Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

29 Tháng Ba 2024

Lặng lẽ như... phim hoạt hình Việt

Thứ Sáu 24/07/2020 | 10:56 GMT+7

VHO- “Để chọn xem một phim hoạt hình của Việt Nam và thích đến nỗi in hình nhân vật lên áo, lên cặp thì hầu như là không có... Để tạo ra những nhân vật được thần tượng như chuột Mickey, Người dơi, Người nhện, Pikachu... thì còn là một hành trình dài”.

Monta và những người bạn trong hành trình khám phá “Dải ngân hà kỳ cục”

 Đó là chia sẻ của Giám đốc đơn vị sản xuất phim hoạt hình Dee Dee Studio Đặng Hải Quang trong cuộc trò chuyện với chủ đề “Nghề làm phim hoạt hình” vừa diễn ra tại HN.

Chưa có chỗ đứng trên sân nhà

Trong lịch sử phát triển hơn 100 năm, phim hoạt hình thế giới đã có nhiều tác phẩm hay, giàu tính nghệ thuật, nội dung sâu sắc và chinh phục khán giả thành công, đạt doanh thu phòng vé “khủng”. Còn Việt Nam, có thể thấy nghịch lý là hoạt hình nội gần như vắng bóng ngay trên sân nhà, khi được hỏi cũng không mấy người biết đến tên tác phẩm nào nổi tiếng.

Đã hơn 60 năm kể từ bộ phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên “Đáng đời thằng Cáo” (1959) đến nay, hoạt hình nước nhà vẫn chưa có bộ phim nào tự tin ra rạp, hầu hết mới ở dạng chiếu kèm miễn phí. Theo số liệu thống kê, trong nhiều năm qua, số lượng phim hoạt hình nội được chiếu rạp, phát sóng trên truyền hình, mạng xã hội… thu hút được khán giả chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn. Cá biệt có một số bộ phim như “Con Rồng cháu Tiên”, “Truyền thuyết gươm thần”, “Cuộc phiêu lưu của trứng, chanh và ớt”, “Dưới bóng cây”... là những trường hợp “hiếm hoi” đạt số lượng người xem khá lớn khi được chiếu trên YouTube. Thị trường phim hoạt hình chiếu rạp là “độc quyền” của các hãng hoạt hình quốc tế, còn ở trên truyền hình, sự lựa chọn của khán giả, đặc biệt là các em nhỏ, nhiều năm qua vẫn là những bộ phim hoạt hình vui nhộn của Cartoon Networks, Disney Channel…

Trong khi đó, Công ty cổ phần Hãng Phim hoạt hình Việt Nam mỗi năm sản xuất 15-20 phim theo đặt hàng của Nhà nước và nhiều phim dịch vụ khác. Phim có cả hình thức 2D và 3D, chủ đề phong phú, từ cổ tích, lịch sử, danh nhân đến môi trường, xã hội… Tuy nhiên, hầu hết các phim chỉ kéo dài khoảng 10 phút, có phim phát triển lên 20-30 phút, nhưng không thể đứng độc lập, mà phải ghép thành chùm để chiếu rạp. Hãng cũng đã chú trọng sản xuất phim dài tập, như “Hiệp sĩ Nghé Vàng”, “Ngôi sao xanh kỳ lạ”... và lập một trang trên mạng xã hội YouTube để chiếu miễn phí. Thế nhưng, để sản xuất phim ra rạp với thời lượng 80-90 phút hoặc chuỗi hàng trăm tập phim để chiếu thành kênh riêng vẫn là mơ ước xa vời với giới làm phim hoạt hình Việt Nam.

Giám đốc Dee Dee Studio Đặng Hải Quang cho rằng, Việt Nam hiện nay chưa có thị trường phim hoạt hình, chủ yếu hướng tới phục vụ mục đích giáo dục, tuyên truyền là chính. “Thế giới vẫn chưa biết đến phim hoạt hình Việt Nam như một địa chỉ có những họa sĩ tốt, có thể làm phim chất lượng, mà chỉ nghĩ đây là thị trường rất nhỏ, không đáng để nhắc tới”, ông Quang chia sẻ.

Số lượng phim ít ỏi, nội dung chưa hấp dẫn, thiếu kịch bản phù hợp với thị hiếu của khán giả đương đại, cách thể hiện cũ, hạn chế về mặt phương tiện, kỹ thuật, truyền thông... là những yếu tố khiến phim trong nước khó cạnh tranh và tiếp cận khán giả. Nhìn nhận về vấn đề này, đạo diễn, NSND Hà Bắc bày tỏ, trong nhiều năm trở lại đây chúng ta chỉ đang tự khen nhau, vẫn cứ dồn tiền để làm những bộ phim theo kiểu vui vui, nên sẽ còn rất xa nữa, Việt Nam mới có tên trên bản đồ thế giới khi nói về thể loại này. “Tôi đã từng mất nhiều công sức, lấy ảnh hưởng của mình để giới thiệu phim hoạt hình Việt Nam đến với Hiệp hội làm phim hoạt hình thế giới, nhưng tựu trung phim của ta vẫn còn... quá xa đường quốc lộ”, NSND Hà Bắc bày tỏ.

 Bộ phim “Con Rồng cháu Tiên” thu hút hàng chục triệu lượt xem

Cần sự chuyên nghiệp để bứt phá

Không thể một sớm một chiều sánh ngang với những nước có nền tảng làm phim hoạt hình vững chắc, nhưng cánh cửa cơ hội dường như đang mở ra khi vài ba năm trở lại đây, bắt đầu có sự vào cuộc của các nhà sản xuất tư nhân và tạo nên làn gió mới cho thị trường phim hoạt hình Việt Nam. Có thể kể đến Hãng phim VinTaTa với bộ phim “Con Rồng cháu Tiên” (sản xuất năm 2017, dài 23 phút) trên YouTube, đến nay đã thu hút hàng chục triệu lượt xem; tiếp nối là series “Monta trong dải ngân hà kỳ cục” (2018-2019) ra rạp trong nước và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả, phá bỏ định kiến với phim hoạt hình Việt.

Trên thực tế, hầu hết các đơn vị làm phim tư nhân của Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất phim 2D nhằm tiếp cận các nền tảng streaming (trực tuyến), thay vì chiếu rạp - vốn rất khó cạnh tranh với “bom tấn” của các hãng hoạt hình lớn. Bên cạnh đó, sự ra đời và thành công của nhiều phim hoạt hình do các studio tư nhân sản xuất vài năm qua một lần nữa cho thấy tiềm năng của các họa sĩ Việt Nam, với trình độ và kỹ năng tốt, hoàn toàn có thể đem đến tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao để chinh phục khán giả.

Giám đốc VinTaTa, Nguyễn Phi Phi Anh chia sẻ: “Đội ngũ của chúng tôi đã và đang tập trung xây dựng, phát triển một “vũ trụ” phim hoạt hình đa dạng, mang đậm nét đặc trưng văn hoá Á Đông. Chúng tôi luôn tâm huyết để bắt buộc phải làm ra được các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế về hình ảnh và gần gũi với người Việt về nội dung, nhằm mang đến niềm vui cho công chúng qua những nhân vật và câu chuyện độc đáo...”. Bên cạnh đó, các nhóm yêu thích phim hoạt hình như: Colory Animation, F.Studio đã đầu tư sản xuất nhiều phim hoạt hình chiếu trên internet, thu hút hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem... tạo được hiệu ứng tốt. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam Trần Thị Thu Hiền, các đơn vị tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này sẽ mang lại cho khán giả những món ăn tinh thần thú vị cũng như cảm nhận phong phú hơn, bởi mỗi đơn vị sẽ có cách khai thác đề tài, áp dụng công nghệ riêng. Được đầu tư về cả công nghệ và có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt hình Việt hy vọng sẽ có thêm nhiều tác phẩm chất lượng, trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn cho khán giả. 

 TRUNG HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top