Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Về chủ trương mặc áo dài ở Thừa Thiên Huế: Không ngại “ngược dòng” để bảo vệ cái đúng

Thứ Sáu 25/09/2020 | 11:49 GMT+7

VHO- Thời gian vừa qua, việc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế có sáng kiến cho cán bộ, công chức mặc đồng phục áo dài trong ngày thứ Hai đầu tuần đã thu hút nhiều luồng ý kiến thảo luận sôi nổi. Bên cạnh ý kiến ủng hộ, còn có những băn khoăn hoặc phản đối, tuy nhiên, các ý kiến này không dựa vào sự nghiên cứu chức năng của trang phục mà hầu hết đều là những nhận xét cảm tính.

 Cán bộ, nhân viên Sở VHTT Thừa Thiên Huế trong trang phục áo dài ngũ thân

Trong khuôn khổ bài viết này, TS Trần Hữu Sơn (Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng) sẽ đưa ra những phân tích dưới góc độ chức năng của áo dài để rộng đường dư luận.

Áo dài là tín hiệu văn hóa

Chức năng đầu tiên của trang phục là bảo vệ cơ thể con người trước tác động của môi trường. Trang phục cũng như mũ, nón, ô dù là để che nắng, che mưa và giảm thiểu những tác hại của khí hậu, môi trường. Chức năng thứ hai là chức năng thẩm mỹ, từ “thường dân áo vải” đến vua chúa, quan lại đều có nhu cầu “khoe” vẻ đẹp của mình qua quần áo mặc bên ngoài; chức năng này hoàn toàn phụ thuộc vào đặc trưng văn hóa, môi trường và tâm lý của mỗi tộc người. Chức năng thứ ba, quan trọng nhất, là chức năng ký hiệu, phản ánh các đặc trưng lịch sử, văn hóa, xã hội của các dân tộc. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, năm 1744, Chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến việc sửa đổi y phục. Chính vì thế, chiếc áo dài xứ Huế đã in đậm dấu ấn của vương triều Nguyễn thế kỷ XVIII. Chức năng ký hiệu còn phản ánh thành phần, nghề nghiệp, tuổi tác… của người mặc. Tất cả các bộ phận của trang phục từ khăn đội đầu, chiếc áo, màu sắc, chiếc quần, thẻ bài đều là những thông điệp trong giao tiếp.

Bằng góc nhìn chức năng để phân tích về trang phục áo dài, trước hết ta thấy áo dài rất phù hợp với môi trường, cảnh quan thanh bình, tĩnh lặng của đất Kinh kỳ. Nhưng điều quan trọng hơn, Huế là Cố đô của nước ta, là thành phố di sản, dấu ấn lịch sử đã thấm đẫm trong kiến trúc, cảnh quan. Bên cạnh đó, ẩm thực Huế, tiếng nói Huế cũng làm cho không gian văn hóa Huế có chiều sâu lịch sử. Nhưng cả không gian đó nếu thiếu áo dài thì sẽ mất đi vẻ đẹp của “chất Huế”, hồn Huế.

Huế là Cố đô nhưng cũng là trung tâm giao tiếp luôn rộng mở đón chào du khách bốn phương. Năm 2019, Huế đã đón 4,8 triệu lượt du khách đến khám phá văn hóa bản địa độc đáo. Trong đó, trang phục là thành tố đặc thù của sự độc đáo đó. Trang phục áo dài của nam, nữ Huế đã trở thành tín hiệu văn hóa luôn thường trực trong giao tiếp với du khách nước ngoài. Khi tiếp khách, bộ trang phục Huế với tấm thẻ bài in dòng chữ “Nguyên phong chấp sự” (Gìn giữ văn hóa xưa) chính là thông điệp mà người Huế muốn chuyển tải tới du khách. Du khách đến Huế, tiếp xúc với người dân, với công chức mặc áo dài như khám phá ra đặc trưng văn hóa Huế, chắc chắn ai cũng đồng tình với thông điệp này.

Một đặc điểm nổi bật của chức năng ký hiệu trong trang phục là tính cộng đồng. Trang phục được coi là một hệ thống tín hiệu của cộng đồng chứ không phải đơn lẻ của một cá nhân. Vì vậy, cộng đồng công chức, viên chức Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng lòng thực hiện sáng kiến mặc trang phục áo dài trong ngày thứ Hai thì chúng ta cần tôn trọng.

... và biểu hiện của sự đa dạng văn hóa

Về trang phục công sở, Chính phủ đã có riêng một quy định: “Lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức: bộ complet, áo sơ mi, cà vạt. Lễ phục của nữ cán bộ, công chức, viên chức: áo dài truyền thống, bộ complet nữ”. Nhưng, trong quyết định của Chính phủ cũng ghi rõ: “Ngoài nguyên tắc chung nêu trên, mỗi ngành, địa phương lại có quy định riêng về việc các chủ thể phải ăn mặc thế nào khi đi làm, tùy thuộc vào nhiệm vụ cụ thể từng công chức”. Do đó, sáng kiến của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế là hoàn toàn phù hợp với quy định của Chính phủ. Mặt khác, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) luôn đề cao vai trò của đa dạng văn hóa với sự phát triển bền vững. Trang phục áo dài của nam cũng như nữ ở Thừa Thiên Huế là một biểu hiện sinh động của sự đa dạng văn hóa.

Ngày 4.10.2003, Lào Cai tổ chức 100 năm du lịch Sa Pa và có mời đoàn các nhà khoa học Pháp đến xem biểu diễn nghệ thuật. Khi xem xong, giáo sư Alexandere Roy ở trường Đại học Bordeaux đã nhận xét: “Chương trình hay nhưng trang phục dở. Tại sao các ông không sử dụng trang phục truyền thống của người Hmông, người Dao mà cứ dùng những bộ trang phục “văn công” không biết của dân tộc nào biểu diễn. Trong du lịch cũng vậy, tôi đến Huế và ra Hà Nội vẫn chỉ thấy nam giới mặc comple. Giá như các bạn mặc áo dài truyền thống có phải hay biết bao!”. Quả đúng như vậy, trang phục không chỉ khoe vẻ đẹp mà quan trọng hơn còn là thông điệp gửi đến du khách bốn phương về nền văn hóa riêng của dân tộc mình, địa phương mình, đất nước mình. Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao Lào Cai (nay là Sở VHTTDL) ngay sau đó đã có văn bản đề nghị các điểm du lịch đều mặc trang phục truyền thống trong biểu diễn, giao tiếp, sự kiện...

Và đến hôm nay, sáng kiến của Sở VHTT Thừa Thiên Huế quy định toàn thể công chức, nam nữ mặc áo dài vào thứ Hai hằng tuần là một sáng kiến tuyệt vời. Tất nhiên, khi cái mới bắt đầu luôn nhận nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối. Bản lĩnh của người quản lý là phải bình tĩnh và không ngại “ngược dòng” để bảo vệ cái đúng. Sáng kiến này đòi hỏi phải có thời gian để có thể trở thành tập quán. Ở đây, cần có sự lên tiếng ủng hộ của các nhà chuyên môn, nhưng cũng cần có sự tuyên truyền của hệ thống thông tin đại chúng. Chúng tôi hy vọng sáng kiến của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ được áp dụng trong ngành Văn hóa và Thể thao mà còn lan tỏa trong tất cả công chức của vùng đất Cố đô. 

 TS TRẦN HỮU SƠN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top