Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Chốn thần tiên” nơi Xóm Đảo

Thứ Sáu 22/01/2021 | 11:28 GMT+7

vho- Thư viện Xóm Đảo ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) của anh Nguyễn Văn Pháp đã trở thành địa chỉ thân thuộc của các em nhỏ nơi đây.

  Không gian lý tưởng để bọn trẻ thỏa sức đắm chìm trong thế giới riêng đẹp đẽ của những cuốn sách

Nằm trong khu vườn rợp mát bóng cây, thư viện là không gian lý tưởng để bọn trẻ thỏa sức đắm chìm trong thế giới riêng đẹp đẽ của những cuốn sách.

Có một tình yêu thật đặc biệt

Những người yêu sách, nặng lòng với sách sẽ thể hiện niềm đam mê và tình yêu với sách bằng nhiều cách như: Viết lách, nghiên cứu, sưu tầm… Còn với riêng anh Pháp, tình yêu của anh lại thật đặc biệt khi lập hẳn một thư viện với mong muốn mang sách đến gần hơn với những người dân còn vất vả, lam lũ ở quê mình, nhất là các em nhỏ.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng thư viện, anh Pháp cho biết, mình thật sự may mắn khi được tiếp cận với sách ngay từ nhỏ. Trên chặng đường học tập, làm việc của anh, sách luôn có vai trò quan trọng và là nền tảng để giúp anh vững vàng hơn trong cuộc sống, có những góc nhìn mới hơn để khám phá thế giới… Kiến tha lâu cũng đầy tổ, kho tàng sách của Pháp cứ ngày một nhiều lên. Tuy nhiên anh nhận thấy, mình thì có nhiều sách trong khi ở quê lại không có thư viện cho các bạn trẻ đọc và tham khảo, đó là chưa kể sách không còn được người trẻ “mặn mà” quan tâm như trước kia. Vì lẽ đó, anh nảy ra ý tưởng phải làm việc gì có ích trước khi quá muộn, và thế là thư viện Xóm Đảo dần được hình thành.

“Ban đầu chỉ là một căn phòng đọc sách nhỏ, sau này, khi có kinh phí tôi xây hẳn một thư viện có không gian thoải mái, hiện đại, đầy đủ trang thiết bị cho các “thượng đế” của mình. Sở dĩ, tôi đặt tên là Thư viện Xóm Đảo vì thôn này không khác gì một ốc đảo bị cô lập mỗi khi lũ về”, anh Pháp bộc bạch.

Thư viện Xóm Đảo có khoảng 14.000 đầu sách các loại. Từ sách tham khảo, truyện tranh, sách giải trí thiếu nhi, cho đến các loại sách thuộc các lĩnh vực văn hoá, xã hội, lịch sử, triết học, ngoại ngữ… được chia làm hai không gian phục vụ, một cho các bạn nhỏ, một cho người dân. Có một góc riêng trang trọng để trưng bày nhiều cuốn sách quý, tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp và bố trí rất khoa học.

Hai bạn Phan Thị Bích Châu và Võ Ngọc Quyên là những “fan cứng” của thư viện và đến đây ít nhất hai lần mỗi tuần. Châu hào hứng chia sẻ: “Ngoài những cuốn sách tham khảo, truyện tranh thì em rất thích những cuốn sách khoa học viễn tưởng, giúp em khám phá những điều bí ẩn của cuộc sống, thế giới xung quanh mình. Chúng em thật may mắn khi ở làng quê mà được đọc bao nhiêu là sách hay, lại hoàn toàn miễn phí. Sau này em khi có điều kiện, em rất mong muốn được đóng góp sách cho thư viện của chú Pháp để lan tỏa tinh thần đọc sách đến mọi người”. Còn Quyên thì cho biết: “Chú Pháp là người truyền động lực để giúp chúng em có thói quen đọc sách, giống như một “phép lạ” để em thay đổi bản thân”.

 Các em nhỏ luôn có hứng thú đến với “chốn thần tiên” mang tên Xóm Đảo

Làm nhiều cách để “kích cầu”

Là Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Solvay Business Shool (SBS), Vương quốc Bỉ nên anh Pháp cho rằng sự đóng góp của bản thân cho làng xóm, quê hương cũng là một hình thức kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận ở đây không phải là tiền bạc mà chính là sự thay đổi, phát triển phông nền văn hóa cho người dân quê mình, giúp họ được tiếp cận, trau dồi kiến thức và nhiều hơn thế nữa…

Anh Pháp luôn tìm cách mọi cách “kích cầu” để các em nhỏ có hứng thú đến với thư viện Xóm Đảo. Những ngày lễ tết, 1.6, Trung thu... thư viện thường tổ chức nhiều chương trình, hoạt động để các bạn nhỏ cùng nhau vui chơi và có cả những buổi dã ngoại, du lịch đầy thú vị, giúp các em được trải nghiệm ngoài trang sách. Tuần nào anh Pháp cũng về quê để tổ chức các buổi nói chuyện, khóa học ngắn về các chủ đề như: Nhiếp ảnh, ứng xử, ứng dụng thông minh trên mạng xã hội, kỹ năng sống... “Tôi hy vọng những cuốn sách sẽ giúp ích cho bọn trẻ trong học tập, lớn lên thành người có kiến thức phong phú, khỏe mạnh, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nhất là cơ hội trong việc tiếp cận tri thức”, anh Pháp tâm sự.

Bên cạnh đó, khi thư viện chuyển sang cơ ngơi mới, anh còn thay đổi phương thức quản lý, chọn 5 bạn trẻ thay phiên trực, sắp xếp và bảo quản sách trong thư viện. Các em mượn sách sẽ tự ghi tên vào sổ, khi đến trả sách tự làm thủ tục. Về lâu dài, những việc này sẽ được thực hiện qua máy tính, phần mềm và tự động đến mức tối đa, điều mà không phải thư viện cộng đồng nào cũng có thể làm được. Không chỉ là quản lý sách, mà việc làm này còn giúp cho các em ý thức hơn trong việc giữ gìn và trân quý sách.

Mặc dù thư viện Xóm Đảo chỉ nằm trong quy mô xóm làng, thế nhưng giá trị mà nó mang lại là thật sự to lớn. Hình ảnh các em nhỏ hằng ngày rủ nhau đến thư viện, say sưa với từng trang sách, sự tự hào ánh lên trong mắt khi các em nhắc đến “chốn thần tiên” mang tên Xóm Đảo đủ để thấy giá trị đích thực mà sách mang lại, qua đó lan tỏa văn hóa đọc mạnh mẽ hơn tới các bạn trẻ.

BÁ TRƯỜNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top