Xung quanh những phát ngôn gây "sốc" của ca sĩ Ngọc Anh:  Nhận định có phần bốc đồng, cảm tính và hồ đồ

VHO- Hôm qua 22.12, trên báo điện tử Dân Việt, ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh cho rằng: “Tôi nghĩ Nghị định 144 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát “nhép”) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) là một sai lầm...”.

Thậm chí ca sĩ này còn nhấn mạnh: “Tôi nghĩ đây là Nghị định đánh dấu sự thụt lùi về văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc”. Trước những nhận định này của ca sĩ Ngọc Anh, phóng viên Văn Hoá đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ, NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL), thành viên Ban soạn thảo Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Xung quanh những phát ngôn gây

P.V: Với vai trò là thành viên của Ban soạn thảo, ông có suy nghĩ gì trước những phát ngôn của ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh khi cho rằng những người soạn thảo Nghị định 144 đã không hiểu bản chất của người làm nghệ thuật khi không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát “nhép”) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) như ở Nghị định trước?

- NSND Nguyễn Quang Vinh: Sáng qua 22.12, tôi có đọc bài viết này và thật sự bất ngờ trước những ý kiến phát biểu của ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh. Tôi cho rằng đây là nhận định có phần bốc đồng, cảm tính và hồ đồ, vì trong Nghị định 144 vừa được Chính phủ ban hành không có bất kỳ một điều, khoản nào quy định cho phép hát “nhép” cả. Không thể vì câu chuyện hát “nhép” mà đánh đồng cho rằng Nghị định mới “đánh dấu sự thụt lùi về văn hóa nghệ thuật”. Có lẽ, ca sĩ này đã không đọc kỹ các điều, khoản được quy định trong Nghị định mới nên mới có đánh giá sai lệch như vậy.

Tôi là một nhạc sĩ và đã hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn lâu năm, cũng như nhiều cộng sự khác trong Ban soạn thảo Nghị định đều là những người am hiểu về chuyên môn. Có những quy định thuộc phạm trù đạo đức nghề nghiệp nên không thể đưa tất cả vào trong Nghị định, nhưng chắc chắn ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh cũng như các nghệ sĩ và những nhà tổ chức biểu diễn nghệ thuật đều hiểu rằng việc hát “nhép”, đàn nhái là điều không bao giờ được cổ xúy. Nói cách khác, dù trong Nghị định lần này không đưa ra quy định cấm hát “nhép”, đàn nhái, nhưng đã là ca sĩ, nghệ sĩ thì tự bản thân họ phải ý thức được điều này trước khán giả và công chúng.

Xung quanh những phát ngôn gây

 Một chương trình nghệ thuật ngoài trời 

 Ông có thể cho biết lý do vì sao Nghị định 144 không đưa cụ thể quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát “nhép”) như ở Nghị định trước đó?

- Cần phải hiểu rằng Nghị định không thể quy định chi tiết đến các hành vi mà việc triển khai thực hiện sẽ thuộc phạm vi và trách nhiệm của ban tổ chức, trưởng đoàn nghệ thuật và cá nhân ca sĩ, họ sẽ phải ý thức rõ nhất về trách nhiệm đối với nghề nghiệp của mình. Không quy định cấm không có nghĩa là cổ xúy. Khán giả bây giờ không giống như 10 năm trước của Nghị định cũ, họ có hiểu biết và phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Vì vậy, nghệ sĩ muốn có khán giả một cách dài lâu và bền vững thì không thể dối trá bằng cách hát “nhép”, đàn nhái mãi được. Khán giả nghệ thuật ngày một “khó tính”, họ toàn quyền quyết định có tới xem biểu diễn hay không, và điều đó phụ thuộc vào chất lượng chương trình cũng như tài năng của nghệ sĩ. Nghị định lần này được thiết kế, xây dựng theo hướng mở, coi nhu cầu thưởng thức, đặc biệt, sự thẩm định của khán giả là phần rất quan trọng.

Xung quanh những phát ngôn gây

 Chia sẻ của ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh trên báo điện tử Dân Việt

 Một số người khi đọc ý kiến của ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã “lật ngược” vấn đề và cho biết nữ ca sĩ này cũng đã từng hát “nhép” ở một số chương trình nghệ thuật lớn, ông nghĩ sao về điều này?

- Thực tế, không chỉ Nguyễn Ngọc Anh mà nhiều ca sĩ ở một số chương trình nghệ thuật phải đảm bảo nhiều yếu tố cũng như chất lượng âm thanh, ví dụ như các show truyền hình trực tiếp, trong không gian biểu diễn quá rộng, hệ thống âm thanh, mic chưa đáp ứng được yêu cầu, người dàn dựng bắt buộc phải sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn. Tuy nhiên, đó là với các chương trình quan trọng, còn các show diễn khác nếu điều kiện âm thanh tốt thì các ca sĩ vẫn phải hát live.

Xung quanh những phát ngôn gây

Đối với một số chương trình nghệ thuật có quy mô lớn, thu hút hàng nghìn người tham dự, nhiều nhà tổ chức bắt buộc sử dụng bản ghi âm trước để tránh những sự cố xảy ra

Thưa nhạc sĩ, ông có điều gì muốn nói với ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh không?

- Tôi và ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã từng hợp tác với nhau ở nhiều chương trình nghệ thuật. Ngọc Anh là một ca sĩ hát live rất tốt. Còn về vấn đề này, tôi cho rằng cô ấy không hiểu bản chất nội dung của Nghị định mới ban hành. Không có một quy định nào khuyến khích cho việc hát “nhép”, đàn nhái.

Trước khi trình Chính phủ ban hành, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị ở miền Nam, miền Bắc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhà quản lý có thâm niên; dự thảo Nghị định được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ cũng như được báo chí đề cập rất nhiều. Nhưng, trên thực tế là ngoài các đối tượng chịu tác động trực tiếp như các doanh nghiệp, các nhà tổ chức biểu diễn quan tâm thì không mấy ai đọc và nghiên cứu kỹ càng. Một văn bản quy định của pháp luật sẽ rất khó có thể thỏa mãn hết được 100% các đối tượng. Tôi cho rằng Nghị định 144 ra đời có mặt tích cực khi gợi mở hơn, khiến cho mỗi ca sĩ phải tự chịu trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm về tiếng hát của mình với công chúng. 

Sáng qua 22.12, tôi có đọc bài viết này và thật sự bất ngờ trước những ý kiến phát biểu của ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh. Tôi cho rằng đây là nhận định có phần bốc đồng, cảm tính và hồ đồ, vì trong Nghị định 144 vừa được Chính phủ ban hành không có bất kỳ một điều, khoản nào quy định cho phép hát “nhép” cả. Không thể vì câu chuyện hát “nhép” mà đánh đồng cho rằng Nghị định mới “đánh dấu sự thụt lùi về văn hóa nghệ thuật”. Có lẽ, ca sĩ này đã không đọc kỹ các điều, khoản được quy định trong Nghị định mới nên mới có đánh giá sai lệch như vậy.

(NSND NGUYỄN QUANG VINH, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL)

 Nghệ sĩ phải tự vượt qua chính mình

Xung quanh những phát ngôn gây

Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn có quy định cấm hay không cấm hát “nhép” thì bản thân mỗi người ca sĩ, nghệ sĩ đều tự thấy trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp của mình, đó là không chấp nhận việc hát “nhép”, đàn nhái khi biểu diễn trực tiếp. Không chỉ với vai trò là ca sĩ biểu diễn mà là một giảng viên dạy học trò của mình tại Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, tôi luôn nhắc nhở các em về việc này. Tuy nhiên, với những chương trình nghệ thuật được truyền hình trực tiếp hoặc những chương trình lớn khác đòi hỏi phải đạt hiệu quả cao về mặt âm thanh trong không gian biểu diễn rộng lớn ngoài trời thì nhà tổ chức bắt buộc phải chấp nhận ghi âm trước để tránh những sự cố rất có thể xảy ra trong khi biểu diễn trực tiếp.

Còn với các chương trình nghệ thuật mang tính chất doanh thu, bán vé, bản thân những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ không chấp nhận việc hát “nhép”, đàn nhái. Đấy là điều rất tối kỵ. Người nghệ sĩ không nên lấy lý do vì Nghị định không quy định cấm hát “nhép” mà lạm dụng hát “nhép”, đàn nhái ở tất cả các chương trình, sự kiện. Nếu như vậy, người nghệ sĩ đó sẽ tự đào thải mình khỏi môi trường khắc nghiệt của âm nhạc bởi khán giả và công chúng ngày càng công tâm, sắc bén hơn trong cảm thụ âm nhạc.

(NSND QUỐC HƯNG, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)

Không có chế tài nào bao hàm được tất cả

Xung quanh những phát ngôn gây

Tôi nghĩ rằng, Nghị định 144 bỏ quy định cấm hát “nhép” phải chăng người soạn thảo phần nào hiểu cái khó cho người nghệ sĩ nên đã nới rộng Nghị định, bởi thực tế là có những chương trình để đảm bảo an toàn yếu tố và chất lượng âm thanh bắt buộc phải sử dụng bản ghi âm trước. Tuy nhiên, với chương trình biểu diễn tại các event, sự kiện, khán giả đã bỏ tiền ra mua vé với mong muốn cảm nhận sự thăng hoa, sự thể hiện trực tiếp từ người nghệ sĩ trên sân khấu, họ cần cảm xúc thật của nghệ sĩ nên sẽ không chấp nhận ca sĩ hát “nhép”. Người nghệ sĩ có lương tâm hay không khi cát-xê vẫn nhận mà lại không hát thật?

Bản thân tôi lúc nào cũng mong muốn mình được hát trực tiếp trong tất cả các chương trình lớn, nhỏ, trừ những sự kiện bắt buộc phải ghi hình trước. Bởi ở đó tôi không chỉ rèn luyện bản lĩnh trên sân khấu, mà còn được giao hoà cảm xúc với dàn nhạc. Nên, người ca sĩ khi đứng trên sân khấu hát trực tiếp sẽ đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ kỹ năng, kinh nghiệm trau dồi từ các sân khấu mức độ vừa phải, nếu không thì anh không thể bước lên sân khấu lớn và vượt qua chính mình. Anh đã hành nghề ca hát thì phải làm tốt chức phận của mình, không có một chế tài nào có thể bao hàm được tất cả.

(Ca sĩ TRỌNG TẤN)

 Không có ai hiểu nhầm Nghị định mới ban hành là cổ xúy cho hát “nhép”

Xung quanh những phát ngôn gây

Nghị định mới ban hành không quy định cấm hát “nhép”, đàn nhái là nhằm mở rộng cho các nhà tổ chức khi có những chương trình nghệ thuật đòi hỏi phải sử dụng bản ghi âm trước thay cho hát live. Tôi cho rằng không có ai hiểu nhầm Nghị định mới ban hành là cổ xúy cho hát “nhép”, đàn nhái hoặc nhằm mục đích phủ nhận vị trí của người nghệ sĩ chuyên nghiệp cả. Ban soạn thảo và các cơ quan có trách nhiệm đã phải nghiên cứu rất kỹ mới đưa ra những quy định về nghệ thuật biểu diễn.

Có chăng, theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước nên có một Thông tư hướng dẫn cụ thể cho những trường hợp nào, quy mô tổ chức nào thì có thể sử dụng bản ghi âm, còn lại là phải hát giọng thật. Trên thực tế, khi nghệ sĩ đi biểu diễn cũng có lúc bị ép hát nhạc ghi âm và khi đĩa bị vấp, bị lỗi thì họ lại bị xấu mặt, mất đi thương hiệu của chính mình. Khán giả là quan tòa vô cùng khách quan và dĩ nhiên những người không đủ tài năng, hát giả dối không thể có chỗ đứng và vị trí trong đời sống âm nhạc.

(Ca sĩ TÙNG DƯƠNG)

 THÚY HIỀN (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc