Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Kẻ bị màu sắc “thống trị”

Thứ Sáu 08/01/2021 | 11:40 GMT+7

VHO- Người thổi sáo là triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Khai mạc ngày hôm qua, 7.1 tại Trung tâm Art Space (Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam), triển lãm trưng bày gần 60 bức tranh sơn dầu, màu nước, pastel được ông sáng tác trong những năm gần đây.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bên tác phẩm hội họa của mình

 Thừa nhận bản thân không phải là họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc “thống trị”, Người thổi sáo của Nguyễn Quang Thiều thực sự mang đến nhiều bất ngờ cho công chúng cũng như những đồng nghiệp của ông.

Khi nhà thơ triển lãm... tranh

Thông tin của nhóm Nhân sĩ Hà Đông kể lại câu chuyện nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bước vào con đường hội họa có nhiều chi tiết rất thú vị. Ông bắt đầu vẽ từ tháng 1.2005 với lý do thật đơn giản: Ngày đó, một người bạn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là họa sĩ Phạm Long Quận từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà ông. Trưa hôm ấy, nhà thơ lấy 1 tuýp màu bóp nhẹ lên toan. Một sắc vàng lộng lẫy hiện ra và kéo tuột ông chìm đắm vào trong nó. Họa sĩ Phạm Long Quận đã thúc giục nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ, còn nhà thơ thì bị những lời của họa sĩ cùng với nét vàng rực rỡ lồ lộ trên tấm toan lôi cuốn, khiến ông không thể nào cưỡng nổi.

Và chỉ 5 tháng sau, Nguyễn Quang Thiều được nhà văn Hoàng Minh Tường đưa vào cuộc triển lãm có tên “Nhà văn vẽ”, cùng các nhà văn, họa sĩ Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn và Đoàn Lê. Trong triển lãm đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tham gia 14 bức. Ông tặng bạn bè 3 bức, còn lại đã bán hết. Số tiền bán tranh đã giúp ông xây một ngôi nhà nhỏ hai tầng ở làng Chùa cho bố mẹ. Sau đó ông không vẽ nữa và cũng nghĩ mình sẽ không bao giờ vẽ nữa. Ông chỉ nghĩ đơn giản là muốn vẽ thì phải học nhưng ông đã quá tuổi với 48 cái xuân đi qua. Hơn nữa, ông nghĩ mình chẳng còn thời gian để mà tập trung cho chuyện vẽ vời.

Nhưng, một ngày của năm 2012 đã thay đổi Nguyễn Quang Thiều. Một buổi, ông Trịnh Văn Sỹ, thành viên của nhóm Nhân sĩ Hà Đông mời mấy anh em đến nhà chơi. Vừa bước vào phòng khách nhà ông Sỹ, Nguyễn Quang Thiều sững sờ. Trước mắt ông là những bức tranh giấy ông vẽ bằng phấn sáp và mực màu từ 7 năm trước, được đóng khung treo trang trọng. Ông không biết vì sao ông Trịnh Văn Sỹ lại có những bức tranh đó. Câu chuyện ông Trịnh Văn Sỹ kể lại đã làm Nguyễn Quang Thiều thực sự xúc động.

Chuyện rằng, mấy tuần trước khi mất, nhà thơ Dương Kiều Minh gọi ông Sỹ đến, đưa cho ông những bức tranh giấy và nói: “Bác Thiều vẽ những bức tranh này rồi vứt đi. Tôi nhặt và giữ lấy. Bây giờ tôi không thể còn sống lâu được nữa. Tôi biết bác rất quý trọng bác Thiều nên đưa bác giữ”.

Nhà thơ Dương Kiều Minh là hàng xóm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Họ thường ngồi uống trà với nhau vào thời gian rảnh rỗi. Những lúc ấy Nguyễn Quang Thiều hay lấy giấy ra vẽ rồi bỏ đi, như là trò nghịch của một đứa trẻ. Nhà thơ Dương Kiều Minh lặng lẽ nhặt những bức đó và mang về giữ cẩn thận. Cũng năm đó, ông Sỹ xây xong nhà thờ và muốn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng một bức tranh. Nguyễn Quang Thiều lưỡng lự vì đã bỏ vẽ nhiều năm rồi. Nhưng chiều bạn, ông đi mua một cái toan 70 x 90cm và một vài tuýp sơn dầu nhỏ bằng ngón chân cái rồi vẽ bức Người thổi sáo 1. Và bây giờ lấy tên triển lãm là Người thổi sáo. Bức Người thổi sáo 1 sẽ được treo trong triển lãm như là sự khởi đầu.

 Tác phẩm “Người thổi sáo 3”

Nghĩ gì, vẽ nấy

Cái tên Người thổi sáo cũng liên quan đến một câu chuyện trong đời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ngày tháng ông đeo một nỗi phiền muộn không thể thoát ra được. Một sáng, có người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã yêu cầu người ấy thổi cho ông nghe một khúc nhạc. Giai điệu sáo trúc đã chạm vào một nơi chốn nào đó trong con người ông khiến mọi muộn phiền dường như tan biến. Những tháng ngày sau đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng ông không bao giờ thấy người nhạc công bất đắc dĩ đi qua nữa.

Những câu chuyện trên đã dẫn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào thế giới của hội họa và ông biết mình không bao giờ có thể rời xa thế giới ấy được nữa. Ông vẽ không có phác thảo. Ông đứng trước toan, quết nhát đầu tiên lên để rồi cứ thế cuốn theo sức mạnh của ngôn ngữ sắc màu. Có thể những bức tranh của ông là một văn bản khác của thơ ông. Ông đọc thơ để vẽ và vẽ để rồi làm thơ. Đấy là cái vòng tròn đầy ma thuật cứ cuốn ông đi. Nói về con đường hội họa của mình, Nguyễn Quang Thiều giản dị: “Nghĩ cái gì, tôi vẽ cái nấy... Có lúc không biết vẽ cái gì, tôi đọc một bài thơ. Bài thơ vang lên, tôi nhìn thấy một hình ảnh nào đó, và tôi vẽ”. Ông thừa nhận tranh là “một ngôn ngữ khác của thi ca”. Ông đã vẽ nhiều bức tranh từ thơ và làm thơ ca, văn chương thông qua những bức vẽ.

Trên facebook cá nhân của mình những ngày qua, nhà thơ chia sẻ về công việc chuẩn bị cho triển lãm: “Mọi việc mình tự đặt ra cho mình luôn luôn là một thách thức, kể cả việc đi tới điều mà mình mê đắm. Và tôi nhận thấy mê đắm cũng đòi hỏi sự nghiêm túc...”. Không phải là một họa sĩ, và kể cả khi chỉ là “kẻ bị màu sắc thống trị” thì với Nguyễn Quang Thiều, tất cả đều là một sự nghiêm túc. “Tôi có quá ít thời gian cho niềm đắm mê màu sắc này, nên phải tranh thủ từng chút...”, Nguyễn Quang Thiều bộc bạch.

Bạn bè, đồng nghiệp, công chúng, những người thích thơ, văn và con người ông đều tò mò, háo hức đến với Người thổi sáo của tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Họa sĩ Thành Chương chúc mừng nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Tôi đã theo dõi Thiều vẽ từ nhiều năm nay. Thiều là một họa sĩ tài năng và rất khác biệt...”. Họa sĩ Phạm Hà Hải thì viết: “Tôi đã vẽ chân dung anh Thiều và đặt tên bức họa là Nhà văn của những linh hồn. Quan sát những tác phẩm anh Thiều vẽ thì lại gợi cho tôi ý nghĩ, anh là họa sĩ vẽ màu của màn đêm...”. 

 BẢO NGÂN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top