Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Con đường gốm sứ từ An Dương đến cầu Nhật Tân: Triệu viên gốm ghép nên tình yêu Hà Nội

Thứ Sáu 24/07/2020 | 11:21 GMT+7

VHO-  Thông tin UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương về việc triển khai con đường gốm sứ đoạn từ cửa khẩu An Dương đến cầu Nhật Tân theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội đã mang đến sự thích thú, tò mò với những người sống và gắn bó với mảnh đất Thủ đô.

Một đoạn trên Con đường gốm sứ

Những nét chấm phá về mảnh đất, con người và truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội sẽ tiếp tục được khắc họa trên những mảnh tường ghép nối từ triệu triệu viên gốm nhỏ. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả công trình nghệ thuật Con đường gốm sứ ven sông Hồng bật mí, nhiều nghệ sĩ đang mong chờ cơ hội để tiếp tục hiện thực hóa ý tưởng về tình yêu Hà Nội.

- Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa chủ trì cuộc họp về thiết kế Con đường gốm sứ Hà Nội. Người đứng đầu chính quyền thành phố đã thống nhất chủ trương triển khai Con đường gốm sứ Hà Nội đoạn từ cửa khẩu An Dương đến cầu Nhật Tân, theo hướng tuyến từ An Dương đến cầu Nhật Tân. Sở VHTT được giao chủ trì, mời các nhà điêu khắc, hội họa, kiến trúc sư,... thành lập Hội đồng nghiên cứu đề xuất ý tưởng, chất liệu, lên phương án tổng thể về Con đường gốm sứ Hà Nội theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Là tác giả công trình nghệ thuật Con đường gốm sứ ven sông Hồng, món quà kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và được tổ chức Kỷ lục Guinness công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới, cảm xúc của chị khi đón nhận thông tin Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai Con đường gốm sứ từ An Dương đến cầu Nhật Tân như thế nào?

- Tôi rất vui mừng. Vì sau nhiều nỗ lực, TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương để các nghệ sĩ tiếp tục chung tay làm nên những tác phẩm làm đẹp cho không gian nghệ thuật công cộng của Thủ đô. Chắc rằng con đường gốm sứ từ An Dương đến cầu Nhật Tân sẽ tạo nên những dấu ấn đẹp về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của Hà Nội, như những gì mà Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã để lại trong tâm trí của người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế những năm qua.

Một đoạn tranh gốm sứ bị phá dỡ hồi tháng 6.2020 có được khôi phục cùng với con đường gốm sứ mới này hay không, thưa họa sĩ?

- Thông báo của UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, các đoạn tranh cũ đã thực hiện của Con đường gốm sứ được giao cho Sở VHTT xây dựng kế hoạch duy tu và tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ. Về đoạn tranh gồm 300 mét chiều dài và 689 m2 tường gốm sứ bị buộc phải phá bỏ để phục vụ việc triển khai thi công dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, mặc dù rất đáng tiếc nhưng cũng phải thấy rằng đây là vấn đề bất khả kháng. UBND TP. Hà Nội đã có chủ trương sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn đê bê tông cốt thép sẽ tiếp tục có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường mới. Chiều dài tường bê tông cốt thép là rất lớn và vẫn sẽ tiếp tục duy trì, phát triển con đường gốm sứ ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một biểu tượng và là nét đẹp văn hóa độc đáo của Thủ đô Hà Nội.

 Con đường gốm sứ luôn là “điểm nhấn” của nhiếp ảnh

Có ý kiến cho rằng có thể sử dụng các chất liệu khác trên con đường từ An Dương đến cầu Nhật Tân, không nhất thiết chỉ là gốm sứ? Là tác giả của nhiều tác phẩm công trình gốm sứ nghệ thuật hoành tráng, chị có suy nghĩ gì?

- Đúng là trước đó đã có nhiều ý kiến cho rằng có thể sử dụng những chất liệu khác như đồng, đá... trên con đường nghệ thuật này. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 10 năm gắn bó với các công trình nghệ thuật công cộng làm từ chất liệu gốm sứ như Con đường gốm sứ ven sông Hồng, lá quốc kỳ Việt Nam trên đảo Trường Sa Lớn, bức tranh gốm Mùa xuân Hà Nội, bức tranh gốm kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam tại phòng khánh tiết lớn của Tòa thị chính TP Choisy le Roi..., tôi thấy rằng gốm là chất liệu mang tính chất bền vững, có thể bền bỉ trải qua mưa nắng, dễ dàng sửa chữa, khắc phục khi bị xuống cấp, hỏng hóc.

Mặt khác, trải qua lịch sử, gốm sứ là chất liệu gắn bó với dòng chảy xuyên suốt của văn hóa Thăng Long- Hà Nội, từ những địa tầng văn hóa được khai quật sâu dưới lòng đất cũng đã phát hiện nhiều di vật giá trị, với những men ngọc, men lam, hoa nâu... qua các triều đại trong lịch sử cho đến hôm nay. Dòng chảy văn hóa xuyên suốt của mảnh đất ngàn năm Thăng Long- Hà Nội cũng một phần quan trọng được lưu giữ qua những họa tiết, hoa văn trên chất liệu gốm sứ. Bởi thế, nhóm nghệ sĩ đương đại mong muốn tiếp tục được thể hiện tình yêu với Thủ đô qua chất liệu gốm sứ nghệ thuật, từ triệu viên gốm nhỏ để ghép nên tình yêu Hà Nội.

 “Đề bài” về Con đường gốm sứ Hà Nội theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội có khơi gợi ý tưởng gì đối với những nghệ sĩ đã có kinh nghiệm thực hiện các công trình nghệ thuật gốm ngoài trời?

- Nằm trên tuyến đường từ sân bay Nội Bài vào nội đô, trục tường đê mới xây này nằm trọn trên tuyến đường từ cầu Nhật Tân vào trung tâm Thành phố. Để Con đường gốm sứ thực sự trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang ý nghĩa sáng tạo đặc sắc của Hà Nội, chúng tôi mong muốn được hiện thực hóa những ý tưởng tiếp theo về văn hóa, lịch sử Thăng Long- Hà Nội, chẳng hạn như đoạn tranh gốm mang tính biểu tượng về hình ảnh Hà Nội với thông điệp Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình Hà Nội - Thành phố Sáng tạo; đoạn tranh Hà Nội trên bản đồ Di sản Việt Nam - tái hiện các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản thế giới; Hà Nội xưa và nay, khắc họa nét đẹp truyền thống và hiện đại của Hà Nội trong cảnh quan, kiến trúc và thời trang; tranh gốm thiếu nhi Những ước mơ Hà Nội; Hà Nội với bạn bè quốc tế...

Đặc biệt, trong trường đoạn tranh gốm Hà Nội với bạn bè quốc tế, hình ảnh xuất hiện là đoạn tranh gốm Phố cổ Bùi Xuân Phái nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh danh họa (1920-2020), cũng là sự bù đắp lại đoạn tranh gốm Phố cổ Bùi Xuân Phái đã bị phá dỡ để mở rộng đường. Đoạn tranh Hà Nội - Thành phố Sáng tạo dự kiến thể hiện nét đẹp sáng tạo tiêu biểu của Hà Nội như hệ thống cây xanh được bảo tồn và phát triển tạo nên cảnh quan đẹp, thân thiện với môi trường, các di sản kiến trúc truyền thống được bảo tồn, các khu đô thị mới văn minh được xây dựng, các nghề thủ công mỹ nghệ phong phú được lưu giữ, đời sống sôi động cùng các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh vốn có truyền thống lâu đời tại Hà Nội, nay càng phát triển với những nét sáng tạo mới...

Xin cảm ơn chị!

  Sau nhiều nỗ lực, TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương để các nghệ sĩ tiếp tục chung tay làm nên những tác phẩm làm đẹp cho không gian nghệ thuật công cộng của Thủ đô. Chắc rằng con đường gốm sứ từ An Dương đến cầu Nhật Tân sẽ tạo nên những dấu ấn đẹp về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật của Hà Nội, như những gì mà Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã để lại trong tâm trí của người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế những năm qua.

BẢO ANH (thực hiện)

 

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top