE hỗ trợ hậu kỳ, đoàn làm phim cũng tạo các đoạn phim ngắn phù hợp với iSEE…”

Đạo diễn, giảng viên Hà Lệ Diễm chia sẻ, quá trình làm phim tài liệu độc lập cũng có nhiều khó khăn, không chỉ về kinh phí, mà còn về thông tin hoặc tiếp cận đối tượng quan tâm. Chẳng hạn, mong muốn làm phim ở Sa Pa, Lào Cai, nhưng không thể tiếp cận với nhân vật, nhờ có sự trợ giúp của iSEE mới có thể hoàn thành bộ phim… Thực tế, nhiều nhà làm phim muốn thực hiện các tác phẩm về một số đối tượng đặc biệt như người nhiễm HIV, bán dâm, vô gia cư... nhưng việc tiếp cận không hề dễ dàng. Trong khi đó, đây lại là công việc nằm trong tầm tay của các tổ chức xã hội. Bà Khuất Thị Hải Oanh cho biết: “Chúng tôi thường làm việc cùng các nhóm “vô hình”, bị xã hội định kiến như người nghiện ma túy, nhiễm HIV, những đứa trẻ không có giấy khai sinh... Thông qua phim tài liệu, những đối tượng này đã được biết đến và được quan tâm. Chúng tôi rất tin tưởng sức mạnh của phim tài liệu!”.

Từng tham gia hỗ trợ nhà làm phim tiếp cận với người bán dâm, bệnh nhân HIV, những người sống ở khu ổ chuột, người đi tù về, người vô gia cư... bà Khuất Thị Hải Oanh nói thêm: “Chúng tôi có thể hợp tác cùng nhà làm phim tài liệu, thậm chí có thể cùng nhau đi tìm nguồn hỗ trợ kinh phí. Để hai bên hiểu nhau hơn, tìm được mối quan tâm chung, nên chăng có những buổi giao lưu, trao đổi. Chẳng hạn, chúng tôi đang thực hiện dự án Chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhà làm phim có mối quan tâm người già có thể gặp nhau ở chỗ chăm sóc sức khỏe cho người già... Nhà làm phim phải làm cho mọi người quan tâm đến chủ đề của mình, còn chúng tôi muốn các nhà làm phim chú ý tới các vấn đề xã hội, nhằm tăng tính hiện diện và thay đổi nhận thức của công chúng...”.

Hy vọng với sự hợp tác này, công chúng sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm tài liệu không chỉ giàu chất nghệ thuật mà còn đậm hơi thở đời sống, tác động sâu sắc tới cảm xúc và nhận thức khán giả. 

 HỒNG NHẬT

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top