Vai trò của nghệ thuật trong phát triển con người toàn diện

VHO- Trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Đức đi đôi với tài, nhưng đức phải là gốc”. Trước khi trở thành người tài, chúng ta cần phải là người tốt cái đã. Nếu không, cái tài của một người có thể làm hại không chỉ bản thân anh ta, mà còn tới một cộng đồng, hay cả một dân tộc, thậm chí là toàn thế giới.

Để tạo ra lòng tốt, tính thiện của con người, chúng ta nhất thiết phải dạy con người biết yêu cái đẹp. Vì khi yêu cái đẹp, chúng ta sẽ có sức đề kháng với cái xấu. Khi yêu cái đẹp, chúng ta không muốn sống chung với cái xấu.

 Và đó là điều rất tốt cho sự phát triển văn hóa, đạo đức trong xã hội. Đến với nghệ thuật giúp chúng ta thực hiện được công việc đó. Nghệ thuật có nghĩa là tôn vinh cái đẹp! Vì thế, việc dạy học sinh những môn như mỹ thuật, âm nhạc có nghĩa là chúng ta đang hướng đến mục đích đưa các em đến với cái đẹp, và đây là công việc trồng người. Chính vì vậy, giáo dục nghệ thuật không nên xem là môn phụ, mà phải là môn học chính.

Bên cạnh đó, nghệ thuật còn giúp nâng cao năng lực sáng tạo của mỗi con người do bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Trong bối cảnh đất nước đang hướng đến việc sử dụng sáng tạo như một yếu tố thúc đẩy phát triển đất nước thì nghệ thuật chính là lĩnh vực tạo ra năng lực sáng tạo cho con người. Khoa học đã chứng minh, thông qua việc tham gia vào mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, con người trở nên sáng tạo hơn. Một quốc gia khởi nghiệp tức là một quốc gia sáng tạo, đồng nghĩa với việc nhất thiết phải có những công dân sáng tạo. Nghệ thuật giúp tạo ra những phẩm chất đó của công dân.

Nghệ thuật cũng giúp giải quyết những vấn đề của xã hội. Nghệ thuật giúp công chúng chú ý hơn đến những vấn đề của xã hội. Đầu năm 2020, ở thành phố Mexico, người ta tổ chức trưng bày 200 đôi giày màu đỏ - tượng trưng màu của máu và màu của tình yêu – để thể hiện những bất công đối với phụ nữ. Ở một số quốc gia, người ta đưa nghệ thuật vào nhà tù để các phạm nhân có thể tham gia thực hành nghệ thuật, nhờ đó, khi ra tù, họ có thể hòa nhập tốt hơn đối với cuộc sống xã hội và ít tái phạm hơn. Ở Việt Nam, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật giúp công chúng chú ý đến những vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường, bình đẳng giới, chia sẻ với người nghèo, người gặp khó khăn.

Nghệ thuật giúp biến các địa phương thành địa điểm đáng sống. Theo quy luật, sau khi chúng ta vượt qua mốc thỏa mãn những nhu cầu tự nhiên của mình thì cái đích đến tiếp theo sẽ là nhu cầu tinh thần. Một thành phố trở thành thành phố đáng sống nhờ vào những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đặc biệt của mình, chứ không hẳn vì thành phố này giàu có. Đấy là lý do tại sao, các đô thị trên thế giới có xu hướng xác định bản sắc mới của mình thông qua các sự kiện văn hóa nghệ thuật, các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật, tạo điều kiện để người dân của mình có thể vui chơi cùng nghệ thuật. Quyền văn hóa, trong đó có các yếu tố về quyền được tiếp cận, hưởng thụ, sáng tạo nghệ thuật, để tất cả mọi người, không ai bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực nghệ thuật, trở thành một trong những tiêu chí then chốt để đánh giá sự phát triển của một đô thị, một đất nước. 

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc