Về việc tổ chức tiệc tối trong Đêm hội tháp cổ ở Ninh Thuận: Không ảnh hưởng đến tín ngưỡng nhưng cũng phải rút kinh nghiệm

VHO- Sở VHTTDL vừa có văn bản số 179/ BC-SVHTTDL gửi UBND tỉnh Ninh Thuận để báo cáo về việc tổ chức hoạt động đón tiếp Đoàn famtrip khảo sát tại di tích tháp Pô Klong Garai, trong đó có đề cập đến thông tin tiệc đêm của chương trình “Huyền bí tháp cổ” gây nên ý kiến nhiều chiều.

Về việc tổ chức tiệc tối trong Đêm hội tháp cổ ở Ninh Thuận: Không ảnh hưởng đến tín ngưỡng nhưng cũng phải rút kinh nghiệm - Anh 1

 Trình diễn nhạc cụ của đồng bào Chăm tại Đêm hội

Theo báo cáo, ngay sau khi báo chí phản ánh Sở VHTTDL Ninh Thuận đã yêu cầu Ban quản lý di tích tỉnh (đơn vị trực tiếp quản lý di tích tháp Pô Klong Garai) tổ chức cuộc họp với Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh và một số trí thức Chăm đại diện cho cộng đồng để tham vấn, trao đổi để đánh giá sự việc tổ chức tiệc đêm trong khu vực tháp. Tại cuộc họp, sau khi nghe Ban quản lý Di tích báo cáo nêu rõ mục đích, nội dung, địa điểm (vị trí) tổ chức buổi tiệc tối và giao lưu văn hóa, nghệ thuật diễn ra vào tối 7.7 vừa qua, các thành viên Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh thống nhất khẳng định: “Chỉ khi tổ chức tiệc ăn uống tại khu vực tháp chính (khu vực 1) mới ảnh hưởng đến nơi tâm linh, tín ngưỡng, còn việc tổ chức tại khu vực cổng ra vào di tích tháp Pô Klong Garai thì không ảnh hưởng đến tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng”.

Tuy nhiên, cũng tại cuộc họp Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh cũng đề nghị Ban quản lý di tích cần thông tin, trao đổi thống nhất với Hội đồng trước khi tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch lớn tại khu vực tháp để phòng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra như vừa qua.

Sở VHTTDL Ninh Thuận cũng cho biết đã tổ chức buổi họp kiểm điểm, phê bình tổ chức, cá nhân có liên quan và xem đây là sơ suất đáng tiếc cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để tái diễn trong thời gian tới. Đồng thời yêu cầu Ban quản lý di tích tăng cường công tác trao đổi thông tin, tham vấn Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh, tạo sự đồng thuận thống nhất trong tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch có quy mô lớn trong không gian di tích tháp Pô Klong Garai trong thời gian tới. “Sở VHTTDL xin nhận khuyết điểm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thiếu nhạy bén trong công tác phán đoán, dự báo các vấn đề nhạy cảm, phát sinh và nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn trong thời gian tới”, văn bản cho biết.

Về việc tổ chức tiệc tối trong Đêm hội tháp cổ ở Ninh Thuận: Không ảnh hưởng đến tín ngưỡng nhưng cũng phải rút kinh nghiệm - Anh 2

 Một số hoạt động văn hóa trong “Đêm hội tháp cổ” tại tháp Pô Klong Garai

Cũng theo báo cáo của Sở này, từ ngày 7 -10.7, Sở VHTTDL phối hợp Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Đoàn famtrip khảo sát nhiều điểm du lịch trên địa bàn, với sự tham gia của 140 thành viên của hơn 100 doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch trong cả nước. Đặc biệt, chương trình cũng là “cầu nối” để cộng đồng doanh nghiệp du lịch biết đến tiềm năng du lịch Ninh Thuận. Trong khuôn khổ chương trình famtrip năm 2020, các doanh nghiệp tham gia đã khảo sát các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, như: Tháp Pô Klong Garai, Bảo tàng tỉnh, Thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ, Làng nho Thái An, khảo sát du lịch cộng đồng tại Cầu Gãy, tham quan vịnh Vĩnh Hy, lướt ván diều Mỹ Hòa, trải nghiệm văn hóa Raglay tại Hang Rái, khu du lịch thể thao giải trí Tanyoli, khảo sát cung đường ven biển phía Nam Hòn Cò, Cà Ná, khảo sát mô hình du lịch cộng đồng làng gốm Bàu Trúc, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm…

Ngày 7.7, Đoàn famtrip đến khảo sát tại điểm di tích tháp Pô Klong Garai, ăn tối nhẹ ở cổng ra vào của di tích (khu vực 3, tháp Pô Klong Garai), sau đó Đoàn có hoạt động giao lưu, trải nghiệm văn hóa – nghệ thuật Chăm trong chương trình “Huyền bí tháp cổ” với các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống của đồng bào Chăm như: ca, múa, trình diễn các nhạc cụ như kèn saranai, trống ginăng, trưng bày và trình diễn chế tác gốm Chăm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, các món ẩm thực Chăm như làm bánh ginaong laya (bánh củ gừng, bánh càng cua), món cừu nướng… Địa điểm tổ chức sinh hoạt, giao lưu là sân gạch bên trong cổng tháp Pô Klong Garai, (cách khu vực tháp chính khoảng 1 km), và không ảnh hưởng gì đến tín ngưỡng, tâm tinh hay sinh hoạt của cộng đồng người Chăm.

Sự kiện tổ chức, tiếp đón đoàn lữ hành famtrip đã có một số ý kiến phản ánh trái chiều, thông tin từ các trang mạng, báo chí phản ánh về việc tổ chức sinh hoạt, ăn uống kết hợp giao lưu văn hóa nghệ thuật bên trong khuôn viên di tích tháp Pô Klong Garai, gây ảnh hưởng ngành Du lịch. Vấn đề này, Sở VHTTDL Ninh Thuận đã có văn bản gửi đến Sở TT&TT để có thông tin đầy đủ cung cấp cho báo chí về việc tổ chức “Đêm hội tháp cổ”, để rộng đường dư luận và tránh gây hiểu lầm. Trước đó Văn Hóa đã phản ánh trong bài “Xung quanh việc tổ chức tiệc tối trong Đêm hội tháp cổ ở Ninh Thuận: Cách xa khu vực tháp cổ hơn 1 km” (số 3435, ra ngày 13.7). 

 Chỉ khi tổ chức tiệc ăn uống tại khu vực tháp chính (khu vực 1) mới ảnh hưởng đến nơi tâm linh, tín ngưỡng, còn việc tổ chức tại khu vực cổng ra vào di tích tháp Pô Klong Garai thì không ảnh hưởng đến tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng.

 XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc