Ngành du lịch Campuchia đồng hành với việc không tiêu thụ thịt chó, mèo

VHO- Theo các kết quả nghiên cứu chỉ riêng ở Campuchia, Việt Nam và Indonesia, hơn 10 triệu con chó và mèo bị giết mỗi năm để lấy thịt. Việc buôn bán thịt chó, mèo không chỉ vô cùng tàn nhẫn mà còn có nguy cơ làm xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới từ động vật như Covid-19, và có liên quan đến các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác như bệnh dại.

Chó, mèo bị trao đổi buôn bán thường là những vật nuôi bị bắt trộm, hoặc đi lạc và bị bắt trên đường phố. Chúng bị nhồi nhét trong những chiếc lồng nhỏ, và bị giết hại dã man tại các nhà hàng, chợ và lò mổ trên khắp Đông Nam Á. Điều kiện mất vệ sinh ở các lò mổ, và chợ động vật sống đã tạo điều kiện cho việc lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật, và là nơi sinh sản,phát triển hoàn hảo của những loại bệnh mới, gây ra những hậu quả thảm khốc cho sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Theo nghiên cứu của Four Paws, phần lớn người dân địa phương không ăn thịt chó, mèo, nhiều khách du lịch phản đối việc buôn bán, và cảm thấy kinh hoàng khi chứng kiến cảnh buôn bán thịt chó, mèo ở Đông Nam Á.

Ngành du lịch Campuchia đồng hành với việc không tiêu thụ thịt chó, mèo - Anh 1

Một lò mổ chó ở Campuchia bị đóng cửa

Trong năm 2020, điểm nóng du lịch của Campuchia - Siem Reap - là một điển hình về việc cấm ăn thịt chó. một lò mổ chó tại tỉnh Kampong Thom – đã bị đóng cửa. Lò mổ chó này giết thịt khoảng 3.000 con mỗi năm, sau đó, thịt chó được mang đi tiêu thụ tại Siem Riep.

Ngoài ra ở đất nước này, thịt chó, có tên là 'thịt đặc sản' được tiêu thụ thường xuyên cùng với đồ uống có cồn. Trên khắp đất nước, quảng cáo cho món ăn này có thể được nhìn thấy bên ngoài các nhà hàng gắn liền với nhãn hiệu bia lớn nhất Campuchia. Tuy nhiên, sau khi Four Paws thông tin tới công ty này về trách nhiệm của họ trong việc thúc đẩy hoạt động buôn bán tàn nhẫn, và đầy rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, nhãn hiệu bia này đã hành động ngay lập tức bằng cách tháo dỡ hàng trăm biển quảng cáo của họ bên ngoài các nhà hàng phục vụ thịt chó. Hơn nữa, công ty đã tuyên bố công khai rằng họ không ủng hộ việc tiêu thụ thịt chó, và cam kết sẽ tiếp tục loại bỏ bất kỳ biển quảng cáo nào còn sót lại.

Một triệu người trên toàn thế giới đã ký vào bản kiến nghị của Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu Four Paws nhằm kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo tàn bạo ở Đông Nam Á. Four Paws cũng gửi thư ngỏ tới các Chính phủ Campuchia, Việt Nam và Indonesia về việc cộng đồng thế giới và trong nước mong muốn chống lại việc buôn bán thịt chó, mèo và kêu gọi cần có những hành động, chính sách mạnh mẽ để chấm dứt nạn này.

 “Thông qua giáo dục và hợp tác với chính quyền, cộng đồng địa phương và ngành du lịch, mục đích của Four Paws nhằm kêu gọi Chính phủ các nước Đông Nam Á ban hành, củng cố và thực thi luật bảo vệ động vật, nhằm chấm dứt nạn buôn bán tàn bạo này. Điều này sẽ không chỉ bảo vệ động vật mà còn cả con người khỏi các nguy cơ về sức khỏe cộng đồng. Đại dịch Covid-19 gần đây đã đưa ra thực tế rõ ràng về sự nguy hiểm của việc buôn bán động vật sống, các hoạt động không đảm bảo vệ sinh, đối xử tàn bạo và điều kiện giam nhốt chật chội dẫn đến một số động vật bị bệnh, trong đó có chó, mèo là nguyên nhân của các loại virus mới”, đại diện Four Paws chia sẻ.

VIỆT HOA

Ý kiến bạn đọc