Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Về chủ trương mặc áo dài ở Thừa Thiên Huế: Đã đến lúc cần đặt lại việc nối tiếp trang phục truyền thống

Thứ Tư 23/09/2020 | 11:20 GMT+7

VHO- Hơn nửa tháng đã qua kể từ hôm công chức và viên chức Văn phòng Sở VHTT Thừa Thiên Huế mặc trang phục áo dài truyền thống làm lễ chào cờ vào sáng thứ Hai đầu tháng làm dấy lên hàng loạt ý kiến đa chiều. Có những ý kiến tán đồng nhưng đề nghị cần xem xét điều chỉnh, để tiến tới một bộ trang phục truyền thống nam giới phù hợp hơn ở công sở.

 Cán bộ, công chức ngành Văn hóa Thừa Thiên Huế mặc áo dài truyền thống, ảnh chụp tại chùa Thiên Mụ

Đến nay, gần như những tranh luận đã dần lắng xuống, nhường chỗ cho những suy nghĩ cẩn trọng hơn về một vấn đề khá nghiêm túc: Người Việt Nam có cần nối tiếp nguồn mạch để dựng lại bản sắc trang phục truyền thống hay không?

Không phải bỗng dưng hay vì ngẫu hứng đâu

Kể cũng lạ, lâu nay phụ nữ Việt Nam và cả nam giới đều tự hào về chiếc áo dài duyên dáng của nữ giới. Khi có ai đó ở nước khác mạo nhận áo dài nữ là trang phục của nước họ, thì lập tức có rất nhiều ý kiến phản bác, kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền phải sớm xây dựng bộ hồ sơ trình UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam để bảo vệ những giá trị văn hóa đặc sắc của đất nước. Cũng không có người nào phản đối phụ nữ mặc áo dài đến công sở; không một ai tỏ ý thương xót chị em mặc áo dài sẽ bất tiện khi sinh hoạt, làm việc; chẳng có ai dè bỉu phụ nữ mặc áo dài là tốn kém, là lạc hậu, là cổ hủ, là khôi phục tàn dư phong kiến, xa cách với người dân...

Nhưng khi nam giới mặc áo dài ngũ thân trang trọng và may khá đẹp thì lại dậy sóng. Chẳng lẽ áo dài nam ngũ thân đúng kiểu truyền thống không phải là trang phục mang bản sắc văn hóa trang phục của người Việt Nam? Không phải bỗng dưng hay vì ngẫu hứng mà công chức, viên chức ngành Văn hóa Thừa Thiên Huế lại nảy ra sáng kiến mặc trang phục áo dài truyền thống làm lễ chào cờ đầu tháng. Đây thực sự là một cuộc vận động nằm trong chủ trương lớn của tỉnh này qua quá trình khôi phục và phát huy vị thế của một vùng đất di sản. Đã hàng chục năm nay, Huế là nơi tổ chức định kỳ Lễ hội Áo dài gắn với Festival Huế, nơi đã quy định nữ công chức, viên chức và học sinh mặc áo dài đầu tuần, nơi chủ trương không thu vé tham quan khi phụ nữ mặc áo dài vào các di tích trong những ngày 8.3, 20.10… Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mặc bộ áo dài ngũ thân trang trọng tiếp Đại sứ Australia tại Huế ngày 20.7 vừa qua đã tạo được một ấn tượng ngoại giao rất lý thú.

Trong khắp các xã phường, người dân xứ Huế vẫn mặc áo dài nam trong dịp tế lễ, các buổi sinh hoạt lễ nghi tại các nhà thờ họ tộc, trong đình, chùa và cả nhà thờ Công giáo, nối tiếp hình ảnh áo dài cả nam và nữ từng là trang phục, lễ phục truyền thống của dân tộc, nhất là ở vùng đất Kinh kỳ. Thừa Thiên Huế đã từng tổ chức lễ tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát, người khai sáng chiếc áo dài ngũ thân, tri ân vua Minh Mạng, người đã phổ biến áo dài ngũ thân trở thành quốc phục của cả nước. Thừa Thiên Huế đang trong quá trình thực hiện đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”; chuẩn bị cẩn trọng để xây dựng bộ hồ sơ công nhận áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Trang phục áo dài Việt Nam sản sinh từ kinh thành Phú Xuân - Huế đã từng bước được điều chỉnh để trở thành trang phục chung cho nam giới và phụ nữ Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm cùng thế cuộc, từ “chiếc nôi” ở Huế, áo dài ngũ thân đã trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu.

Có khi cứ bám vào Âu phục như hiện nay mới là cổ hủ?

Với Huế, vùng đất Kinh kỳ vang bóng một thời, chiếc áo dài lại rất đa dạng. Áo dài nữ không chỉ là trang phục phổ biến trong cả nước, mà bên cạnh đó còn có bộ áo dài Nhật Bình, với khăn vành, khăn vấn “mệnh phụ”, ảnh hưởng từ trang phục ở hậu cung triều Nguyễn. Chiếc áo dài của phụ nữ quyền quý thường là áo kép, đường kim mũi chỉ tinh tế, màu sắc tao nhã; có những bộ áo dài xưa đẹp như một tác phẩm mỹ thuật. Áo dài ngũ thân truyền thống nam không chỉ là chiếc áo dài đen đơn sơ như dạng lễ phục cổ truyền nơi làng xã, đôi lúc làm những người trẻ ngần ngại không dám mặc, áo dài ngũ thân nam truyền thống của đất Kinh kỳ còn là những chiếc áo dài đa sắc màu, tùy theo chức phận, như màu tía, màu cổ đồng, màu thiên thanh, màu xanh lam… kiểu dáng trang nghiêm, giản dị mà chững chạc.

Chiếc áo dài màu xanh lam mà công chức, viên chức khối Văn phòng Sở VHTT Thừa Thiên Huế mặc vào sáng Thứ hai đầu tháng được may theo kiểu áo dài ngũ thân truyền thống Huế. Đây không phải là chiếc áo dài đen dân dã phổ biến ở các làng xã trong cả nước, cũng không phải là dạng áo dài cách tân, áo dài trình diễn trên sân khấu. Những người trực tiếp mặc, khi trả lời phỏng vấn báo chí đã phát biểu: “Bản thân tôi không thấy bất tiện, vướng víu gì cả, thậm chí rất thích mặc, bởi áo dài ngũ thân đẹp và ý nghĩa”. Chỉ có điều, trên chiếc áo dài nam lại gắn thẻ bài với dòng chữ Hán “nguyên phong chấp sự” (tạm hiểu là: giữ gìn nếp xưa) có lẽ không thật cần thiết và cũng không mấy người đọc được, hiểu được. Hình ảnh mọi người đều cùng mặc áo một màu, nam là màu xanh lam, nữ là màu tím có thêu giống nhau, gợi nên một dạng đồng phục đơn điệu, đặc biệt đối với phụ nữ. Cũng không nhất thiết đòi hỏi áo dài nam phải đúng loại vải như xưa, mà quan trọng là giữ được phong cách truyền thống nhưng vẫn phù hợp với sinh hoạt công sở thời hiện đại. Có lẽ, từ sự thể nghiệm tại Văn phòng Sở VHTT cũng nên điều chỉnh, hoàn thiện để áo dài trở thành trang phục đặc trưng của ngành Văn hóa ở xứ Cố đô.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều quốc gia vẫn đang bắt nhịp với hơi thở của thời đại, nhưng đồng thời lại nỗ lực chấn hưng những giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc mình trên nhiều mặt, trong đó có trang phục dân tộc. Phong cách thời trang của thế giới cũng đang khai thác nét đẹp từ truyền thống. Nói như GS.TS Thái Kim Lan, một phụ nữ Việt Nam tham gia công tác giảng dạy đại học tại Đức, là có nên điều chỉnh sự mặc định hình ảnh người đàn ông gắn liền với Âu phục từ thời Tây thuộc đến bây giờ hay không: “Ở một góc nhìn khác,… có khi cứ bám vào Âu phục như hiện nay mới là cổ hủ”. Trang phục có cả truyền thống, cả hiện đại, cả thời trang. Trang phục công sở của Việt Nam cũng chỉ yêu cầu thực hiện đúng Điểm 5, Mục 1 của Quyết định số 129/2007/ QĐ/TTg ngày 2.8.2007 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước “Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự”. 

 Áo dài nữ đã mặc nhiên được xem là trang phục công sở bên cạnh Âu phục, áo dài nam cũng nên được xem là một kiểu trang phục công sở gọn gàng, lịch sự, vừa trang nghiêm, có tính truyền thống mà vẫn tạo được thẩm mỹ đặc trưng của người Việt Nam, bên cạnh Âu phục vẫn quen dùng. Nên chăng đã đến lúc cần đặt lại vấn đề nối tiếp trang phục truyền thống của Việt Nam?

 Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top