Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Về đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh”: Có là giấc mơ trưa

Thứ Sáu 25/09/2020 | 11:51 GMT+7

VHO- Có thể thấy, nhìn vào “bức tranh” phối cảnh cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh”, do Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường JVE (Công ty JVE) đề xuất thì người khó tính đến mấy cũng phải... mơ ước. 

 Phối cảnh một đoạn sông Tô Lịch sau khi được cải tạo do Công ty JVE cung cấp 

Có điều biến mơ ước ấy thành hiện thực được không mới là vấn đề, trong khi nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực đã nhấn mạnh rằng, “nhìn qua thì đã thấy tính khả thi không cao”. 
Tại buổi “Gặp mặt chia sẻ thông tin về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh” diễn ra hôm 22.9, đại diện Công ty JVE đã “cam kết”: “Nếu được phê duyệt và triển khai thành công, dự án sẽ giúp hồi sinh và khẳng định vị thế của dòng sông đã gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến”. Rồi nữa, “JVE và liên doanh... không có bất cứ yêu cầu, điều kiện ràng buộc nào với thành phố như việc cho ưu đãi thuế trong bao nhiêu năm, hay nhà đầu tư sẽ được kinh doanh, khai thác du lịch có thời hạn trên sông Tô Lịch hay đề xuất thành phố sẽ ưu đãi một số loại thuế cho doanh nghiệp như đề xuất của một doanh nghiệp khác trên địa bàn Hà Nội”. JVE còn khẳng định, “đây không phải là một dự án để JVE làm giàu, kiếm lợi nhuận hay cũng không phải là dự án mà các bạn Nhật Bản coi là kiếm thặng dư. Nếu vì lợi nhuận thì JVE và các bạn đối tác Tổng thầu Nhật Bản sẽ chọn hướng đầu tư khác chứ không đầu tư vào dòng sông Tô Lịch ô nhiễm này, nơi có vấn đề hết sức nhạy cảm ảnh hưởng đến Thủ đô Hà Nội và cả nước, được dư luận quan tâm từ bấy lâu nay”. 
Những “tuyên bố” trên dư luận sẽ tạm tin, nhưng vấn đề rất quan trọng nếu không dám nói là đầu tiên phải tính đến chính là kinh phí ở đâu ra, và bao nhiêu thì Công ty JVE thông tin theo kiểu “úp mở”. Ví như, “Phương án tài chính: Sẽ công bố chi tiết sau khi được thành phố phê duyệt-Nguồn vốn phía Nhật Bản”; “Dự kiến tổng mức đầu tư: sẽ công bố sau khi được thành phố phê duyệt”. Với những kiểu thông tin “nửa kín, nửa hở” ấy của nhà đề xuất liệu có làm cho dư luận xã hội đặt “niềm tin và hy vọng” đổi đời cho dòng sông này? Chắc chắn là khó. 
Trao đổi với chúng tôi ở khía cạnh này, nguyên một đại biểu Quốc hội cho biết, dù thế nào đi chăng nữa thì động thái này Công ty JVE phần nào đó mang lại sự lạc quan cho người dân để họ tiếp tục mộng mơ về một con sông trong, sạch ở thời tương lai chứ chưa dám nghĩ đến công viên này, công viên kia. Cũng chính đề xuất ý tưởng táo bạo đó từ phía JVE sẽ góp phần tác động đến chính quyền thành phố cần phải quan tâm hơn đối với con sông Tô Lịch. Đã nhiều thập kỷ qua sông Tô Lịch chịu cảnh oằn mình vì ô nhiễm và cũng ngần ấy thời gian, cơ quan Bộ, ngành Trung ương và thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, dự án để “cứu” dòng sông. Nhưng tất thảy mới chỉ dừng lại trên giấy. 
“Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng một giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch từ Công ty JVE, nhưng cũng xin nói thật là không dám tin. Sở dĩ phải nói như vậy là bởi dự án cải tạo sông Tô Lịch với một giải pháp tổng thể là một dự án rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, cấp độ và từ Trung ương đến thành phố. Nếu chỉ có công ty ấy thôi và những nguồn lực đang không biết như thế nào chắc sẽ không đi được xa...”, vị nguyên đại biểu Quốc hội này chia sẻ. 
Từ khi đề xuất của Công ty JVE được “tung” rất hoành tráng trên báo chí, chúng tôi đã tiếp cận với rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hoá, bảo tồn di sản, khảo cổ cho đến kiến trúc, môi trường... Họ đều là những chuyên gia rất có uy tín, và đều bày tỏ với chúng tôi là hoàn toàn ủng hộ ý tưởng mạnh mẽ, táo bạo đó của Công ty JVE. Theo họ, cá nhân hay đơn vị hoặc tổ chức nào có thể làm trong, sạch lại sông Tô Lịch thì đều hoan nghênh, ủng hộ, thậm chí tư vấn miễn phí, miễn sao dự án được triển khai. Tuy nhiên, sự ủng hộ, hoan nghênh phải đồng nghĩa với việc dự án đó cần đảm bảo tính khả thi và được triển khai, thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc chứ không vì một lý do nào đó để quảng bá rầm rộ rồi chìm nghỉm như một số dự án khác. 

 LÂM SƠN 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top